Xem - ăn - chơi

Được mất khi nhà hát “bắt tay” tư nhân

22/03/2017, 13:22

Để duy trì và phát triển sân khấu, đảm bảo đời sống diễn viên, các nhà hát buộc phải bắt tay với tư nhân...

8

Vở kịch “Kiều” của Nhà hát kịch Việt Nam đã có 10 buổi biểu diễn liên tiếp

Từ năm 2015, lộ trình tiến đến xã hội hóa hoàn toàn bắt đầu được thực hiện với việc cắt giảm 30% ngân sách cấp cho các đơn vị nghệ thuật mỗi năm. Theo lộ trình này, đến năm 2020, 100% các đơn vị nghệ thuật phải tự chủ hoàn toàn. Để duy trì và phát triển sân khấu, đảm bảo đời sống diễn viên, các nhà hát buộc phải nỗ lực tìm mọi cách bắt tay với tư nhân để đưa vở diễn đến với công chúng.

Nhiều lợi thế khi liên kết tư nhân

Ngay đầu tháng 3 vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam đã có 10 buổi biểu diễn liên tiếp vở kịch Kiều, liên tục cháy vé với mức giá 300-400 nghìn đồng/vé. Đáng chú ý, trong lần công diễn này, Nhà hát Kịch Việt Nam đã bắt tay với Công ty CP giới thiệu Văn hóa Nghệ thuật Đông Đô (Đông Đô Show). NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam tiết lộ, tình hình vé bán của 10 đêm diễn rất khả quan. Trong những ngày cuối thậm chí “cháy vé”, những khách VIP của anh còn không có vé, nhiều người muốn mua nhưng không còn, có khách lại phải ngồi ở khá xa.

"Với các đơn vị nghệ thuật, trước mắt, nếu chưa có cơ chế xây dựng thành một đơn vị “kinh doanh”, khai thác được hiệu quả nghệ thuật và kinh tế thì bắt tay với đơn vị truyền thông là đương nhiên. Với cách hợp tác này, tôi nghĩ chỉ trong ít năm nữa sẽ có sự chuyển dịch rất rõ ràng: Lực lượng khai thác và quảng bá sản phẩm (nghệ thuật) đến với công chúng. Việc xây dựng hình ảnh, PR, quảng bá sản phẩm rất quan trọng. Nhà hát nào chuyên nghiệp, có những tác phẩm hay sẽ giành chiến thắng”.

NSƯT Xuân Bắc
Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam

“Khi bắt tay với đơn vị tổ chức biểu diễn bên ngoài được thì lực lượng cũng nhân đôi. Chưa kể bắt tay với đơn vị có kinh nghiệm, hiệu quả còn gấp nhiều lần. Cái chính là hai bên đạt được những thỏa thuận về hoạt động để cả hai đều đạt hiệu quả. Khi lựa chọn đơn vị để hợp tác, chúng tôi cũng chọn những nhà tổ chức uy tín, có năng lực. Từ đó mới có niềm tin vào những lợi thế khi bắt tay, về sự ràng buộc hợp đồng. Quan trọng, hai bên gặp gỡ nhau ở mục đích đưa những vở diễn hay đến với khán giả chứ không phải ở mục đích kiếm tiền. Hơn nữa, chúng tôi cũng đặt cả tiêu chí không chỉ có khách thường xuyên mà phải cả khách vãng lai, biết đến vở diễn qua nhà tổ chức biểu diễn. Khách vãng lai sẽ trở thành khách thường xuyên nếu vở diễn hay. Muốn thế, chúng ta phải nhân rộng lực lượng vãng lai, mà muốn nhân rộng thì phải lan rộng thông tin”, nghệ sĩ Xuân Bắc nói và cho rằng, sự hợp tác này được nhiều hơn mất. Vấn đề là lựa chọn cách nào để đạt được hiệu quả mình mong muốn.

Bà Hoài Oanh, Giám đốc Đông Đô Show khẳng định, mỗi chương trình đều có đối tượng khán giả riêng nếu biết cách tìm đến họ. Đồng thời, công ty cũng luôn cân nhắc khi lựa chọn những đối tác và tác phẩm để quảng bá và bán vé.

NSND Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội tiết lộ thêm, khi bắt tay với “bà đỡ” trong làng tổ chức biểu diễn, tỷ lệ ăn chia thường là 50:50, với những chi phí cho quảng cáo và chi phí bồi dưỡng cho nghệ sĩ. Rõ ràng, việc hợp tác với các đơn vị tư nhân để quảng bá sản phẩm mang tới nhiều lợi thế.

Vẫn có những hệ lụy

Tuy nhiên, không phải sự hợp tác nào cũng mang lại thành công và đạt hiệu quả như mong muốn. Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, việc hợp tác này đôi khi gây ra những hệ lụy không mong muốn như bị phạt, nhắc nhở về việc treo băng rôn quảng cáo ngoài đường phố, cắt xén tiểu phẩm hay tiểu phẩm bị tác động vì nhà tổ chức không đủ điều kiện sân khấu tốt nhất... Thêm vào đó, việc bán các tác phẩm cũng khiến nghệ sĩ không được hưởng trọn vẹn thành quả lao động nghệ thuật của mình. “Việc bán show giá rẻ khiến chất lượng nghệ thuật bị rẻ rúng. Chúng tôi không bao giờ bán hợp đồng với giá 30-40 triệu đồng/suất mà chỉ bán hơn. Hiệu quả nghệ thuật phải đi kèm với hiệu quả đời sống của nghệ sĩ mới được”, ông Nhuận phân tích.

Cũng theo Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, hiện tại, cách quảng bá và bán vé chương trình qua băng rôn, banner như nhiều đơn vị biểu diễn hiện nay đã cũ, không phù hợp với cách tiếp cận khán giả hiện tại.  Bởi khán giả bây giờ thường mua vé và biết đến chương trình qua internet là chính. Cũng bởi vậy, trong 1-2 năm gần đây, Nhà hát Tuổi trẻ đã áp dụng những cách quảng cáo khác qua các kênh mua bán như: Hotdeal, Muachung, A đây rồi…  Đồng thời, quảng bá và bán vé trực tiếp hoặc qua internet chứ không dựa dẫm vào khâu bán vé trung gian. Nhờ thế, doanh thu của nhà hát trong hai năm qua đã tăng lên 2, 3 lần. Đây cũng là cách làm đang được các đơn vị như Nhà hát Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam áp dụng.

Trong khi đó, NSND Thúy Mùi cũng tiết lộ, gần như năm nào, Nhà hát Chèo Hà Nội cũng hợp tác với đơn vị tổ chức biểu diễn một vài show. Tuy nhiên, doanh thu bán vé thông qua nhà tổ chức biểu diễn không cao. Khi hợp tác theo kiểu này, phía nhà hát cũng phải kiểm soát việc bán vé của cả hai bên để đảm bảo công tác bán vé được tốt nhất.

“Khán giả của sân khấu có hai dạng: Khán giả thường xuyên và đối tượng biết đến qua nhà tổ chức biểu diễn. Khán giả thường xuyên không thuộc về đối tượng mình bắt tay. Còn khán giả biết qua quảng cáo thì mình lại phải có những cách làm cầu kỳ hơn bởi họ yêu cầu cao hơn”, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.