Hạ tầng

Đường bộ miền Trung Tây Nguyên sẽ kết nối từ cảng biển với Lào, Campuchia

18/12/2020, 14:56

Quy hoạch mạng lưới đường bộ MTTN giai đoạn 2021-2030 chú trọng 2 tuyến Bắc - Nam và các tuyến quốc lộ đông - tây kết nối với Lào và Campuchia.

img

Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu chủ trị Hội nghị thảo luận

Sáng 18/12, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì Hội thảo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khu vực miền Trung - Tây Nguyên (MTTN).

Theo quy hoạch sơ bộ, đến nay, mạng lưới đường bộ MTTN đang xây dựng theo chiều dọc và chiều ngang. Chiều dọc kết nối với miền Bắc và miền Nam đang được thực hiện tương đối tốt từ các tuyến cao tốc và QL1, đáp ứng cơ bản được nhu cầu giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng.

Mạng lưới chiều dọc có 2 tuyến phía đông và phía tây. Đến nay, mạng lưới chiều dọc qua miền Trung đã và đang tích cực triển khai xây dựng 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam và cao tốc phía đông.

Mạng lưới đường bộ theo chiều ngang Đông - Tây đã xây dựng kết nối bằng các quốc lộ, là QL9 từ Đông Hà sang cửa khẩu Lao Bảo nối với Lào; QL14 kết nối Đà Nẵng với cửa khẩu Pờ Y (Kon Tum) thông thương với Lào và Campuchia; QL19 kết nối Quy Nhơn (Bình Định) với cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) thông thương với Campuchia; QL26 kết nối Khánh Hòa với Đắk Lắk…

img

Đường HCM đang trở nên chật hẹp, cần quy hoạch mở rộng trong 10 năm tới

Tuy nhiên, mạng lưới đường bộ MTTN còn nhiều hạn chế, đường giao thông cấp 4 đến cấp 6 còn chiếm hơn 58%.

Theo bản quy hoạch sơ bộ, quy hoạch đến năm 2030 tiếp tục xây dựng phát triển song song hai tuyến đường chiều dọc miền Trung. Các tuyến chiều ngang nên chú trọng như QL12, QL9, QL14, QL19, QL26, QL25…

Thứ trưởng Lê Đình Thọ mong muốn thông qua hội nghị này, Bộ GTVT sẽ tiếp thu được những sáng kiến, ý kiến góp ý để cùng điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, thuận lợi để phát triển kinh tế MTTN không chỉ 5 năm, 10 năm và là bền vững.

Thứ trưởng lưu ý những vấn đề quan tâm đầu tiên đó là ưu tiên xây dựng cao tốc, đến các tuyến quốc lộ, sau đó đến các tuyến đường liên tỉnh. Tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai tốt, cần chú trọng tìm giải pháp đẩy nhanh cao tốc ven biển phía đông.

"Từ nay đến năm 2030 nên chú trọng nâng cấp các tuyến từ TP.HCM lên Đà Lạt (Lâm Đồng); Nâng cấp tuyến TP.HCM xuyên dọc Tây Nguyên lên đến cửa khẩu Pờ Y (Kon Tum). Từ Pờ Y xuống Đà Nẵng", Thứ trưởng Lê Đình Thọ, nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng yêu cầu, các trục quốc lộ chiều ngang, đại diện các tỉnh cùng nhau tìm giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất để cùng nhau kết nối mạng lưới đường bộ thông thương các tỉnh vùng ven biển và Tây Nguyên.

Đối với các tỉnh, quy hoạch mạng lưới đường bộ cấp tỉnh, các tỉnh MTTN cần chú trọng đến các tuyến tỉnh lộ từ các huyện về trung tâm tỉnh, mạng lưới đường bộ giữa các huyện với nhau.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết thêm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Khu vực miền Trung - Tây Nguyên đặc biệt lưu ý ưu tiên quy hoạch kết nối với các cửa khẩu, thông thương với nước bạn Lào và Campuchia.

Đặc biệt lưu ý trọng tâm quy hoạch đường bộ lưu thông để thuận lợi chuyển hàng hóa từ các cảng biển miền Trung thông thương với Lào và Campuchia.

Đại diện tỉnh Quảng Trị cho biết, tuyến hành lang đông tây thông qua cửa khẩu Lao Bảo cần được mở rộng các cửa khẩu vệ tinh, như mở rộng tuyến nối QL9 ra cửa khẩu phụ Cóc đến cửa khẩu La Lay. Tuyến nối QL9 từ cảng Cửa Việt kết nối đường HCM nhánh tây đi cửa khẩu Bản Cheng kiến nghị để địa phương được quản lý.

Tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng đều đề nghị nhanh chóng mở tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạch Mỹ (Quảng Nam) đến cửa khẩu Bờ Y và khu vực Tây Nguyên để kết nối thông thương với Lào và Camphuchia. Tất cả các ý kiến của đại diện các tỉnh được ghi nhận, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo các ban ngành tiếp thu ý kiến của các tỉnh, bổ sung vào quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội khu vực MTTN trong giai đoạn 2021- 2030 và định hướng đến 2050.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.