Xã hội

Được trao quyền đặc biệt, Chính phủ đạt nhiều thành quả phòng chống dịch

20/10/2021, 12:22

Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát

Tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vào sáng nay (20/10), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30 trong việc trao một số quyền đặc biệt cho Chính phủ trong phòng, chống dịch.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Nhất trí cơ bản với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết 30, tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, bà Nguyễn Thúy Anh đánh giá: “Công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19“.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế phối với các bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phòng, chống dịch, triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân. Cán bộ, nhân viên y tế không quản ngại vất vả, hiểm nguy, luôn đi đầu trong phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng chỉ ra việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là về hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ngoài ra, công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát; chưa thực hiện nguyên tắc cách ly tạm thời ngay từ đầu để làm xét nghiệm rộng, căn cứ vào kết quả xét nghiệm để thu hẹp phạm vi cách ly.

“Trong khi nguồn nhân lực hạn chế thì chưa huy động hiệu quả sự tham gia của y tế tư nhân, các cơ sở y tế hạn chế mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ trách nhiệm. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch còn lúng túng, có lúc, có nơi còn chưa kịp thời”, bà Thúy Anh chỉ rõ một số tồn tại.

Về sản xuất kinh doanh và lao động, việc làm, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Xã hội vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Doanh nghiệp rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh với số lượng lớn; thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp, lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỉ lệ lớn; có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong và sau các làn sóng dịch,...

Nhiều văn bản ban hành không thống nhất

Đề cập đến việc thực hiện Nghị quyết 30/2021, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: “Chính phủ đã tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về một số nội dung khác luật hoặc luật chưa quy định hoặc vượt thẩm quyền”.

Báo cáo của cơ quan thẩm tra cho biết, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh cũng chỉ ra một số tồn tại, đơn cử các văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương và chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các địa phương.

“Một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật; trong chỉ đạo, điều hành đôi lúc còn lúng túng, thiếu thống nhất. Việc phân cấp cho các địa phương thời gian qua chưa thật chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện”, bà Thúy Anh dẫn chứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.