Giải thưởng Cánh diều đang diễn ra từ ngày 3-10/9, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Theo Ban Tổ chức (BTC), tính đến thời điểm hiện tại, giải thưởng năm nay thu hút 161 tác phẩm tham gia tranh giải.
Trong đó, có 16 phim truyện điện ảnh, 18 phim truyện truyền hình, 41 phim tài liệu, 18 phim khoa học, 14 phim hoạt hình, 50 phim ngắn và 4 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình.
BTC đánh giá, mùa giải năm nay có số lượng phim tham dự giải nhiều nhất so với những năm trước, vượt trội là thể loại phim ngắn, phim tài liệu và phim khoa học.
Các bộ phim có đề tài phong phú, thể loại đa dạng, có phim Nhà nước đặt hàng và phim của các hãng tư nhân, có phim nghệ thuật và phim thương mại.
Cuộc đua song mã của "Mai", "Đào, phở và piano"
Ở hạng mục Phim truyện điện ảnh có sự tham gia của nhiều phim điện ảnh hấp dẫn, doanh thu cao ở nhiều thể loại khác nhau.
Nổi bật nhất là "Mai" và "Đào, phở và piano". Hai tác phẩm được dự đoán sẽ "càn quyét" các hạng mục giải thưởng tại Lễ trao giải Cánh diều 2024.
Trong đó, phim "Mai" do Trấn Thành cầm trịch từng đạt doanh thu 520 tỷ đồng, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất thị trường phim ảnh Việt.
Kịch bản xoay quanh cuộc sống của nữ chính tên Mai (Phương Anh Đào), một nhân viên massage gần 40 tuổi tình cờ gặp nhạc công Dương (Tuấn Trần) trẻ hơn mình nhiều tuổi. Dương cất công tán đổ Mai và họ cũng đã có khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau.
Tuy nhiên, sự khác biệt về xuất thân cũng như không được gia đình ủng hộ đã khiến cho mối tình của họ tan vỡ.
"Mai" cũng là tác phẩm thành công nhất của Trấn Thành về mặt doanh thu cũng như chất lượng phim.
Đạo diễn Trấn Thành được khen tiết chế những cảnh đấu khẩu giữa các nhân vật - yếu điểm trong các phim "Bố già", "Nhà bà Nữ". Lời thoại và nhịp phim cũng bớt ồn ào hơn hai tác phẩm trước.
Phim đã đoạt giải Phim xuất sắc ở Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng đầu tháng 7/2024. Cùng với đó, Trấn Thành, Phương Anh Đào lần lượt chiến thắng ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc và Nữ chính xuất sắc.
Trong khi đó, "Đào, phở và piano" là tác phẩm hiếm hoi do nhà nước đặt hàng tạo cơn sốt kỷ lục tại phòng vé, với doanh thu gần 21 tỷ đồng. Theo đánh giá của Cục Điện ảnh, doanh thu này cao hơn so với nhiều phim đề tài chiến tranh do Nhà nước đặt hàng.
Bộ phim được đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện, lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".
Phim kể về cô tiểu thư nhà trí thức (Cao Thị Thùy Linh) trốn gia đình từ quê về lại căn nhà ở Hà Nội để tìm cây đàn dương cầm yêu quý của mình thì tình cờ gặp lại người đàn ông mình thương nhớ.
Anh là lính Vệ quốc quân (Doãn Quốc Đam), đang làm nhiệm vụ ở chính con phố cổ nơi gia đình cô sinh sống. Với sự giúp đỡ của những người tốt bụng, hai người đã nên duyên vợ chồng, có một đám cưới đơn sơ giữa trận mạc hoang tàn của phố phường Hà Nội, vào đúng khoảnh khắc chuyển giao của đất trời.
Phim được đánh giá cao ở kịch bản tốt; bối cảnh, phục trang được đầu tư nghiêm túc. Đặc biệt, diễn xuất của Doãn Quốc Đam (chiến sĩ tự vệ), Thùy Linh (tiểu thư Hà thành), NSƯT Trần Lực... đều tạo điểm sáng cho bộ phim.
Trailer phim "Đào, phở và piano".
Bên cạnh "Đào, phở và piano", còn có ba cái tên khác là: "Hồng Hà nữ sĩ" (đạo diễn Nguyễn Đức Việt), "Sao xanh nơi biển sóng" (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và "Vầng trăng thơ ấu" (đạo diễn Hồ Ngọc Xum) cũng lấy đề tài lịch sử và quân đội nhân dân.
Hạng mục Phim truyện điện ảnh còn có các phim doanh thu trăm tỷ như: "Gặp lại chị bầu" (doanh thu hơn 100 tỷ đồng) của đạo diễn Nhất Trung, "Quỷ cẩu" (đạo diễn Lưu Thành Luân).
Hoàng Thùy Linh cạnh tranh với Thanh Hương, Thu Quỳnh
Giải Cánh diều 2024 chứng kiến 18 tác phẩm tranh giải tại hạng mục Phim truyện truyền hình.
Các tác phẩm dự thi cũng đa dạng về đề tài, được đánh giá cao về nội dung và từng "gây sốt" màn ảnh nhỏ như: "Cuộc chiến không giới tuyến", "Biệt dược đen", "Đội điều tra số 7", "Gia đình mình vui bất thình lình", "Không ngại cưới chỉ cần một lý do", "Cuộc đời vẫn đẹp sao", "Người một nhà", "Trạm cứu hộ trái tim"...
Đặc biệt ở mảng phim truyền hình tham gia tranh giải Cánh diều vàng năm nay còn có hai bộ phim mang sắc màu kinh dị là "Tết ở làng địa ngục" và "Miền quên lãng".
Hạng mục Nữ diễn viên phim truyền hình quy tụ dàn mỹ nữ đình đám của VFC.
Hạng mục Nữ diễn viên phim truyền hình quy tụ dàn mỹ nữ đình đám, hứa hẹn cuộc đua gay cấn đến tận phút chót.
Có thể kể đến: Hoàng Thùy Linh (phim "Không ngại cưới chỉ cần một lý do"), Thanh Hương (phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao"), Kiều Anh, Lan Phương và Khả Ngân (phim "Gia đình mình vui bất thình lình"), Hoàng Hà (phim "Chúng ta của 8 năm sau"), Quỳnh Kool (phim "Chúng ta của 8 năm sau"), Kim Tuyến (Nữ luật sư), Thu Quỳnh (phim "Cuộc chiến không giới tuyến"), Lê Bống (phim "Lỡ hẹn với ngày xanh")…
Trong hạng mục này, Thanh Hương và Hoàng Hà là hai gương mặt hứa hẹn tạo bất ngờ. Trong đó, nổi bật nhất là vai Luyến của Thanh Hương trong "Cuộc đời vẫn đẹp sao".
Nhân vật Luyến được xem là một trong vai diễn nhiều sóng gió của Thanh Hương với đủ loại cảm xúc phải trải qua, từ yêu, ghét, phẫn nộ cho đến vui vẻ, lạc quan, rồi cả cay đắng, uất ức… khiến khán giả thương cảm và nhiều lần bất bình cho cô.
Hạng mục Nam chính xuất sắc cũng chứng kiến cuộc cạnh tranh gay cấn của các thế hệ diễn viên như: NSƯT Hoàng Hải (phim "Cuộc chiến không giới tuyến"), Duy Hưng và Tuấn Tú (phim "Người một nhà"), Huỳnh Anh (phim "Lỡ hẹn với ngày xanh"), Ngọc Quỳnh (phim "Nữ luật sư"), Đỗ Duy Nam và Bình An (phim "Biệt dược đen")...
Lễ trao giải Cánh diều năm 2024 sẽ diễn ra tối 10/9 tại Nha Trang (Khánh Hòa). Đây là sự kiện thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, được ra đời từ năm 2003 đến nay, hướng đến tôn vinh các phim điện ảnh, truyền hình, phim ngắn, tài liệu, khoa học và công trình nghiên cứu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận