Đường sắt

Đường sắt “bắt tay” Petrolimex vận chuyển xăng dầu

23/06/2017, 11:43

Đường sắt và Petrolimex cùng đẩy mạnh hợp tác, nâng sản lượng vận chuyển xăng dầu đi các tuyến.

Chu-tich-Duong-sat-Vu-Anh-Minh-khao-sat-ket-noi-va

Tổng công ty Đường sắt VN và Petrolimex khảo sát lập phương án kết nối vận tải xăng dầu bằng đường sắt tại ga Hạ Long

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh và Phó Tổng giám đốc Petrolimex Nguyễn Bá Phú vừa tiến hành khảo sát tiềm năng vận chuyển xăng dầu bằng đường sắt từ khu vực Quảng Ninh đi các tỉnh miền Bắc.

Tại Công ty CP Xăng dầu 12, tổng kho xăng dầu lớn ở Quảng Ninh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Nguyễn Đồng cho biết, sau khi nhập xăng dầu tại cảng, đơn vị xuất đi các kho ở các tỉnh miền Bắc bằng tuyến ống là chủ yếu với sản lượng 2,6 mét khối/năm. Ngoài ra, còn xuất đi bằng đường bộ, đường thủy; tại các kho lại xuất đi các điểm bán lẻ xăng dầu do công ty quản lý bằng đường bộ. Về tiềm năng vận tải bằng đường sắt, ông Đồng cho rằng hoàn toàn khả thi vì hiện nhiều điểm đường ống xăng dầu gần các ga đường sắt tuyến Cái Lân - Hạ Long - Yên Viên. “Vấn đề là kết nối vận tải như thế nào và thị trường phải có nhu cầu”, ông Đồng nói.

Còn ông Nguyễn Bá Phú khẳng định, nếu giải quyết được bài toán kết nối vận tải sẽ mở ra cơ hội vận tải xăng dầu bằng đường sắt từ các điểm xuất hàng của Công ty Xăng dầu 12 đi các tỉnh tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai, nhất là các tỉnh Tây Bắc nhu cầu xăng dầu rất lớn.

Liên quan đến kết nối, theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Trần Thiện Cảnh, bài toán đặt ra là làm thế nào để kết nối khổ đường vì hiện trên tuyến tồn tại 2 khổ đường: đường lồng (bao gồm đường 1.435mm và đường 1.000mm) và đường 1.435mm trên tuyến đường đơn. Tuy nhiên, có thể giải được bài toán này nếu cho phép tận dụng ray, tà vẹt còn dư từ Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dừng đầu tư từ năm 2011 do khó khăn về vốn) để đặt ray khổ 1.000mm làm đường lồng đối với đoạn đường khổ 1.435mm hiện tại. Ông Cảnh lý giải, đoạn đường ga Cái Lân – ga Hạ Long là đường lồng, nhưng từ ga Hạ Long đi Kép vẫn là khổ đường đơn 1.435mm, chỉ có từ Kép đến về Yên Viên là đã được nâng cấp lên khổ đường lồng.

“Với việc đặt ray nâng thành khổ đường lồng toàn tuyến, có thể chạy tàu khổ 1.435mm từ ga Hạ Long, Bãi Cháy hay các ga khác đi Yên Viên – Lạng Sơn, cũng có thể chạy tàu 1.000mm đi Yên Viên và từ Yên Viên đi Lào Cai, đi các tỉnh khác theo toàn mạng đường sắt khổ 1.000mm hiện có”, ông Cảnh nói.

Ông Vũ Anh Minh cho biết, bên cạnh hợp tác vận chuyển xăng dầu, đường sắt và Petrolimex sẽ hợp tác nhiều chương trình khác như mở rộng hệ thống bán lẻ xăng dầu, mở cây xăng tại các ga… Tuy nhiên, đường sắt định hướng vận chuyển xăng dầu, coi đây là một trong các mặt hàng vận chuyển chiến lược khối lượng lớn như container, quặng… cần tập trung phát triển. Vì vậy, đường sắt sẽ phối hợp chặt chẽ với Petrolimex khảo sát nhu cầu xăng dầu từng tuyến để xây dựng phương án đầu tư khả thi, kể cả KCHT đường sắt. Tuy nhiên, cần xem xét cụ thể, tính toán đầu tư thêm đường ống hay hạ tầng đường sắt, trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kết nối phương tiện vận tải, từ đó xác định phần nào do Nhà nước, phần nào doanh nghiệp phải đầu tư.

“Bình thường kết cấu hạ tầng đường sắt là do Nhà nước đầu tư nhưng chúng tôi quan điểm, cứ có lợi là doanh nghiệp thực hiện xúc tiến đầu tư để nhanh chóng khai thác thị trường vận chuyển xăng dầu tiềm năng này”, ông Minh khẳng định.

Xem thêm video

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.