Đô thị

Đường Lê Văn Lương thông thoáng hơn sau khi thông hầm chui 700 tỷ

06/10/2022, 09:57

Sau ngày thông xe hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, giao thông trên trục đường đã cải thiện, không còn xuất hiện cảnh ùn tắc kéo dài.

Sáng nay (6/10), trong khung giờ cao điểm từ 7h40 - 8h10 PV Báo Giao thông có mặt trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương ghi nhận tình hình giao thông đã giảm nhiệt hơn so với ngày đầu thông xe hầm chui 700 tỷ.

img

Nút giao 3 tầng trên đường Tố Hữu hướng đi Lê Văn Lương chụp lúc 7h50 sáng nay

Trên đường Tố Hữu đoạn từ ngã ba Lương Thế Vinh kéo dài đến điểm đầu khu vực hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 không còn cảnh phương tiện “chật như nêm”, ùn tắc "chôn chân" trên cả trên vỉa hè như trước. Sáng nay, các phương tiện thong thả di chuyển xuống hầm chui và ở hai bên chiều đường bên cạnh.

Tại đoạn cuối hầm chui hướng đi Lê Văn Lương vào trung tâm thành phố, tình trạng ùn tắc ngay sau lễ thông xe hôm qua đã diễn ra. Song, vào giờ cao điểm sáng nay đã được cải thiện.

Dòng phương tiện sau khi từ hầm chui lên đường Lê Văn Lương chỉ bị ùn lại khoảng 3 - 5 phút do chờ đèn tín hiệu tại ngã tư Nguyễn Tuân - Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám sau đó lại lưu thông bình thường.

Tiếp đó, tới đoạn đối diện quán cà phê Highlands số 81 Lê Văn Lương dòng phương tiện bị ùn ứ khoảng 5 - 7 phút do có biển cấm, hàng trăm phương tiện xe máy vẫn xếp hàng chờ lên cầu vượt đi hướng Láng Hạ.

img

Dòng phương tiện tham gia giao thông trên đường Lê Văn Lương giờ cao điểm đông nhưng nay không còn xuất hiện cảnh "chật cứng" như trước đó

Tại các ngã tư trên tuyến đường lực lượng CSGT, TTGT được bố trí để phân luồng, hướng dẫn cho các phương tiện di chuyển.

Theo một cán bộ CSGT thuộc Đội CSGT số 7 thực hiện phân luồng trên tuyến đường Lê Văn Lương cho hay: Giao thông giờ cao điểm hôm nay ở đây đã thông thoáng hơn nhiều. Thời điểm trước đó ùn tắc kéo dài từ bên đầu đường Tố Hữu kéo dài khoảng 2km tới khu vực cầu vượt.

Đơn vị quản lý đường thuộc Sở GTVT Hà Nội đánh giá: "Còn một số nút đèn tín hiệu số giây đèn đỏ tại ngã tư trên đường Lê Văn Lương đang dài, có nút 99 giây. Chúng tôi sẽ theo dõi thực tế và đề xuất điều chỉnh".

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một số chuyên gia giao thông cho rằng, giao thông trên tuyến đường này "giảm nhiệt". Tuy nhiên, sau khi có nút giao 3 tầng, người dân có thể chuyển sang đi tuyến đường này nhiều hơn. Hà Nội cần khẩn trương nghiên cứu để tránh ùn tắc "lan" ra các khu vực lân cận hướng Lê Văn Lương.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho hay: Trên cả trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, điểm giao cắt với đường Hoàng Minh Giám là đáng lo ngại nhất. Cả 3 trục giao thông lớn gồm: Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng đều phân bổ một phần lưu lượng qua đường Hoàng Minh Giám, cộng với áp lực của tuyến Vành đai 2, Vành đai 3. Có thể xem nút Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám như một nút thắt trung tâm của toàn khu vực.

"Hà Nội cần xem xét triển khai một dự án cầu vượt nhẹ theo hướng trực thông trên đường Hoàng Minh Giám, vượt qua nút giao với đường Lê Văn Lương, góp phần đồng bộ, tăng cường hiệu quả tổ chức giao thông cho cả khu vực", ông Chung nói và nhấn mạnh: Thực tế, Hà Nội đã làm một số cầu vượt nhẹ, chi phí đầu tư không quá lớn, thời gian xây dựng nhanh, nhưng lại phát huy hiệu quả rất tích cực đối với giao thông, nhất là tại những điểm “nóng”. Ví dụ như cầu vượt nhẹ nút Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng trước đây chỉ thi công trong 5 tháng đã hoàn thành.

Về lâu dài, ông Chung cho rằng tại khu vực cửa ngõ Tây Nam Hà Nội với các tuyến giao thông lớn như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng cần được đồng bộ năng lực lưu thông. Hiện, đã có 2 hầm chui: Thanh Xuân, Trung Hoà, sắp tới là hầm chui Lê Văn Lương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.