Hạ tầng

Đường điện cao thế cản tiến độ thi công cầu đường sắt Bình Lợi

17/05/2017, 08:08

Dự án cầu đường sắt Bình Lợi động thổ cách đây hơn 3 năm, đến nay máy móc thiết bị nằm chỏng chơ...

18
Do vướng đường dây điện cao thế phía bên phải nên việc thi công các trụ giữa sông của cầu đường sắt Bình Lợi bị đình trệ trong hơn 2 năm qua - Ảnh: Phan Tư 

Công trường không một bóng công nhân

Có mặt trên công trường thi công cầu đường sắt Bình Lợi (nối Bình Thạnh - Thủ Đức, TP.HCM) những ngày gần đây, PV Báo Giao thông chứng kiến việc thi công khá ảm đạm. Dù đây được xem là dự án rất quan trọng để nâng tĩnh không cầu đường sắt Bình Lợi, tránh những vụ va chạm với sà lan lưu thông trên cầu Sài Gòn, nhất là sau sự cố sập cầu Ghềnh, từ hai bờ sông Sài Gòn, công trường im phăng phắc không một bóng công nhân làm việc. Mỗi bên chỉ có một xe cần cẩu nằm chỏng chơ.

Anh Trần Thanh Xuân, nhân viên phòng dự án của Công ty Cổ phần BOT cầu Bình Lợi cho biết, ở phía Bình Thạnh từ bờ sông đến đường Nơ Trang Long đã thi công được 3 trụ trên bờ là trụ P7, P8, P9 và móng trụ P10, còn lại 4 trụ và mố A2 chưa thi công. Phía bờ Thủ Đức có 1 trụ và mố A1, hiện đã thi công xong trụ P1 và móng của mố A1.

Trong khi đó, ở giữa sông, theo thiết kế có 5 trụ gồm P2, P3, P4, P5, P6, đến nay vẫn chưa tiến hành thi công bất kỳ hạng mục nào. Hiện tại, công nhân, thiết bị chỉ nằm chờ chứ chưa biết lúc nào sẽ thi công trở lại.

Điện cản cầu đường

Dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị xanh - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Nam thực hiện và là công trình đường thủy đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT nhằm nâng tĩnh không cầu, thu phí phương tiện đường thủy để hoàn vốn. Theo thiết kế, cầu đường sắt Bình Lợi mới được xây dựng nằm phía hạ lưu của cầu hiện hữu. Theo ông Vũ Đức Cúc, đại diện chủ đầu tư, dự án triển khai chậm chủ yếu do mặt bằng vẫn còn vướng khá nhiều.

Phía Bình Thạnh đoạn từ đường Nơ Trang Long đến đường dẫn lên đầu cầu vướng 36 hộ nhưng 3 năm qua chưa giải quyết được hộ nào. Theo lãnh đạo quận Bình Thạnh, quận mới duyệt đơn giá bồi thường lần đầu; đang tiến hành niêm yết, thông báo công khai và thỏa thuận với người dân trong thời hạn 20 ngày. Trong thời hạn đó, người dân có ý kiến gì quận sẽ tập hợp để xem xét, điều chỉnh, sau đó sẽ trình UBND thành phố ra quyết định bồi thường.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương) được thực hiện theo hình thức BOT. Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 838 tỷ đồng. Để dự án triển khai nhanh, tỉnh Bình Dương đã cho chủ đầu tư vay 300 tỷ đồng chi phí xây dựng. TP HCM cũng cho vay không hoàn lại trên 156 tỷ đồng tiền GPMB.

Công tác GPMB ở Thủ Đức có phần nhẹ nhàng hơn khi chỉ vướng 1 hộ dân và đã giải quyết xong. Hệ thống đường điện, cáp ngầm đang được Công ty Điện lực Thủ Đức thực hiện các biện pháp di dời. Khó khăn nhất là ở khu vực giữa sông, bởi phía bên phải của dự án (từ Bình Thạnh ra Thủ Đức) có đường dây điện cao thế 110KV. Do vướng đường dây điện này nên đơn vị thi công không triển khai được các thiết bị như cần cẩu, sà lan để thi công các trụ giữa sông. Trong hơn 2 năm qua các đơn vị bàn cách tìm hướng di dời đường điện này nhưng bế tắc.

Sau nhiều lần họp bàn, đến nay Công ty Điện lưới cao thế TP.HCM đã thống nhất phương án di dời đường dây điện này sang sát cầu đường bộ Bình Lợi. Hiện, phía điện lực đang thi công hai mố trụ điện, chuẩn bị tiến hành lắp đặt trụ điện và dự kiến cuối tháng 6 sẽ di chuyển xong đường điện cao thế này.

Theo đại diện chủ đầu tư, để thi công một trụ của cầu đường sắt Bình Lợi ở giữa sông phải mất ít nhất 1,5 tháng. Đơn vị thi công đã lên phương án thực hiện 2 mũi thi công để đảm bảo tiến độ đề ra. Tuy nhiên, theo tính toán, nếu công tác GPMB phía quận Bình Thạnh triển khai thuận lợi thì sớm nhất cũng phải đến tháng 8/2018 dự án mới hoàn thành.

Công trình cầu đường sắt Bình Lợi nằm trong tổng thể dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương). Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu đường sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay chỉ 1,5m lên 7m. Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng TP.HCM, giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Sự chậm trễ trong việc thi công cầu Bình Lợi không chỉ ảnh hưởng đến việc khai thác luồng sông Sài Gòn mà tiềm ẩn nguy tai nạn nếu không may có sự cố sà lan va chạm vào cầu đường sắt Bình Lợi hiện hữu như vụ sập cầu Ghềnh cách đây hơn 1 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.