Xã hội

"Đường đắt nhất hành tinh" ở Hà Nội: 139 hộ dân chưa đồng thuận

09/01/2018, 18:16

Dự án đường Hoàng Cầu - Voi Phục, tổng mức đầu tư 7.779 tỷ đồng đang có 139 hộ dân không đồng thuận.

Dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục

Dự án đường vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục chỉ dài hơn 2,2 km nhưng ngốn tới 7.779,3 tỷ đồng.

Chiều 9/1, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội đã thông tin về Dự án xây dựng đường vành đai 1 Hà Nội, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, có tổng mức đầu tư lên đến 7.779 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội, cuối tháng 12/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 2113/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, thành phố Hà Nội.

Cụ thể, xây dựng tuyến đường theo chỉ giới đường đỏ đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, với chiều dài 2.274 m, mặt cắt ngang B = 50m, diện tích khoảng 153.341 m2 (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1 tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh).

Dự án cũng đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan bao gồm vỉa hè phía Nam đường Đê La Thành tại phần dải đất giữa đường vành đai 1 và đường Đê La Thành đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ với diện tích khoảng 6.083 m2.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2020 với tổng mức đầu tư 7.779,3 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội và các nguồn hợp pháp khác. Trong đó, phần lớn dành cho chi phí GPMB, khoảng trên 6.000 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục nhằm hoàn thiện đồng bộ tuyến đường vành đai 1 từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy theo quy hoạch, kết nối giữa các tuyến đường đã và đang được đầu tư xây dựng, tăng diện tích đường giao thông, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên mạng lưới và trong khu vực đô thị trung tâm của thành phố Hà Nội.

Tổng số hộ dân thuộc diện GPMB khoảng 2.328 hộ, trong đó, quận Đống Đa có 808 hộ; quận Ba Đình có 1.520 hộ.

Về tiến độ dự án, sẽ trình thẩm định dự án trong tháng 1/2018. Quý I/2018, chủ đầu tư sẽ triển khai giải phòng mặt bằng. Trong đó, giải phóng trước khu vực hai cầu vượt. Đến quý III, đơn vị thi công sẽ thi công 2 cầu vượt tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dự

Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội.

Ông Nguyễn Sỹ Bảo khẳng định dự án phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ông Bảo cũng giải thích thêm, trong năm 2017 chỉ giới con đường này mới xuất hiện nhưng quy hoạch phần mở rộng đã được quy hoạch (tháng 4 năm 2000 phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Đống Đa phần đất xen kẹt dưới đường vành đai 1 Đê La Thành quy hoạch đất cây xanh, và tại bản đồ quy hoạch chi tiết phường Ô Chợ Dừa được Thành phố phê duyệt năm 2002 cũng xác định dải đất này là đất xây xanh). Do đó có thể nói tại thời điểm đó các cơ quan phải tuân thủ quy hoạch này.

“Trách nhiệm của chúng tôi khi được thực hiện dự án vào tháng 5/2017 thực hiện chỉ giới con đường đã có phần mở rộng. Mà chỉ giới này bao gồm cả phần đất đó, theo quy định chúng tôi phải tổ chức các sở ban ngành, HĐND, chi bộ, tổ dân phố… đại diện người dân trong khu vực này để công bố và cái công bố đó đã nhận được sự đồng thuận. Trên cơ sở đó, chúng tôi có cắm mốc giới của cả tuyến đường, phần lớn  người dân đồng thuận. Chúng tôi đã tiến hành bàn giao mốc giới vào ngày 26/5/2017. Việc phản đối của người dân là sau này”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cho biết các dải đất này bề rộng chỉ có 8-12m, con đường này được giải phóng thì cả một dải từ Hoàng Cầu đến Nguyễn Chí Thanh không có nhà siêu mỏng.

“Hiện có 139 hộ dân đang không đồng thuận, nhiệm vụ của chúng tôi trong thời gian tới cùng với Sở Kiến trúc, Sở Xây dựng  đang làm từng bước với quận Đống Đa, Ba Đình đối thoại với người dân để tạo sự đồng thuận”, ông Bảo nói.

Với tổng mức đầu tư gần 7.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội và các nguồn hợp pháp khác, tính trung bình, mỗi mét đường trong dự án này có giá lên đến 3,5 tỷ đồng, phá vỡ mọi kỷ lục về "con đường đắt nhất hành tinh" trước đó tại Hà Nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.