Đường sắt

Đường sắt Bắc - Nam sẽ lột xác nhờ dự án 7.000 tỷ

14/02/2021, 10:00

Khi hoàn thành dự án 7.000 tỷ, tuyến đường sắt Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ lột xác đáng kể nhờ tốc độ tàu khách tăng lên bình quân trên 80km/h.

img

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trong một lần thị sát, chỉ đạo khắc phục sạt lở taluy đường sắt tại khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh (Đèo Cả). Ảnh: Quốc Nhựt

Đồng thời, tuyến đường này cũng tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm hiện nay lên 23 - 25 đôi tàu/ngày đêm.

Ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ miền Trung

Biết tin cuối tháng 11/2020, cầu đường sắt Sa Lung (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) - một trong những cây cầu có nhịp dài nhất trong toàn bộ dự án cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM triển khai sàng dầm, chúng tôi tức tốc từ Hà Nội vào Quảng Bình.

Tuy nhiên, đón chúng tôi từ ga Đông Hà, anh Đặng Ngọc Tài, cán bộ Ban QLDA đường sắt thông báo: “Mưa to quá, cầu không thể sàng dầm được”.

Trước đây, vốn Nhà nước cấp cho đường sắt rất ít nên chỉ ưu tiên nâng cấp, thay những vị trí xung yếu, đe dọa mất an toàn trước nên đoạn mới, đoạn cũ xen lẫn theo kiểu xôi đỗ, không đảm bảo được dải tốc độ cả khu đoạn dài. Vì thế, tốc độ tàu cũng không nâng lên được. Khi các dự án gói 7.000 tỷ đồng hoàn thành, có thể nâng đồng nhất tốc độ chạy tàu lên 80km/h.
Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh

Đến nơi, chứng kiến công trường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, bùn đặc quánh, phải vất vả di chuyển tới chân cầu, chúng tôi mới hiểu hơn vì sao nhà thầu, chủ đầu tư phải hủy việc sàng dầm dù đã mất nhiều công sức chuẩn bị.

Anh Tài kể, sau nhiều ngày trễ tiến độ do mưa lũ, cả chủ đầu tư, nhà thầu đều háo hức chờ đợi. Trong điều kiện vừa chạy tàu, vừa thi công, mọi công việc chuẩn bị để sàng dầm rất kĩ càng, thời gian mỗi công đoạn tính chi li từng phút để đảm bảo hoàn thành trong khoảng 4 giờ phong tỏa chạy tàu.

Để phong tỏa chạy tàu, TCT Đường sắt VN phải điều chỉnh lại toàn bộ biểu đồ trên tuyến. “Giờ xin được rồi, trời lại không chiều lòng người, mưa to, gió giật, chúng tôi không dám triển khai”, anh Tài nói.

Anh Nguyễn Bạch Dương, Giám đốc Xí nghiệp 303 (Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 3), đơn vị trực tiếp thi công cầu Sa Lung kể, mưa bão liên miên, ngập lụt cả tháng trời. Có hôm 2h sáng nước lũ đột ngột đổ về, ngập cả lán công trường, anh em vội cuốn balo, mùng mền chạy lên trên cầu.

“May vẫn còn nhà gác cầu hồi trước, giờ bỏ không nên anh em đứng trú, chờ nước rút. Chưa kể, cứ mưa ngập là xóa sổ đường công vụ, anh em lại phải làm lại để cho xe chở vật tư, thiết bị vào công trường”, anh Dương chia sẻ.

Tháng 5/2020, Bộ GTVT chính thức khởi công gói thầu đầu tiên trong 4 dự án đường sắt quan trọng thuộc nguồn vốn dự phòng trung hạn với tổng kinh phí 7.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM.

Các dự án gồm: Cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn; Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang. Thời hạn hoàn thành dự án hết năm 2021.

Rời Quảng Bình, chúng tôi có mặt tại nhiều vị trí thi công của các dự án này. Những ngày cuối năm, không khí thi công đều hối hả. Tuy nhiên, thời gian qua, mưa lũ liên miên qua khu vực miền Trung ảnh hưởng nhiều đến tiến độ công trình.

Ông Trần Thanh Tiến, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 3 cho biết, để chuẩn bị cho việc sàng dầm, các đơn vị phải điều các mũi thi công trên nhiều tuyến về, tập trung hơn 60 người cùng các máy móc, thiết bị. “Mất rất nhiều công sức, nhưng mục tiêu an toàn là số một, không thể vì tiến độ mà nóng vội được”, ông Tiến nói.

Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh, một trong các nhà thầu đang thi công gói thầu số 2 từ Nam Định đến Ninh Bình cho biết, để thi công, đơn vị phải xin TCT Đường sắt VN cấp phép mở điểm chạy chậm. Tàu chạy qua chỉ khoảng 5km/h - 15km/h. “Biện pháp thi công đảm bảo nghiêm ngặt, có bộ phận giám sát thường xuyên nên mọi công đoạn đều phải có thời gian chuẩn bị rất lâu”, ông Sơn nói.

Khối lượng vận chuyển tuyến Bắc - Nam tăng gấp rưỡi

img

Các nhà thầu tập trung nhân lực để thực hiện gói thầu cải tạo, nâng cấp đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Mai Minh Việt, Phó giám đốc Ban QLDA đường sắt cho biết, việc thực hiện 4 dự án cấp thiết thuộc gói 7.000 tỷ đồng về cơ bản sẽ giảm thiểu nguy cơ mất ATGT đối với các cầu, hầm yếu. Cùng đó sẽ từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m. Giảm thiểu nguy cơ mất ATGT, tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23 - 25 đôi tàu/ngày đêm.

Trên trục đường sắt Bắc - Nam, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến sẽ tăng 1,3 - 1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5 - 1,6 lần. Tốc độ tàu khách tăng lên bình quân 80km/h, tàu hàng là 50km/h.

“Dự án thực hiện trên tuyến đường sắt đang khai thác vì thế vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn chạy tàu trong khi tiến độ gấp gáp, phải hoàn thành trong năm 2021. Chính vì vậy, Ban QLDA đường sắt luôn chủ động đánh giá những nguy cơ chậm tiến độ để điều chỉnh kịp thời, phù hợp, đảm bảo tiến độ chung của dự án”, ông Việt cho hay.

Chia sẻ về những mong đợi khi toàn gói 7.000 tỷ đồng hoàn thành, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc TCT Đường sắt VN cho biết, dự án sẽ tháo gỡ cơ bản những nút thắt vận tải, chủ yếu như những ga không đủ chiều dài đường đón, gửi tàu, những ga chỉ có 2 đường.

“Trong một khu đoạn có 10 ga, thì 9 ga đón được đoàn tàu 19 toa, một ga chỉ đón được đoàn tàu 14 toa do đường ga ngắn, nhưng khi lập tàu buộc phải lập đoàn tàu 14 toa. Điều này làm hạn chế, giảm năng lực vận tải. Hoặc với những ga chỉ có 2 đường đón gửi, khi cần tránh nhau, tàu không thể dừng tránh ở ga này, buộc phải đến ga có 3 đường. Việc chờ đợi quá lâu dẫn đến năng lực thông qua thấp, hạn chế số lượng đôi tàu thông qua trên tuyến trong ngày”, ông Mạnh nêu ví dụ.

“Tăng được chiều dài, tải trọng đoàn tàu sẽ tăng được số lượng đoàn tàu trong ngày. Vận tải sẽ có cơ hội tăng sản lượng, doanh thu, trong khi vẫn tận dụng, khai thác hết công suất đầu máy, chi phí sức kéo”, ông Mạnh nói và kỳ vọng sang năm 2021, dự án sẽ được đẩy nhanh, hoàn thành đúng tiến độ để tháo gỡ khó khăn cho vận tải đường sắt trên tuyến Bắc - Nam”, ông Mạnh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.