Chất lượng sống

Dưới họng súng cướp biển Somalia: Ăn thịt chuột để sống

30/10/2016, 07:00

Tháng 3/2012, tàu Naham3 (mang cờ Oman) có tất cả 29 thủy thủ đoàn, trong đó có ba thuyền viên Việt Nam...

10

Thuyền viên Nguyễn Văn Hạ vui mừng khi được về nhà

Tháng 3/2012, tàu Naham3 (mang cờ Oman) có tất cả 29 thủy thủ đoàn, trong đó có ba thuyền viên Việt Nam, 10 thuyền viên Trung Quốc, hai thuyền viên Đài Loan và nhiều thuyền viên của các quốc gia khác như Philippines, Campuchia và Indonesia đã bị cướp biển Somalia bắt giữ. 1.672 ngày sống dưới họng súng cướp biển ấy là những nỗi sợ hãi, hoảng loạn gần như tuyệt vọng và rồi vỡ òa khi các thủy thủ được giải cứu vào một ngày cuối tháng 10 vừa qua.

Tiếng súng kinh hoàng trong đêm

Thuyền viên Feng Wen Bing (quê ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) kể về giây phút kinh hoàng cướp biển Somalia nổ súng cướp tàu Naham3: “Lúc đó là đêm 26/3 rạng sáng 27/3/2012, tôi đưa cuốn nhật ký hành trình của tàu cho thuyền trưởng Zhong Wei De và đi xuống phòng ngủ để tắm rửa, chuẩn bị đi ngủ thì một thuyền viên của tàu chạy tới nói có nghe tiếng súng. Sau đó, tôi chạy ra phía sau boong tàu để xem thế nào thì đã nghe tiếng súng bắn vào thân tàu.

Thấy bên trái và bên phải sườn tàu có một tốp xuồng của cướp biển, thuyền trưởng đã đánh lái tàu để bọn chúng không thể trèo lên boong tàu, nhưng không kịp bởi cướp biển đã nhanh chóng trèo lên được con tàu. Nhóm cướp biển có khoảng 11-12 tên, chỉ trừ người lái xuồng thì bọn chúng người nào cũng cầm trên tay khẩu AK47. Chúng đã dùng súng bắn thuyền trưởng Zhong Wei De, mọi người không ai dám chống cự vì bọn cướp biển rất manh động, sẵn sàng nổ súng với bất kỳ ai kháng cự. Chỉ 30 phút sau, bọn chúng đã cướp được tàu, chúng bắt tôi phải lái tàu theo yêu cầu của chúng”, thuyền viên Feng kể lại.

Ăn thịt chuột để “qua ngày đoạn tháng”

Chia sẻ về quãng thời gian bị cướp biển Somalia bắt giữ, thuyền viên Nguyễn Văn Hạ (quê ở xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhớ lại, hơn bốn năm sống dưới sự giam hãm của bọn cướp biển có lẽ là khoảng thời gian đen tối nhất của cuộc đời anh. Thiếu thốn trăm bề đã khiến anh và các thuyền viên còn lại chưa bao giờ dám nghĩ đến ngày trở về.

“Trên tàu lúc đó có tất cả 29 người, cướp biển lái tàu đeo bám theo. Đuổi được một lúc thì chiếc tàu đó áp sát và bắt tàu chúng tôi dừng lại. Tôi không nhớ rõ họ có bao nhiêu người nhưng tới khi phát hiện hầu như tất cả họ đều có súng thì chúng tôi mới biết là cướp biển. Khi bắt được chúng tôi, cướp biển Somalia ra lệnh cho chúng tôi gọi điện về gia đình để đòi tiền chuộc. Chúng đưa điện thoại cho chúng tôi gọi và phải nói theo hướng dẫn của chúng, nếu trái lệnh sẽ bị đánh đập, thậm chí có thể bị bắn chết”, thuyền viên Hạ chia sẻ.

Thuyền viên Nguyễn Văn Xuân (quê ở phường Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) kể: “Chúng tôi và các thuyền viên nước khác chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Còn với bọn cướp thì giao dịch bằng tiếng Somalia. Trong hơn bốn năm qua, họ không ép chúng tôi làm việc gì cả, chỉ khi thiếu củi đốt lửa thì anh em cử nhau đi kiếm. Cuộc sống rất khó khăn, anh em thường làm bẫy chồn, chuột rồi nướng ăn. Cái chết rình rập, đau ốm, mỗi ngày chỉ được một ít nước, giữa cái nắng nóng, mình không nghĩ có ngày trở về Việt Nam”.

Thuyền viên Feng Wen Bing kể thêm: “Kể từ ngày bị bố ráp, chúng tôi lênh đênh trên biển nhiều tháng trời, chúng tôi phải nấu ăn, giặt quần áo cho bọn cướp biển, những lúc tinh thần căng thẳng là chúng đánh chúng tôi”. Những tháng đầu khi bị cướp biển bắt thì trên tàu Naham3 của chúng tôi vẫn còn lương thực như rau, gạo, thịt nên chúng tôi được ăn uống tử tế, nhưng khi lương thực trên tàu đã hết thì bọn cướp biển đưa chúng tôi lên bờ, khi đó cuộc sống cơ cực hơn. Mỗi ngày chúng tôi chỉ được ăn hai bữa, chỉ ăn mì làm từ khoai, thậm chí khi ở trong rừng chúng tôi còn ăn cả thịt chuột”.

Được trở về nhà là điều “không tưởng”

Xúc động khi thoát chết trở về quê hương sau bốn năm bị cướp biển bắt giữ, thuyền viên Nguyễn Văn Hạ nói “Cảm giác rất hạnh phúc, sau hơn bốn năm chờ đợi cuối cùng mình cũng được về nhà. Tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn mọi người, cảm ơn các cấp chính quyền, cơ quan truyền thông, cảm ơn những nhà hảo tâm đã giúp đỡ chúng tôi trong thời gian qua”.

Thuyền viên Feng Wen Bing cho biết, trong thời gian bị bắt giữ, cướp biển hơn 10 lần loan báo sẽ thả chúng tôi về nước, nhưng hết lần này đến lần khác đều không thành. Nhiều lần cướp biển cho chúng tôi lên xe ô tô, cứ tưởng là sắp được thả về, ai ngờ chúng lại di chuyển chúng tôi từ vùng này sang vùng khác.

Đến sáng 21/10/2016, cướp biển lại lùa chúng tôi lên xe ô tô và nói thả, nhưng chúng tôi không tin vì nhiều lần bọn cướp biển đã nói như vậy. Đến khi xe đi được quãng đường dài và rẽ vào một trụ sở cảnh sát của Somalia thì chúng tôi mới ngỡ ngàng tin là sự thật, thuyền viên Feng chia sẻ.

Vừa về đến nhà, thuyền viên Phan Xuân Phương (quê ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) nói: “Tôi vui lắm khi được trở về quê hương, được gặp lại cha mẹ, anh chị em và hàng xóm bấy lâu nay mong chờ tôi từng ngày. Những ngày bị bọn cướp biển bắt giữ, tôi rất tuyệt vọng nhưng được các thuyền viên khác động viên, giúp đỡ nên cũng phần nào yên tâm. Dù bị bắt giữ hơn bốn năm, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn tin rằng một ngày nào đó sẽ được trở về đoàn tụ gia đình”.

Ngày 26/3/2012, tàu FV Naham3 bị cướp biển Somalia tấn công bắt giữ tại một vùng biển gần quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương). Trên tàu có 29 thuyền viên. Thuyền trưởng Zhong Wei De (60 tuổi), người Đài Loan đã bị cướp biển bắn ngay khi chiếm tàu, hai thuyền viên khác tử vong do ốm đau, bệnh tật. Các thuyền viên này đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam.

Ông Phan Xuân Linh (71 tuổi, trú xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn, Nghệ An) - bố của thuyền viên Phan Xuân Phương cho biết: Hộ chiếu của các thuyền viên được đưa về đầy đủ. Như các cháu kể và bản thân chúng tôi ra trực tiếp sân bay đón các cháu cũng đều nhận được sự động viên, quan tâm tận tình, chu đáo của các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam bên đó, từ việc đi lại, ăn ở đến làm thủ tục để các thuyền viên nhanh chóng được về nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.