Đường sắt

Đường sắt cam kết cung cấp những gì khách hàng cần

30/12/2015, 20:20

Đó là cam kết của ngành Đường sắt để thu hút khách hàng, tăng sản lượng vận tải trong thời gian tới...

12
Apatit là mặt hàng truyền thống của đường sắt với sản lượng 1,7 triệu tấn/năm - Ảnh: Ngô Vinh

Giá cước thiếu linh hoạt, tổng chi phí vận chuyển cao

Theo ông Trần Thế Hùng, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh Tổng công ty Đường sắt VN, những năm qua khối lượng vận chuyển của đường sắt còn hạn chế. Nhiều luồng khách, luồng hàng trước đây vận chuyển bằng đường sắt nay đã chuyển sang phương tiện vận tải khác. Đặc biệt, chưa khai thác, phát huy được hệ thống đường sắt tại các cảng biển, đường sắt chuyên dùng tại các nhà máy. Khối lượng vận chuyển bằng đường sắt tại khu vực này chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Như các nhà máy sản xuất xi măng đã được đầu tư hệ thống đường sắt hoàn chỉnh (có ga đường sắt, đường xếp dỡ, nhánh nối đường sắt quốc gia) sản xuất trên 12 triệu tấn xi măng/năm nhưng đường sắt mới chỉ vận chuyển được khoảng 180.000 tấn, chiếm khoảng 1,2%.

“Mỗi năm cảng Hải Phòng có trên 20 triệu tấn hàng thông qua nhưng đường sắt vận chuyển được khoảng 1,3 triệu tấn, chỉ chiếm 6%. Riêng nguyên liệu đầu vào quặng apatit phục vụ các nhà máy sản xuất phân bón trong nước chủ yếu vận chuyển bằng đường sắt trên 1,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản phẩm đầu ra đường sắt chỉ vận chuyển được khoảng 6% trên tổng số 4 triệu tấn/năm”, ông Hùng nói.

"Đường sắt sẽ đổi mới phương thức vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi để cùng các khách hàng khai thác vận tải hiệu quả, nâng cao thị phần vận tải đường sắt”.

Ông Vũ Tá Tùng
Tổng giám đốc TCT Đường sắt VN

Bà Trần Ngọc Minh Thu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Minh Thành Phát, khách hàng truyền thống của đường sắt cho biết, theo thống kê của đơn vị này, sản lượng vận tải hàng hóa chiều Ga Sóng Thần - Ga Giáp Bát năm 2015 giảm đến 30%. Thị phần vận tải bị thu hẹp, nhất là sản lượng vận chuyển hàng nguyên toa gần như giảm sút hoàn toàn.

Vậy đâu là nguyên nhân giảm sút sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, đặc biệt là tại các nhà máy, bến cảng có đường sắt chuyên dùng? Ông Trần Thế Hùng thẳng thắn nhìn nhận, ngoài các nguyên nhân khách quan do cạnh tranh gay gắt của vận tải đường bộ, đường thủy, chủ yếu vẫn do vận tải đường sắt chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng: Cơ sở vật chất, phương tiện vận tải lạc hậu, chất lượng dịch vụ hạn chế. Trong khi đó, các đơn vị có đường sắt chuyên dùng muốn khai thác được đường nhánh phải thông qua nhiều đầu mối của ngành Đường sắt như: Thuê công ty quản lý đường sắt để sửa chữa duy tu, thuê đầu máy để dồn dịch, thuê các chi nhánh khai thác làm tác nghiệp kỹ thuật chạy tàu…

Giá cước vận chuyển đường sắt đối với các loại hàng truyền thống chưa ổn định, việc cấp toa xe xếp hàng không kịp thời, gây khó khăn cho việc lập phương án vận chuyển, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy. Ngay cả khi đường sắt giảm giá cước thì tổng chi phí vận tải bằng đường sắt còn cao, đặc biệt đối với các luồng hàng có cự ly vận chuyển ngắn (dưới 200 km) do phải cộng chi phí tác nghiệp và xếp dỡ trung chuyển tại hai đầu ga. Trong khi đó, đường sắt mới chỉ tổ chức vận chuyển được từ ga đến ga, chưa chủ động xây dựng các dịch vụ liên quan đến quá trình vận chuyển cho khách hàng, làm cho việc tổ chức vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt phải thông qua nhiều đầu mối.

Bằng mọi cách chiều lòng khách hàng

Tại hội nghị tri ân khách hàng nhân dịp cuối năm 2015, ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN khẳng định, đường sắt sẽ bằng mọi cách chiều lòng khách hàng, “bán” các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, chứ không phải “bán” sản phẩm đường sắt có.

Vậy khách hàng cần gì? Theo bà Thu, các doanh nghiệp vận tải đường sắt phải linh hoạt, nhạy bén hơn về thời gian vận chuyển và chính sách giá. “Đường sắt nên rà soát, cắt giảm bớt chi phí sức kéo cũng như thời gian tác nghiệp bất hợp lý để giảm giá thành, rút ngắn thời gian vận chuyển. Áp dụng chính sách giá linh hoạt theo mùa vụ, điều chỉnh kịp thời theo giá nhiên liệu... để tạo thế cạnh tranh”, bà Thu nói.

Ông Lê Văn Thận, Tổng giám đốc Công ty Vận tải TRACO1 cho rằng, đường sắt nên tính toán lại giá thành vận tải để giảm giá, đồng thời có biện pháp, cơ chế minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về cung cấp toa xe. Hơn nữa, phải tổ chức được các dịch vụ kết nối phương tiện tại các cảng biển giữa đường biển - đường sắt - đường bộ cũng như đầu tư nâng cao năng lực xếp dỡ về kho bãi, thiết bị xếp dỡ...

Để lấy lại niềm tin của khách hàng, ông Vũ Tá Tùng cho biết, đường sắt đang thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp nhằm cung cấp đến khách hàng sản phẩm vận tải chất lượng nhưng giá cước hợp lý, phù hợp với thị trường. Riêng đối với các đơn vị vận chuyển hàng hóa tại đường sắt chuyên dùng, Tổng công ty sẵn sàng làm đầu mối để đơn giản, giảm thiểu thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng trong việc khai thác đường nhánh; Đồng thời ưu tiên cho các khách hàng thuê kho bãi tại các ga để lưu giữ hàng hóa... Đối với các khách hàng truyền thống sẽ có chính sách ưu đãi, chăm sóc, đặc biệt về giá cước và phải công khai, minh bạch để khuyến khích các khách hàng tiềm năng khác. Đồng thời, các cơ chế, chính sách phải ổn định, lâu dài, tạo môi trường kinh doanh ổn định để khách hàng tham gia, hợp tác khai thác, kinh doanh vận tải, trong đó có vận tải logistic, du lịch lữ hành. “Chính sách phải ổn định, không thể nay thế này, mai thế khác. Có vậy mới thu hút được khách hàng”, ông Tùng nhấn mạnh. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.