Đường sắt

Đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn bị xâm phạm

17/11/2022, 06:00

Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn dài 30km đã ngừng khai thác từ tháng 6/2012 vì không có nguồn hàng gần đây liên tục bị xâm phạm, lấn chiếm.

Chính quyền và người dân cùng vi phạm

img

Hành lang đường sắt qua xóm 3, xã Nghĩa Thuận bị lấn chiếm nghiêm trọng

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại đoạn qua xóm 3, xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An có 6 hộ dân trồng cây, để vật kiến trúc, xây dựng công trình lấn chiếm phạm vi bảo vệ ATGT đường sắt.

Những công trình này vi phạm khổ giới hạn an toàn chạy tàu (cách ray từ 1,2 - 4,4m), kéo dài cả đoạn đường dài 200m theo lý trình đường sắt (Km 19+976 - Km 20+093).

Trong đó, hộ gia đình ông Bùi Việt Cường xây nhà kiên cố cách đường ray 4,4m, trong khi quy định là từ 8 -9,5m; phần cửa nhà hướng ra đường sắt, thềm phía trước đổ đất cao ra sát mặt ray, gạch đất khỏa lấp mặt đường ray.

Còn tại Km 23+200, đoạn qua xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, xuất hiện một đường ngang trái phép rộng 15m mở qua đường sắt.

Đây là tuyến đường mới được UBND thị xã cho đầu tư xây dựng để nối từ QL48A vào trung tâm xã Nghĩa Hòa.

Theo thống kê của Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh, trên tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn hiện có 217 điểm vi phạm, lấn chiếm hành lang đường sắt (huyện Quỳnh Lưu 61 điểm và thị xã Thái Hòa 156 điểm). Ngoài ra, còn có 12 điểm bị đất đá sạt lở vùi lấp hoàn toàn đường ray.

Ông Hoàng Xuân Quang, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn, Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, đa số các điểm vi phạm, lấn chiếm hành lang trên tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn đều là tồn tại lịch sử từ thời điểm tàu đang còn hoạt động.

Tuy nhiên, có những điểm vi phạm, xâm lấn mới bao gồm: Khu vực 6 hộ dân xóm 3, xã Nghĩa Thuận; đường ngang trái phép Km 23+200 (Đông Hiếu); đường công vụ thi công cao tốc cắt mặt đường sắt Km2 (xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu); đoạn từ Km 28+060 – Km 28+088 xã Nghĩa Mỹ bị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang đường QL48A; xâm lấn đất ở các ga Quỳnh Châu, Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn…

“Có những vị trí vi phạm được chúng tôi phát hiện thông báo cho chính quyền xã, huyện, thị xã nhưng sự vào cuộc của địa phương còn rất hạn chế vì cho rằng đường không khai thác.

Thậm chí, chính UBND cấp huyện, thị xã cũng vi phạm khi cho mở đường ngang, đường công vụ trái phép qua đường sắt, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đường sắt.

Quá trình quy hoạch và cấp đất ở lân cận đường sắt đều không phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt, không tuân thủ theo Luật Đường sắt”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng kiến nghị, ngành đường sắt bố trí vốn để đơn vị khắc phục những điểm sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng trên tuyến. Hiện, số tiền cấp hàng năm chỉ đủ để trả lương trông coi, bảo quản, phát quang và vét dọn mương rãnh...

Qua 10 năm không sử dụng và sau các trận mưa lũ, vật tư chính yếu trên tuyến đa phần đã bị hư hỏng. Ghi, tà vẹt mối mục, rỉ sét, đất đá sụt khối lượng lớn, đơn vị không đủ nguồn kinh phí hót dọn.

Địa phương cam kết xử lý

Trước tình trạng tuyến đường sắt bị xâm phạm nghiêm trọng, đầu tháng 11/2022, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, đất dành cho đường sắt.

Cũng trong thời điểm này, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản chỉ đạo UBND các huyện thị, các sở, ngành liên quan và công an địa phương tổ chức phối hợp xử lý các điểm vi phạm, lấn chiếm hành lang đường sắt.

Riêng đối với chính quyền các phường, xã nơi có tuyến đường sắt đi qua phải tập trung xử lý, yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ các công trình vi phạm, nếu không phải cưỡng chế.

Trường hợp xử lý không nghiêm phải kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân lãnh đạo đơn vị, địa phương. Kết quả xử lý báo cáo về Thường trực Ban ATGT tỉnh trước ngày 20/11/2022.

Trao đổi với PV, ông Cao Văn Bồi, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết, xã đang tuyên truyền vận động để người dân tự tháo dỡ.

Nếu người dân cố tình không chấp hành sẽ phối hợp với đơn vị ngành đường sắt tiến hành cưỡng chế.

Theo ông Phạm Chí Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa, trước mắt, thị xã giao cho các phường, xã kiểm tra, rà soát, tự xử lý theo thẩm quyền.

Trường hợp phường, xã làm không đúng, thị xã sẽ vào cuộc. Sau đó, căn cứ vào kết quả thực hiện của từng địa phương để xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

“Đối với dự án đường vào trung tâm xã Nghĩa Hòa do UBND thị xã làm chủ đầu tư, do dự án đã được lập duyệt từ 15 năm trước, nên có những hạng mục chưa phù hợp, thị xã đang cho tạm dừng để rà soát nhằm thực hiện đúng các quy định pháp luật”, ông Kiên cho hay.

Ông Phan Huy Chương, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Nghệ An cho biết, sau chỉ đạo của tỉnh, Ban cũng đã có văn bản nhắc nhở, đôn đốc các địa phương.

Quan điểm của tỉnh là dù đường sắt không sử dụng nhưng đã giao quản lý, phải thực hiện đúng quy định của pháp luật; Thực hiện đúng tiêu chí đã được ký kết giữa Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam và đơn vị quản lý đường sắt.

Giám đốc Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh Cao Tiến Hùng cho biết, tuyến này trước là tuyến vận chuyển hàng hóa chính của khu vực, cũng là tuyến vận tải hàng quốc phòng.

Từ năm 2012, do lượng hàng hóa sụt giảm nên ngành đường sắt đã cho tạm dừng chạy tàu, tuy nhiên vẫn tiếp tục giữ tuyến để phòng trường hợp cấp thiết hoặc phục vụ vận tải khi địa phương có nhu cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.