Hạ tầng

Đường Hồ Chí Minh đưa Tây Nguyên “cất cánh”

09/07/2015, 13:08

Đường HCM không chỉ thuận lợi cho người dân đi lại, mà là điểm nhấn thúc đẩy các tỉnh Tây Nguyên phát triển.

1.4
Đường HCM đẹp như lụa thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên

Vượt khó, về đích sớm 18 tháng

Nhớ lại quãng thời gian thi công dự án, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, đáng kể nhất là khối lượng GPMB rất lớn. Cùng đó, mùa mưa ở Tây Nguyên thường đến sớm và kéo dài từ 7-8 tháng/năm. Điều kiện địa chất, thủy văn khu vực này rất phức tạp, thường xuyên phải xử lý các vấn đề về kỹ thuật phát sinh trong quá trình thi công. Hơn nữa, nhiều khu vực còn có bom mìn, chất độc chiến tranh để lại.

“Cũng phải kể đến khó khăn lớn khác là nguồn nguyên vật liệu khan hiếm. Quá trình thi công, chủ đầu tư và các nhà thầu luôn phải chạy vạy, vật lộn để lo nguồn vật liệu. Bên cạnh đó, đây là tuyến đường giao thông Bắc - Nam duy nhất của khu vực Tây Nguyên nên vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông thông suốt cũng là bài toán khá nan giải. Mặc dù một số dự án thành phần được triển khai sớm (từ năm 2008) song do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên phải tạm dừng, giãn tiến độ, vì thế tiến độ thực hiện bị kéo dài”, ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, năm 2013, khi khởi động lại, dự án đã được áp dụng một số cơ chế đặc thù như cơ chế huy động vốn để đầu tư bằng hình thức xã hội hóa, cho phép ứng trước vốn để triển khai công tác GPMB, thực hiện chỉ định thầu trong công tác thiết kế, thi công, lựa chọn nhà đầu tư. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của bà con nhân dân vùng dự án trong công tác GPMB, nên chỉ trong một thời gian ngắn, khối lượng GPMB khổng lồ đã được bàn giao (khoảng 420 km với diện tích đất thu hồi gần 140 ha.

“Trong quá trình thi công, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thực hiện nhiều biện pháp quản lý, điều hành hợp lý như xây dựng kế hoạch thi công phù hợp với đặc thù thời tiết khu vực Tây Nguyên, kịp thời giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu đá, tập kết vật liệu (đá, nhựa đường) để chủ động nguồn vật liệu đáp ứng tiến độ; Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng thành lập Tổ chuyên gia kiểm soát chất lượng, kiên quyết loại bỏ và thay thế các nhà thầu, TVGS vi phạm tiến độ, chất lượng. Cùng với các đơn vị thi công, TVGS ngày đêm bám sát công trường, thi công liên tục ba ca để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án”, ông Hoàng cho biết thêm.

Chính nhờ sự chặt chẽ trong quản lý tiến độ, chất lượng, trong quá trình nghiệm thu dự án, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá cao nỗ lực của chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước đã chỉ đạo sâu sát các địa phương phối hợp với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, đặc biệt là công tác GPMB nên dự án đã về đích sớm hơn 18 tháng so với kế hoạch.

Động lực phát triển Tây Nguyên

Đánh giá về vai trò, ý nghĩa của đường Hồ Chí Minh, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cho biết, việc hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH, bảo đảm an - ninh quốc phòng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Trước đây, khi dự án chưa được triển khai, tuyến QL14 cũ xuống cấp, hư hỏng trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, nguy cơ mất ATGT rất cao, là điểm nghẽn cho việc phát triển kinh tế vào Tây Nguyên.

“Đến nay, khi tuyến đường hoàn thành, giao thông trên tuyến thuận lợi hơn rất nhiều. Thời gian đi lại giữa các tỉnh được rút ngắn, tháo gỡ điểm nghẽn quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh khu vực Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển KT-VH-XH và giữ vững an ninh - quốc phòng”, ông Hùng nói.

Dự án đường HCM qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ bản đi trùng với QL14. Dự án có chiều dài 663 km từ Đắk Zôn tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành tỉnh Bình Phước. Tuyến đường này đã được đầu tư 110 km từ Đăk Zôn đến Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 1 (từ năm 2000-2007), còn lại 553 km đoạn từ Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2 (từ năm 2008). Trong đó, khoảng 134 km qua đô thị các tỉnh Tây Nguyên và đoạn nối Kon Tum với PleiKu được triển khai từ năm 2008, hoàn thành cuối năm 2013, đầu năm 2014 và 419 km chia làm 11 dự án thành phần (6 dự án vốn TPCP và 5 dự án BOT) được đầu tư trong giai đoạn 2013-2015. Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với hai làn xe cơ giới, hai làn thô sơ. Một số đoạn qua đô thị được mở rộng bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Hướng tuyến cơ bản bám theo đường cũ (QL14), mở rộng hai bên để hạn chế GPMB, cải tạo một số đoạn qua khu vực đèo dốc, địa hình khó khăn.

Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước cùng chung nhận định khi cho rằng đường Hồ Chí Minh là điểm nhấn cho sự phát triển KT-XH Tây Nguyên. Ông Trần Ngọc Trai, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước cho biết: “Đường Hồ Chí Minh hoàn thành mang lại niềm vui cho nhân dân tỉnh Bình Phước, đặc biệt là nhân dân trực tiếp trên tuyến đường đi qua. Trong những năm qua, tuyến đường này gây nhiều trở ngại cho giao thương, đi lại, ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế. Đường hoàn thành sẽ góp phần cho sự phát triển kinh tế chung của Bình Phước và quan hệ phát triển giữa các tỉnh thành khác Tây Nguyên”.

Ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Trước kia, khi dự án chưa được triển khai, tuyến QL14 xuống cấp, hư hỏng trầm trọng ảnh hưởng đến việc đi lại, đến phát triển kinh tế Tây Nguyên. Tuyến đường hoàn thành, giao thông thuận lợi, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh lân cận, tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển KT-VH-XH và giữ vững an ninh - quốc phòng”.

Còn Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Tiến Phương, nhận định: “Thông thương với Tây Nguyên có hai trục chính là đường bộ và đường không. Đường bộ có hai tuyến chính là đường Hồ Chí Minh và QL20. Ngoài ra, khu vực này có ba cảng hàng không là Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai). Tuy nhiên, hạn chế của vùng Tây Nguyên là không có đường sắt, đường sông cho nên đường bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đường Hồ Chí Minh xuyên dọc Tây Nguyên kết nối với các tỉnh đồng bằng và các cảng biển lớn, cũng như thông thương với hai nước Lào và Camphuchia qua hai cửa khẩu lớn Bờ Y và Lệ Thanh”.

Ngay trong tháng 5, khi đường HCM chưa hoàn thành, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức một Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên. Hội nghị, có 13 doanh nghiệp ký kết thực hiện 13 dự án với tổng mức đầu tư trên 16.600 tỉ đồng. Đây là số vốn đầu tư vào Tây Nguyên lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, còn có 8 ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng đầu tư vốn với 17 doanh nghiệp thuộc 16 dự án. Các ngân hàng cam kết cho vay dài hạn với số tiền khoảng 15 nghìn tỉ đồng để tập trung sản xuất các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn Tây Nguyên. Trong đó, có hơn một nửa là các dự án đầu tư về nông nghiệp.

Có những dự án trực tiếp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế như đề án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên của Công ty CP Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Đây thực chất là đề án cho vay vốn phát triển cây mắc ca của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và sản xuất giống, xây dựng nhà máy bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm tiền vay của Công ty CP Him Lam. Để thực hiện đề án, nhà đầu tư đã đăng ký với các tỉnh Tây Nguyên mỗi tỉnh 1 nghìn ha, chủ yếu là ươm giống và hình thành các vườn cây bố mẹ lâu dài. Nhà đầu tư cung cấp giống, tư vấn kỹ thuật, xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm và phối hợp đơn vị bảo hiểm cung cấp bảo hiểm tiền vay 100%. Người dân chỉ việc trồng mắc ca theo quy trình và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ dự án. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ có hàng chục nghìn hộ dân hưởng lợi từ dự án trồng cây mắc ca.

Ngoài các dự án về nông nghiệp, khi đường Hồ Chí Minh đưa vào khai thác đồng bộ, các dự án về du lịch, dịch vụ, vận tải cũng đang được các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn tham gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.