Đô thị

Đường gom Đại lộ Thăng Long khi nào thoát ngập, ùn tắc?

14/10/2021, 09:18

Hà Nội chi hàng trăm tỷ đồng thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng hệ thống đường gom, hầm chui Đại lộ Thăng Long để mong thoát ngập, tắc...

Hà Nội chi hàng trăm tỷ đồng thực hiện các dự án cải tạo, mở rộng hệ thống đường gom, hầm chui Đại lộ Thăng Long để khắc phục tình trạng thường xuyên ngập úng, ùn tắc giao thông…

Nơm nớp lo ngập lụt, mất ATGT

Khu vực hầm chui dân sinh số 3 đường gom Đại lộ Thăng Long thường xuyên rơi vào cảnh lộn xộn, mất ATGT. Nguyên nhân do dòng xe từ nội đô đổ ra đi qua hầm chui để rẽ vào đường Lê Trọng Tấn liên tục cắt dòng phương tiện đi thẳng hướng Hòa Lạc về trung tâm thành phố.

Vào giờ cao điểm, nguy cơ xung đột, va chạm giao thông gia tăng khi hàng trăm xe máy từ đường Lê Trọng Tấn ồ ạt nối đuôi nhau đi ngược chiều vào hầm chui để chuyển hướng sang đường gom về hướng Hòa Lạc.

img

Đoạn đường tại Km 8 đường gom Đại lộ Thăng Long ngập nặng vào sáng ngày 11/10

Một người làm dịch vụ GrabBike tại đầu đường Lê Trọng Tấn cho biết, những năm gần đây, cư dân sống tại các khu đô thị, khu chung cư dọc đường Lê Trọng Tấn tăng rất nhanh.

“Lưu lượng giao thông tăng cao khiến ùn tắc xảy ra triền miên, nghiêm trọng nhất từ khoảng 17h - 18h30 các ngày trong tuần”, người này nói.

Không chỉ ùn ứ, mất ATGT, ám ảnh hơn với những người thường xuyên tham gia giao thông qua khu vực hầm chui dân sinh số 3 còn là tình trạng “đường biến thành sông” mỗi khi mưa kéo dài.

Nghiêm trọng nhất là đoạn đường gom tại Km 8 hướng về Hòa Lạc và đoạn đường gom từ cửa hầm chui số 3 đến nút giao với đường Lê Trọng Tấn.

img

Rào chắn phục vụ mở rộng đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn từ cầu sông Nhuệ đến đường vào KĐT Vinsmart City

Ông Chu Hồng, bảo vệ showroom ô tô Hyundai An Khánh cho biết, chỉ cần mưa nặng hạt khoảng một tiếng là khu vực này sẽ ngập, điểm ngập sâu nhất là trước cửa Trung tâm bảo hành Sunhouse.

“Cách đây gần hai tuần, sau trận mưa không quá lớn, nước cũng lênh láng từ mặt đường đến hầm chui, cơ quan chức năng phải cắm biển cảnh báo”, ông Hồng kể.

Theo phản ánh của một số người dân tại làng Yên Lũng (xã An Khánh, huyện Hoài Đức), tình trạng ngập lụt cũng diễn ra thường xuyên tại hầm chui số 5 (Km 10+056), hầm chui Km 9+656 và hầm chui số 8 (Km 15+059).

Tại các khu vực này, sau mỗi trận mưa kéo dài, nước ngập có thể lên đến 30 - 40cm và sau khoảng 3 - 4 ngày nước mới rút hết.

Ghi nhận của PV, hiện các “điểm đen” về ngập lụt trên đường gom Đại lộ Thăng Long là các đoạn đường có bề mặt trũng sâu, thường xuyên đọng nước.

Tại hầm chui dân sinh Km 9+656, hầm chui số 8, hệ thống thoát nước gần như tê liệt bởi rác thải, bùn đất.

Đáng nói, trước đó, trong năm 2019 và 2020, Sở GTVT Hà Nội đã chi hơn 8,2 tỷ thực hiện cải tạo, sửa chữa mặt đường gom bên phải Đại lộ Thăng Long (khu vực hầm chui đường sắt) và đoạn từ Km 8+742 (hầm chui dân sinh số 3) đến Km 9+867. Tuy nhiên, những bất cập vẫn tồn tại dai dẳng, chưa được giải quyết dứt điểm.

Cần hàng trăm tỷ cải tạo đường gom

img

Thi công mở rộng hai lối vào và hệ thống thoát nước tại hầm chui dân sinh số 5 đường gom Đại lộ Thăng Long

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông thừa nhận, trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long, nhất là khu vực hầm chui đang có tình trạng hễ mưa là ngập.

“Chúng tôi mời cả các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Trường Đại học GTVT trực tiếp khảo sát hiện trạng tuyến đường để có giải pháp xử lý. Tuy nhiên, khó khăn là hiện không đủ kinh phí để sửa chữa. Để sửa chữa dứt điểm cần khoảng 300 tỷ đồng. Hiện, chúng tôi chỉ đang duy tu, sửa chữa tại các vị trí nghiêm trọng”, vị này nói và thông tin, ở khu vực hầm chui số 5, số 6 đang được mở rộng điểm ra vào để đảm bảo tầm nhìn cho các phương tiện lưu thông.

Đề xuất dự án sửa chữa đảm bảo ATGT 10 hầm chui

Tháng 9/2021, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội có tờ trình gửi Sở GTVT đề nghị thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa đảm bảo ATGT tại 10 hầm chui đường gom Đại lộ Thăng Long trên địa bàn huyện Quốc Oai, Thạch Thất.
Về quy mô đầu tư, đơn vị này đề xuất chi gần 8 tỷ đồng để mở rộng lối ra, vào cửa hầm; sửa chữa mặt đường trong hầm; sửa chữa rãnh thoát nước, sơn kẻ, biển báo, bổ sung các công trình ATGT phụ trợ đảm bảo đồng bộ sau khi sửa chữa các hầm chui trên.


Cùng đó, trên đường gom Đại lộ Thăng Long cũng chuẩn bị triển khai một số dự án nâng cấp, mở rộng.

Tìm hiểu của PV, dự án đầu tư mở rộng đường gom Đại lộ Thăng Long từ cầu vượt Phú Đô đến đường Lê Trọng Tấn (Vành đai 3,5) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Thái Sơn (Tập đoàn VinGroup) làm chủ đầu tư. Hiện, công tác rào chắn, chặt hạ cây xanh đã được triển khai, đơn vị này đang chờ cơ quan có thẩm quyền cấp phép để thi công.

Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 163 tỷ đồng, bằng nguồn vốn tự có của đơn vị chủ đầu tư được thực hiện trong năm 2021 - 2022, thực hiện trên đoạn tuyến dài 7,5km.

Mặt đường gom hiện tại sẽ được mở rộng, đồng thời xây thêm hệ thống cầu vượt, cải tạo hệ thống thoát nước trên tuyến.

Đơn vị thi công sẽ mở rộng phần mặt đường gom tối đa thêm 8m. Một số đoạn đầu cầu bị lún được bù lún để đảm bảo độ dốc êm thuận trong lưu thông cho các phương tiện.

Đường gom sau khi mở rộng có bề rộng mặt đường khoảng 18,5m (4 làn đường 15m và 1 làn hỗn hợp 3m).

Tại các vị trí vướng đường ống nước Sông Đà, đoạn vuốt nối với đường hiện trạng có bề rộng mặt đường nhỏ hơn.

Về cầu, hầm, đơn vị đầu tư sẽ xây dựng các cầu mới song song với cầu cũ, phần cầu mở rộng có kết cấu phần dưới (mố trụ), kết cấu phần trên (nhịp dầm, mặt cầu, lan can, chiều dài và độ dốc dọc cầu tương tự các cầu hiện hữu.

Trong đó, cầu vượt đê Tả sông Nhuệ (trên đường gom phải tuyến) dài 1 nhịp, mở rộng mặt cầu 4,5m. Cầu vượt đê Hữu sông Nhuệ (trên đường gom phải) dài 1 nhịp, mở rộng mặt cầu 4,5m.

Cầu vượt hầm chui Đại học Tây Nam dài 1 nhịp, trên đường gom phải tuyến mở rộng mặt cầu 6,0m, trên đường gom trái tuyến mở rộng mặt cầu 8,0m…

Ông Bùi Ngọc Uyên, Trưởng phòng Truyền thông Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, chủ đầu tư đã gửi kế hoạch điều chỉnh hệ thống thoát nước trên tuyến đường để tham gia góp ý.

“Chúng tôi đã góp ý để chủ đầu tư kiểm tra giải pháp thiết kế xử lý các tuyến cống, hố ga của mạng lưới thoát nước mưa hiện hữu, đảm bảo khả năng đấu nối và vận hành đồng bộ với mạng lưới thoát nước mưa xây dựng mới”, ông Uyên nói và cho hay, chủ đầu tư cần rà soát, kiểm tra thiết kế về độ dốc, cao độ mặt đường khu vực kết nối giữa phần đường làm mới với phần đường hiện hữu, đảm bảo êm thuận và đồng bộ hạ tầng giao thông.

Sáng ngày 11/10, cảnh tượng “đường biến thành sông” tái diễn đường gom Đại lộ Thăng Long. Sau cơn mưa kéo dài hơn một ngày, đoạn đường gom tại Km 8 (trước khu vực Trung tâm bảo hành Sunhouse) hướng Hòa Lạc ngập nặng với mức ngập hơn 40cm. Hàng chục xe máy bị “sặc” nước không thể di chuyển, ô tô, xe máy ùn lại trên quãng đường dài khoảng 500m (từ cầu Liên tỉnh Km 7+776 - Km 8+472).

Đối diện đó, tại chiều đường hướng về trung tâm thành phố, đoạn đường từ cửa hầm chui dân sinh số 3 đến nút giao đường gom Đại lộ Thăng Long - Lê Trọng Tấn cũng chìm trong nước với mức ngập từ 30 - 40cm (tùy vị trí). Lực lượng CSGT và công nhân công ty thoát nước phải rất vất vả, hướng dẫn các phương tiện di chuyển men theo lề đường để giao thông được giải tỏa.

Đối với khu vực hầm chui dân sinh, hầm chui số 3 vẫn là vị trí ngập nặng nhất với mực nước cao ước chừng hơn 40cm. Lực lượng chức năng đã phải tạm ngưng cho phương tiện di chuyển qua đây để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, hầm chui tại Km 6 đường gom Đại lộ Thăng Long cũng xuất hiện tình trạng ngập lụt, song, mực nước ở đây chỉ ước hơn 20cm, phương tiện vẫn có thể qua lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.