Xã hội

Dừng xét xử lưu động, ĐBQH và luật sư nói gì?

05/02/2018, 09:05

Báo Giao thông ghi nhận một số ý kiến ĐBQH và luật sư xung quanh vấn đề này.

24

ĐB Trương Minh Hoàng

ĐB Trương Minh Hoàng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Bối cảnh xã hội đã khác, bỏ là hợp lý

Trước đây, mục đích lớn nhất của việc này là tuyên truyền pháp luật và răn đe tội phạm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay bối cảnh xã hội đã khác, hệ thống thông tin tuyên truyền phủ sóng rất rộng, thông tin về các vụ án đã được công khai rộng rãi, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Vì vậy, đây chính là thời điểm để cân nhắc có nên tiếp tục các phiên xét xử lưu động.

Ngoài ra, đối chiếu với Hiến pháp cũng như quy định của pháp luật về quyền con người, vì một người khi chưa có bản án tuyên có hiệu lực của toà án thì chưa bị coi là phạm tội. Điều này rất quan trọng, bởi tôi biết áp lực khi đưa ra xét xử lưu động là rất lớn, tôi cũng biết có người trước khi chuẩn bị đưa ra xét xử lưu động không chịu được áp lực đã có quyết định đáng tiếc.

Và một khi đưa ra xét xử lưu động, tức là con đường hướng thiện và tái hòa nhập cộng đồng của các bị cáo cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Còn nếu nói về mục đích tuyên truyền, cũng phải xem xét hai mặt. Bởi khi toà xét xử, thường công bố chi tiết các tình tiết trong vụ án. Chẳng hạn như với vụ án giết người, các chi tiết được công bố trước đám đông gồm rất nhiều thành phần dân chúng chưa hẳn đã đặt được mục tiêu tuyên truyền. Xét xử lưu động cũng rất tốn kém và phải chuẩn bị nhiều điều kiện. Vì thế, các vụ xét xử lưu động thường là những vụ nổi cộm, nhưng bị cáo trong những vụ án này lại thường mang tính chất manh động, nguy hiểm. Ví dụ, như vụ thảm sát 6 người trong gia đình ở Bình Phước rất nghiêm trọng. Khi đưa bị cáo ra ngoài xét xử cần đội ngũ bảo vệ, kiểm soát rất lớn.

Với những phân tích về mặt được và chưa được, tôi đồng tình với ý kiến nên dừng các phiên tòa xét xử lưu động.

25

Trung tướng Trần Văn Độ

Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Toà quân sự T.Ư):

Tạo áp lực cho HĐXX, bản án thường nghiêm khắc hơn

Trước đây, xử lưu động cũng có tác dụng nhưng nó đã hoàn thành sứ mệnh rồi. Đối với luật pháp, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là bảo vệ quyền con người. Đem một người ra xét xử lưu động mà sau này chứng minh người ta không phạm tội sẽ gây hệ luỵ rất lớn cho bản thân họ cùng gia đình. Vì ở Việt Nam, người bị đem ra xét xử dù phạm tội hay không cũng đều bị “vết” rồi, và phải chịu áp lực lớn từ dư luận xã hội.

Đa số các vụ được đưa ra xét xử lưu động là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong dư luận nên hội đồng xét xử chịu áp lực rất lớn, ảnh hưởng đến tính khách quan. Họ thường xử nghiêm khắc hơn để đảm bảo tính răn đe.

Trong xét xử, quan trọng nhất tôn trọng nguyên tắc công khai, công bằng, khách quan. Vậy thì tại sao có người được xét xử trong phòng xử án nhưng có người lại bị đưa về nơi công tác hoặc đưa về địa phương nơi sinh sống để xét xử? Xét xử lưu động không những ảnh hưởng đến bị cáo mà còn ảnh hưởng đến gia đình bị cáo, người bị hại, bởi có nhiều vấn đề họ không muốn công khai rộng rãi cho mọi người cùng biết. Đó là chưa kể đến kinh phí cho việc này là quá lớn, mỗi năm tốn hơn 70 tỷ đồng. Vì thế, từ nay các tòa án cũng không nên lấy việc xét xử lưu động làm tiêu chí thi đua nữa.

26

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội luật gia TP HCM):

Có gia đình bị cáo phải “bỏ xứ mà đi”

Trước đây, việc xét xử các phiên toà lưu động cũng giúp cho việc tuyên truyền pháp luật, công khai các bản án, nhưng đến thời điểm hiện tại đã không còn phù hợp. Từng tham gia các phiên toà xét xử lưu động, tôi thấy việc xét xử có nhiều khó khăn cũng như có nguy cơ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khi đưa bị cáo, bị hại hay người làm chứng ra trước nơi công cộng, thậm chí là mất đi sự nghiêm túc trong quá trình xét xử.

Nhưng vấn đề lớn nhất là việc xét xử lưu động không đảm bảo được quyền con người. Hiến pháp 2013 của chúng ta đề cao quyền con người và quyền công dân. Nếu đem một người chưa bị coi là tội phạm ra xét xử lưu động thì không đảm bảo được quyền ấy. Bởi rất có thể, sau khi xét xử, người ấy không phạm tội. Tuy nhiên, việc đem bị cáo ra xét xử trước đám đông đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự của họ. Đặc biệt, tác động đến người thân, gia đình của họ. Tôi đã biết không ít gia đình bị cáo vì áp lực dư luận đã phải bỏ xứ mà đi, hay có nhiều quyết định đáng tiếc.

Bên cạnh đó, kinh phí cho mỗi phiên xét xử lưu động là cực kỳ tốn kém. Phiên xét xử thường diễn ra ở bãi đất trống nên ít nhất phải cần đến một tiểu đội hay trung đội mới bảo vệ được. Nếu là một phiên toà phức tạp, thậm chí ngoài công an còn cần đến cả quân đội, dân quân tự vệ, dân phòng... Đó là một lực lượng rất hùng hậu. Hơn nữa, ở nơi công cộng rất khó kiểm soát, quản lý mọi vấn đề. Công tác bảo vệ nhân chứng hay cả bị cáo và bị hại đều có nguy cơ xảy ra tình huống xấu.

27

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP HCM):

Tác dụng ngược

Là người tham gia nhiều phiên xử lưu động, tôi nhận thấy hình thức xét xử này cũng có những ưu, khuyết điểm của nó. Cái ưu lớn nhất và cũng là mục đích của tòa án đó là tuyên truyền pháp luật. Tuy nhiên, đánh giá chung thì có nhiều hạn chế hơn.

Thứ nhất, có những vụ án không những không tuyên truyền được mà còn có tác dụng ngược. Tôi nhớ trong một phiên xử lưu động tại một huyện ở Tây Nguyên, sau khi nghe luật sư phát biểu quan điểm thì, rất cả người dân địa phương đều vỗ tay và kết quả là tòa phải trả hồ sơ để điều tra lại. Ở phiên xử này, người dân ủng hộ bị cáo vì cho rằng, viện kiểm sát truy tố như vậy là chưa phù hợp, có nghĩa mục đích của xét xử lưu động đã không đạt được mục đích.

Thứ hai, Hiến pháp quy định không ai bị xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của pháp luật và phải được chứng minh tội phạm đúng trình tự, thủ tục luật định. Kết quả xét xử, không phải lúc nào án cũng có hiệu lực ngày và đúng trình tự. Vì thế, nếu sau này, bị cáo bị tuyên án oan, có nghĩa buổi tuyên truyền giáo dục hôm đó có tác dụng ngược.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.