Thế giới giao thông

Đường cao tốc - chìa khóa phát triển của Canada và Trung Quốc

03/11/2016, 06:05
image

Đường cao tốc xuyên Canada (Trans - Canada Highway) là điển hình về tầm quan trọng với kinh tế.

1
Một đoạn tuyến cao tốc Bắc Kinh - Côn Minh

Các nước đã phát triển trên thế giới như: Canada, Trung Quốc... coi phát triển đường cao tốc là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Xương sống nền kinh tế

Để vươn lên thành nước phát triển có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng thứ 10 thế giới, một trong những chiến lược được Canada chú trọng đó là xây dựng và phát triển đường cao tốc. Là đất nước rộng lớn trong khi các trung tâm kinh tế nằm cách xa nhau, do đó, phát triển đường cao tốc hiệu quả và an toàn sẽ giúp rút ngắn thời gian vận tải, tăng cường kết nối và phát triển kinh tế. Tính đến tháng 10/2014, hệ thống đường cao tốc góp phần tạo ra 65 tỷ USD lợi nhuận hàng năm từ vận tải xe tải, tạo 400.000 công việc trực tiếp/gián tiếp; Chịu trách nhiệm vận tải 90% sản phẩm thương mại và hành khách.

Bên cạnh đó, hệ thống đường cao tốc hiện đại, an toàn và kết nối đã thúc đẩy cạnh tranh thương mại và trở thành yếu tố cần thiết cho việc vận tải hàng hóa thương mại hiệu quả trong nội địa Canada và xuyên biên giới. Chẳng hạn, phần lớn kim ngạch thương mại giữa Canada và Mỹ đều được thực hiện bằng phương tiện xe tải. Theo báo cáo mới nhất, Canada xuất khẩu 149 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ và nhập khẩu 162 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ qua đường cao tốc giữa hai nước. Con số này chiếm 56% tổng kim ngạch thương mại hai nước và 35% với các nước khác. Hiện nay, hệ thống đường cao tốc Canada trải dài hơn 38.000km.

Đường cao tốc xuyên Canada (Trans - Canada Highway) là điển hình về tầm quan trọng với kinh tế. Đây được coi là tuyến đường cao tốc dài nhất thế giới (khoảng 12.800km), đã trải qua hàng trăm dự án nâng cấp và mở rộng, kết nối người dân Canada từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương. Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng Canada đánh giá, kể từ khi thông đường cao tốc, ngoài kinh tế phát triển tăng vọt, Canada chứng kiến dân số dọc đường cao tốc tăng mạnh. Thống kê trong 50 năm kể từ năm 1961 cho thấy, dân số tại huyện Hope, tỉnh Bristish Colombia tăng gấp đôi; Dân số tại TP Kamloops, tỉnh Bristish Colombia tăng gấp 8,5 lần. “Con đường tỷ đô” Trans - Canada mang giá trị biểu tượng đáng kể đối với người dân. Chính phủ Canada coi việc phát triển đường cao tốc là một trong 5 ưu tiên hàng đầu của quốc gia này.

Tiền đề cho nhiều ngành công nghiệp phát triển

Một trong những nước phát triển mạnh kinh tế nhờ phát triển đường cao tốc phải kể đến Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới (WB) từng đánh giá Trung Quốc là nước đi đầu trong xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia hiện đại, tiêu chuẩn cao để thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập khu vực, tạo liên kết xã hội và là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ thương mại.

Trong báo cáo năm 2015, WB đánh giá, chương trình Hệ thống Đường cao tốc là một trong những thành tích xuất sắc mà Trung Quốc đạt được. Bắt đầu từ năm 1990, đến năm 2010, chương trình Hệ thống Đường cao tốc giúp Trung Quốc nâng tổng số km đường cao tốc từ 41.000km lên 74.000km. Trong kế hoạch đến năm 2020, Trung Quốc dự kiến nâng chiều dài lên 100.000km, vượt qua Mỹ nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Giao thông đường bộ tại Trung Quốc chiếm 74,1% lượng vận tải hàng hóa và 94,5% vận tải hành khách - số liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc. Tờ China Youth Daily cho biết, mỗi 15 triệu USD đầu tư vào đường cao tốc tạo ra 3.900 việc làm.

Không chỉ vậy, việc mở rộng đường cao tốc còn tạo cơ hội cho rất nhiều ngành công nghiệp khác của Trung Quốc. Ông Phil Newman, Giám đốc điều hành Tập đoàn Tư vấn sắt thép CRU cho biết, trong giai đoạn 2007-2021, nhờ phát triển đường cao tốc, sản lượng ngành sắt thép sẽ tăng trưởng 95,1% tại châu Á, trong đó Trung Quốc là chủ yếu. Hơn nữa, phát triển cơ sở hạ tầng cũng tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô nở rộ. Tập đoàn General Motors (GM) cho biết, nhờ Trung Quốc mở rộng đường cao tốc, mở rộng không gian cho ô tô, do đó, năm 2010 là lần đầu tiên GM bán hơn 2,35 triệu ô tô và xe tải tại Trung Quốc vượt mặt Mỹ (2,2 triệu chiếc) và đến năm 2015, doanh số bán lên tới 3,61 triệu chiếc.

Luật PPP kiểu Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ Giao thông và Liên lạc Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch đến năm 2035 sẽ xây xong 9.680km đường cao tốc. Để đạt được tham vọng này, Chính phủ mở cửa để hút vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài qua hình thức BOT (Xây dựng - vận hành - chuyển nhượng) và PPP (hợp tác công - tư). Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đầu tiên có luật PPP, cho phép tư nhân tham gia vào PPP từ năm 1984.

Trong luật PPP của Thổ Nhĩ Kỳ, Cơ quan Chính phủ sẽ giám sát dự án cả trong quá trình xây dựng, vận hành và phải đảm bảo lưu lượng giao thông tối thiểu. Chính phủ miễn một số điều kiện như: Thuế giá trị gia tăng, lệ phí chứng từ cho nhà đầu tư, còn nhà đầu tư phải đóng góp ít nhất 20% chi phí dự án.

Q.M

Nhà nước cấp 40% vốn xây cao tốc

Tại Ấn Độ, hình thành mô hình “PPP lai”, trong đó Chính phủ sẽ chịu 40% chi phí xây dựng và các nhà đầu tư tư nhân chịu phần còn lại. Trước đó, Ấn Độ áp dụng hình thức PPP buộc nhà đầu tư phải chịu 100% vốn thông qua nợ và cổ phần. Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế, rất ít nhà đầu tư tham gia. Ba năm trước, 21 dự án PPP trị giá 4 tỷ USD không thể thực hiện vì thiếu nhà đầu tư.

“Theo mô hình "PPP lai", Cơ quan Đường cao tốc quốc gia Ấn Độ (NHAI) không chỉ hỗ trợ 40% chi phí (trả thành 5 lần) mà còn chịu trách nhiệm về rủi ro lợi nhuận trong các dự án có lưu lượng giao thông thấp”, Cục trưởng Cục Đường bộ và Đường cao tốc Vijay Chhibber cho biết. Bên cạnh đó, NHAI cũng chịu trách nhiệm 90% chi phí GPMB các dự án.

Xuân Minh

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.