Thế giới

Dụng ý phía sau “Con đường tơ lụa y tế” của Trung Quốc

01/04/2020, 07:10

Việc thực hiện “Con đường tơ lụa y tế” còn là phương tiện để Trung Quốc thực hiện chiến lược ngoại giao.

img
Một đường tàu nối TP Nghĩa Ô, Trung Quốc với châu Âu

Đại dịch chết người Covid-19 đang chuyển tâm dịch từ Trung Quốc sang các nước châu Âu, châu Mỹ, dọc các tuyến đường trong chiến lược Vành đai và Con đường (BRI) của ông Tập Cận Bình. Trong bối cảnh các nước đang gặp khó khăn trong chống dịch, Bắc Kinh đã cung cấp hỗ trợ y tế cho các quốc gia đối tác, sử dụng chính những hành lang, cảng biển và trung tâm logistics trong sáng kiến này, bất chấp những chỉ trích và ngờ vực từ nhiều chuyên gia, nhà quan sát.

“Con đường tơ lụa y tế”

Ngày 21/3, một con tàu chở 110.000 khẩu trang y tế và 776 đồ bảo hộ khởi hành từ Yiwu, ở phía Đông Trung Quốc tới Tây Ban Nha - một trong những quốc gia phương Tây khi đó nổi lên thành tâm dịch Covid-19 mới, với khoảng cách 13.000km trong 17 ngày.

Đây là một trong những con tàu nằm trong hệ thống đường sắt Trung Quốc - châu Âu đang kết nối hàng chục thành phố tại Trung Quốc với các nước ở phương Tây. Cả hai bên đều coi đây là giải pháp khả quan giúp tăng sản lượng vận tải hàng hoá hạng nặng, giá trị cao giữa hai khu vực với chi phí rẻ hơn phương thức vận tải đường biển hoặc hàng không.

Bên cạnh Tây Ban Nha, Trung Quốc cũng đã liên tục gửi hàng cứu trợ, thiết bị y tế tới nhiều quốc gia đối tác khác nằm trong sáng kiến BRI như: Italy, Cộng hoà Séc, Pháp…

Không riêng chính phủ, nhiều tỷ phú và doanh nghiệp Trung Quốc cũng tham gia hỗ trợ khẩu trang y tế tới các quốc gia châu Âu như người giàu nhất Trung Quốc Jack Ma với mức 2 triệu khẩu trang; gã khổng lồ về viễn thông và 5G Huawei đã đề nghị hỗ trợ số lượng lớn đồ bảo hộ cá nhân cho Ireland…

Nhận định về động thái của Bắc Kinh, một số chuyên gia cho rằng, đây là một trong những nỗ lực nhằm củng cố chiến lược tự khẳng định vị trí lãnh đạo toàn cầu về chăm sóc sức khoẻ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “Con đường tơ lụa y tế”.

Chưa kể, đây cũng là cơ hội tốt để Trung Quốc mở rộng thị phần về trang thiết bị ngành y. Hiện tại, nước này đang là nhà sản xuất thiết bị y tế lớn trên thế giới, chiếm một nửa nguồn cung khẩu trang phòng độc N95.

Song, triển vọng này có lẽ không sáng sủa bởi hiện tại, dù đang trong lúc dịch khẩn cấp nhưng nhiều quốc gia châu Âu đã triệu hồi và trả lại thiết bị y tế như khẩu trang và bộ kit xét nghiệm Covid-19 tốc độ cao.

Trong đó, Bộ Y tế Hà Lan ra thông báo triệu hồi 600.000 khẩu trang N95 sản xuất tại Trung Quốc không đạt chuẩn, bất chấp gây sốc đối với các nhân viên y tế tuyến đầu đang rất cần thiết bị y tế chất lượng cao để ngăn lây nhiễm Covid-19. Trước đó, Tây Ban Nha và Cộng hoà Séc thông báo hàng trăm nghìn bộ kit xét nghiệm nhanh “Made-in-China” không tin cậy.

Ghi điểm, tăng quyền lực mềm

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử sáng kiến BRI, có thể thấy, Trung Quốc đã tiếp cận các quốc gia gặp khó khăn như Hy Lạp, Italy và Sri Lanka, nỗ lực tái thiết những thực thể kinh tế đang gặp khó khăn của họ và đổi lại là dấu ấn ngày càng đậm nét cho các công ty Trung Quốc, thêm đòn bẩy cho vị thế của Bắc Kinh và dĩ nhiên là chồng thêm một đống nợ. Điển hình là thương vụ Trung Quốc thâu tóm cảng Pireaus của Hy Lạp sau khủng hoảng tài chính năm 2008.


Ngoài ra, theo một số chuyên gia, đây còn là phương tiện để Trung Quốc thực hiện chiến lược ngoại giao, nhằm tăng cường sức nặng và ảnh hưởng trên chính trường quốc tế cũng như lấy lại hình ảnh của Bắc Kinh sau khi bị chỉ trích nặng nề vì không minh bạch thông tin ngay khi dịch bệnh mới phát tán.

Bà Lucrezia Poggetti, nhà phân tích đến từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Berlin, Đức cho rằng, “chính sách khẩu trang” của Trung Quốc có thể ghi điểm, giành một số quyền lực mềm trong ngắn hạn nhưng nó sẽ phản tác dụng nếu chiến lược tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc bị đẩy đi quá xa như những gì đang diễn ra.

Ví dụ điển hình cho thấy Trung Quốc đã ghi điểm nhờ chiến lược ngoại giao khẩu trang chính là câu chuyện tại Cộng hoà Séc - cửa ngõ vào châu Âu của Trung Quốc.

Đầu tháng 3, Thủ tướng Séc Andrej Babis thẳng thắn tỏ thái độ tức giận với Đại sứ Trung Quốc tại Prague và yêu cầu Bắc Kinh thay Đại sứ mới vì nhà ngoại giao này từng đe doạ sẽ trừng phạt các doanh nghiệp Séc hoạt động tại Trung Quốc nếu có thêm một chính trị gia cấp cao nào khác tới thăm Đài Loan. Chỉ vài tuần sau, ông Babis và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Jan Hamacek lại không ngớt lời ca ngợi Đại sứ quán Trung Quốc và cá nhân Đại sứ Zhang Jianmin sau khi Bắc Kinh vừa chuyển tới Séc lô hàng 1,1 triệu chiếc khẩu trang và mặt nạ phòng độc giúp chính quyền Séc đối phó với đại dịch mới. Trên tài khoản Twitter, ông Hamacek viết: “Vô cùng cám ơn Trung Quốc vì sự giúp đỡ”.

Mặt khác, ông Jonathan Hillman đến từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cũng như nhiều chuyên gia khác còn nhận định: Động thái của Bắc Kinh trong đại dịch lần này hoàn toàn phản ánh với chiến lược thâm nhập thị trường của Trung Quốc trong kế hoạch Vành đai - Con đường.

Ngoài ra, theo ông Frans-Paul van der Putten, đến từ Viện Clingendael của Hà Lan, đại dịch Covid-19 có thể tạo ra 3 tác động dài hạn đối với sáng kiến BRI. Đó là củng cố vai trò ngày càng lớn cho các công ty do Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn trong vận tải hàng không, đường biển; Tăng cường sức nặng của Trung Quốc trong các mối quan hệ với các quốc gia đang phát triển đang xây hạ tầng nhờ tài chính của nước này và gặp khó khăn khi chi trả nợ; Cuối cùng là tạo thêm động lực cho Trung Quốc nắm vai trò lãnh đạo mạnh hơn trên các nền tảng đa phương như G20, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.