Xã hội

Được lợi gì từ dự án thông luồng sông Hậu?

17/03/2014, 10:07

Khi dự án thông luồng sông Hậu được hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ có rất nhiều tàu thuyền trong và ngoài nước ngược xuôi trên sông Hậu và cập cảng Định An.

Khi dự án thông luồng sông Hậu được hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ có rất nhiều tàu thuyền trong và ngoài nước ngược xuôi trên sông Hậu và cập cảng Định An. Hàng hóa tấp nập, dịch vụ “ăn theo” khởi sắc.
 

Các nhà thầu triển khai thiết bị, nhân lực tại công trường
Các nhà thầu triển khai thiết bị, nhân lực tại công trường


Ngày 15/3, tại Trà Vinh, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức lễ khởi công gói thầu 10A dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Dự án được khởi động đang mở ra nhiều cơ hội cho ĐBSCL phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng…

Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu nằm trên địa bàn 5 xã: Long Toàn, Long Khánh, Dân Thành, Long Vĩnh, Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải) và 4 xã, thị trấn gồm Đại An, Đôn Xuân, Đôn Châu, Định An (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh).

Luồng sông Hậu khi đi vào khai thác sẽ giải quyết tốt nhu cầu vận tải thủy và bẳng đường biển cho 13 tỉnh trong khu vực ĐBSCL, nơi có số dân bằng khoảng 20% cả nước. Theo thiết kế, luồng sẽ được nạo vét để có độ sâu đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải, tàu 20.000 tấn giảm tải ra, vào các cảng trên sông Hậu, vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu của khu vực ĐBSCL với khối lượng từ 21 - 22 triệu tấn năm (hàng xuất nhập khẩu) và hàng container khoảng từ 450.000 - 500.000 TEU/năm cho giai đoạn đến năm 2020.

 “Nếu vận chuyển bằng đường bộ từ cửa biển Định An, từ luồng sông Hậu của ĐBSCL đi TP HCM, cước phí vận chuyển sẽ tăng từ 8 -10 USD/1 tấn hàng; Tương tự, 1 container (1 TEU) giá thành vận chuyển sẽ bị đội lên khoảng từ 150 - 170 USD. Đem nhân với khối lượng hàng hóa thông qua, rõ ràng vận tải đường biển là giải pháp tối ưu. Không chỉ có vậy, vận tải đường biển qua luồng sông Hậu còn giảm tải đáng kể cho đường bộ, tránh gây ùn tắc, TNGT và ít gây hư hỏng đến cầu đường…” - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật khẳng định.

Đại diện các địa phương, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho hay, việc triển khai xây dựng luồng sông Hậu là đáp ứng mong mỏi ngàn đời của bà con khu vực ĐBSCL. Còn đối với Trà Vinh - một tỉnh thuộc diện nghèo nhất nước với 70% dân số là đồng bào dân tộc Khơmer thì đây còn là cơ hội “đổi đời” cho người dân, nên từ khi biết sắp có dự án được triển khai, nhân dân trong vùng đã rất háo hức, hồ hởi và nhiệt tình ủng hộ.

“Khi công trình được đưa vào khai thác sẽ có rất nhiều tàu thuyền trong và ngoài nước ngược xuôi trên sông Hậu và cập cảng Định An. Hàng hóa tấp nập, dịch vụ “ăn theo” khởi sắc. Tỉnh sẽ kêu gọi được đầu tư, hệ thống đường giao thông theo đó cũng sẽ được cải tạo, nâng cấp…” - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Phong phấn khởi nói.

Tại lễ khởi công, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cảm ơn các Bộ, ngành, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và các tỉnh khu vực ĐBSCL đã ủng hộ và phối hợp với Bộ GTVT trong suốt quá trình chuẩn bị triển khai tái khởi động dự án. Thứ trưởng cũng biểu dương Cục Hàng hải Việt Nam, Ban QLDA Hàng hải III, các đơn vị tư vấn, nhà thầu, các Ban GPMB đã có nhiều nỗ lực lớn để dự án được khởi công.

Mai Văn Huyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.