Đường sắt

Đường sắt đổi mới nhưng chưa thấm vào đâu

23/02/2021, 07:00

Có người tiêu cực, bi quan cho rằng, hành khách vắng thì “Covid-19” chỉ là lý do, là viện cớ cho những yếu kém của vận tải đường sắt mà thôi.

img

Các doanh nghiệp vận tải đường sắt liên tục cắt giảm, hủy bỏ các đoàn tàu do quá vắng khách. Ảnh: Tạ Hải

Từ mùng 4 Tết đến nay, trên các fanpage của các doanh nghiệp vận tải đường sắt liên tục thông báo cắt giảm, hủy bỏ các đoàn tàu do quá vắng khách, bao gồm cả tàu chạy hàng ngày và tàu tăng cường trên tất cả các tuyến, nhất là tuyến Bắc - Nam.

Được chia sẻ trong các trang facebook về đường sắt, các thông tin này được nhiều thành viên nghi ngại. “Toang thật rồi”, “Lại đói dài”, “Có vụ Tết, tưởng đỡ được một chút, giờ không có việc, sống sao”… nhiều thành viên là người lao động đường sắt viết.

Nhưng cũng có ý kiến phân tích, ngoài lý do khách quan là ảnh hưởng dịch Covid-19, đường sắt hiện vẫn còn “căn bệnh cố hữu” là hành trình dài, giá vé cao, không thuận lợi về vị trí đón, trả khách… nên càng khó thu hút khách đi tàu trong tình hình thu nhập người dân giảm sút, hàng không “down” giá vé thấp không tưởng.

Tài khoản Phan Thanh Dân viết: “Mình vốn rất thích đi tàu hỏa về quê, nhưng mấy năm nay đành chọn xe khách. Ở Bình Dương, khi về quê Bình Định mà đi tàu hỏa khá bất tiện”.

Người này phân tích: Thứ nhất, đi tàu hỏa từ Sài Gòn về Bình Định, nếu vé khoang 4 giường dao động từ 650 - hơn 800 nghìn đồng tùy tàu; trong khi đó đi xe khách giường nằm chỉ có 250 nghìn đã bao gồm nước suối, khăn lạnh và 1 bữa cơm tối.

Thứ hai là về quãng đường di chuyển. Nhà ở quê cách ga Phù Mỹ (Bình Định) chỉ hơn 1km nhưng khi đi tàu về phải mua vé xuống ga Diêu Trì hoặc ga Bồng Sơn, sau đó mới đón taxi mất khoảng gần 500 nghìn đồng nữa mới về đến nhà. Chưa kể, ở Bình Dương muốn xuống ga Dĩ An hoặc Sài Gòn, Biên Hòa cũng phải bỏ ra khoảng 400 nghìn đồng taxi; còn xe khách rước tận nhà, khi đến quê cũng trả khách tại nhà”.

Còn tài khoản Hoàng Qb cho rằng: “Tăng tốc độ chạy tàu, giá hợp lý thì sẽ đông người đi. Chứ máy bay, vừa nhanh vừa rẻ thì ai đi tàu nữa”. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ có nơi vẫn chưa ổn, khiến hành khách phải mất thêm phụ phí. “1 va li, 1 thùng xốp, 1 bao nhỏ mà tại ga Vinh đội đẩy xe lấy 80 nghìn đồng phí”, tài khoản Dung Huynh dẫn chứng.

Có người tiêu cực, bi quan cho rằng “Covid-19” chỉ là lý do, là viện cớ cho những yếu kém của vận tải đường sắt mà thôi. Thực tế, những đổi mới của ngành Đường sắt thời gian qua đã chứng minh ngược lại nhận định này, nhưng cũng không thể phủ nhận “căn bệnh cố hữu” mà nhiều người thẳng thắn nêu ra. Vì vậy, năm mới, đường sắt vẫn cần tiếp tục đổi mới, tìm phương thuốc hiệu quả để lấy được niềm tin của khách hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.