Vận tải

Đường sắt đổi mới vận tải hàng hóa, “vươn dài” tàu liên vận đến châu Âu

07/09/2020, 10:19

Tổng công ty Đường sắt VN đổi mới, thúc đẩy vận tải hàng hóa, đặc biệt tàu hàng liên vận quốc tế đến châu Âu để tăng sản lượng, doanh thu.

img
Xếp container lên tàu tại ga Đông Anh để vận chuyển đến ga Đồng Đăng, từ đó đi tiếp bằng đường sắt sang Trung Quốc, châu Âu

Đổi mới vận tải hàng hóa, doanh thu tăng trưởng

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng) cuối tháng 8 vừa qua, trong khi các khu vực xếp hàng khác khá im ắng vì ảnh hưởng dịch Covid-19, khu vực đường sắt trong cảng, hai chiếc cẩu lớn vẫn đang miệt mài xếp hàng lưu huỳnh lên toa xe; từng tốp công nhân hăng say san gạt hàng, phủ bạt, gia cố, niêm phong toa xe…

Ông Dương Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Dịch vụ vận tải đường sắt Hải Phòng là khách hàng truyền thống thuê vận chuyển mặt hàng này bằng đường sắt sang Trung Quốc cho biết, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng sản lượng vận chuyển lưu huỳnh 6 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng trưởng khoảng 15%. Ngoài ra, mặt hàng quặng sắt cũng đi bằng đường sắt từ Hải Phòng sang Trung Quốc đạt 6 vạn tấn.

Mặt hàng chủ yếu của chúng tôi là hàng rời, khối lượng lớn nên đi bằng đường sắt sẽ vận chuyển được nhiều, giá cả hợp lý. Nếu đi bằng ô tô lên Lào Cai, rồi lại chuyển tải để sang phương tiện khác sang Trung Quốc sẽ khiến giá thành cao, chi phí đắt”, ông Hùng nói và cho biết thêm, các mặt hàng lưu huỳnh, quặng sắt hoặc kẽm từ nước ngoài về thẳng Hải Phòng, sau đó đi bằng đường sắt lên Lào Cai, sang Trung Quốc sẽ đáp ứng được yêu cầu: giá thành rẻ, chất lượng vận tải tốt hơn, thời gian vận chuyển nhanh, hàng hóa không bị hao hụt, không lẫn tạp chất.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, không chỉ vận tải liên vận đường sắt từ Hải Phòng đi Trung Quốc tăng trưởng mà vận tải hàng hóa toàn ngành vẫn giữ được sự ổn định, mặc dù một số mặt hàng, luồng hàng giảm sản lượng do ảnh hưởng dịch Covid-19. 7 tháng đầu năm 2020, sản lượng vận tải hàng hóa đường sắt tương đương cùng kỳ, doanh thu tăng trưởng khoảng hơn 5%.

Theo ông Minh, đây là hiệu quả của những chính sách, giải pháp chuyển dịch cơ cấu vận tải, đổi mới, thúc đẩy vận tải hàng hóa từ năm 2019. Khi đó, xác định dư địa, phân khúc thị trường của vận tải hành khách ngày cảng giảm do yếu thế trong cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, mặt khác cần đẩy mạnh khai thác ưu điểm của vận tải đường sắt là vận chuyển khối lượng lớn, đi xa, an toàn, Tổng công ty Đường sắt VN đã tập trung thúc đẩy vận tải hàng hóa, xác định vận tải hàng hóa là trọng tâm.

Để thực hiện mục tiêu phát triển vận tải hàng, thời gian qua đường sắt đã đóng mới khoảng 300 toa xe chở container; Cùng đó thử nghiệm và đưa vào vận hành chính thức hệ thống quản trị vận tải hàng hóa qua mạng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện hơn đối với khách hàng…

Mặt khác, thúc đẩy tàu liên vận quốc tế sang Trung Quốc và từ Trung Quốc đi tiếp Trung Á, châu Âu; đặc biệt là tàu container thường và tàu container lạnh, tự phát điện để vận chuyển hàng thực phẩm, trái cây tươi sống.

Là đơn vị trực tiếp tổ chức vận chuyển, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, công ty đã đưa vào khai thác một số sản phẩm mới, đặc biệt duy trì chạy hàng ngày đôi tàu container nhanh hành trình 40 giờ như tàu khách tuyến Bắc - Nam; Đẩy mạnh khai thác hàng lẻ, hàng có giá trị cao, cần bảo quản tốt, thời gian vận chuyển nhanh bằng hành trình các mác tàu khách Thống nhất…

Đẩy mạnh tàu hàng liên vận quốc tế Á - Âu, dịch vụ logistics trọn gói

Nếu tuyến vận tải đường sắt liên vận Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Trung Quốc giữ được sự ổn định thì tuyến vận tải liên vận Hà Nội - Đồng Đăng - Trung Quốc lại là tuyến có bước phát triển mới đáng ghi nhận với nhiều sản phẩm vận tải đa dạng: tàu container sang Trung Quốc, tàu đi Ba Lan, Đức...

Đổi mới, sáng tạo, phát triển tổng công ty bền vững

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 7 và 8/9/2020 với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - An toàn - Hiệu quả”.
Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn, phát triển tổng công ty bền vững, từng bước hiện đại. Phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu do chủ sở hữu giao, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; đảm bảo đủ việc làm, nâng cao đời sống người lao động”.
Cùng dịp này, Đại hội Thi đua yêu nước Tổng công ty Đường sắt VN lần thứ V (2020-2025) được tổ chức tại Hà Nội ngày 8/9/2020.
Tại Đại hội sẽ tôn vinh 90 cá nhân CBCNVC-LĐ là điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020 của ngành Đường sắt.


Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, đến nay, ngành Đường sắt đã thực hiện vận chuyển hàng hóa sang các nước như Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức…

Các mặt hàng gồm hàng điện tử, hàng dệt may, giày da, hóa mỹ phẩm, hàng thực phẩm đông lạnh, trái cây…

Tính chung tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập qua 2 cửa khẩu đường sắt ga Đồng Đăng, ga Lào Cai, ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năm 2019 đạt 828 nghìn tấn, bằng 116% so với cùng kỳ.

Riêng 7 tháng đầu năm 2020, mặc dù nhu cầu vận tải trong nước giảm nhưng hàng xuất nhập qua 2 cửa khẩu đường sắt vẫn đạt hơn 472 nghìn tấn, bằng khoảng 110% so với cùng kỳ.

Chia sẻ về tiềm năng phát triển vận chuyển hàng liên vận quốc tế, ông Thanh cho biết: “Với phương thức vận tải container tiên tiến, thời gian đi bằng đường sắt chỉ từ 18-20 ngày, nhưng đi bằng đường biển sẽ mất khoảng 40-45 ngày.

Đây là lợi thế cạnh tranh lớn của vận tải đường sắt, nhất là với các mặt hàng cần điều kiện bảo quản tốt, thời gian đưa hàng nhanh”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho biết, DN đường sắt Việt Nam đã liên kết, hợp tác với các DN vận tải, giao nhận hàng hóa ở các nước để cung cấp cho khách hàng dịch vụ logistics trọn gói, bao gồm cả vận chuyển hai đầu, khai báo hải quan, chuyển tải qua các ga biên giới, giám sát vận chuyển, nhận - giao hàng đến tận kho… rất thuận tiện cho khách hàng.

Mặt khác, đường sắt Việt Nam còn nhận vận chuyển đa phương thức: đường sắt - đường sắt, đường sắt - đường bộ, đường sắt - đường biển.

Đánh giá về dịch vụ vận tải đường sắt liên vận quốc tế của Đường sắt VN, ông Kim Dea Sun, Giám đốc Công ty TNHH MTL Việt Nam cho biết, từ năm 2018, công ty sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt sang Ba Lan vì giá thành rẻ hơn so với đường hàng không và rút ngắn thời gian vận chuyển so với đường biển.

“Qua 3 năm sử dụng dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt của ngành Đường sắt VN, chúng tôi thấy chất lượng dịch vụ rất tốt. Bên đường sắt đưa ra các cam kết như thời gian vận chuyển… và tuân thủ đúng các cam kết này, hỗ trợ rất tốt cho chúng tôi trong kinh doanh, nhất là đưa ra các ưu thế cạnh tranh đối với khách hàng”, ông Kim Dea Sun nói.

Đường sắt trao hỗ trợ “Cặp lá yêu thương”, nâng bước đến trường

img
Ông Vũ Anh Minh trao hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong chương trình “Cặp lá yêu thương” đến các trường hợp “lá chưa lành” tại khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh

Để nối rộng vòng tay nhân ái của các tổ chức, cá nhân đối với con CNLĐ đường sắt có hoàn cảnh khó khăn và động viên, chia sẻ, giúp các em có thêm điều kiện, động lực đến trường, thực hiện ước mơ học tập, TCT Đường sắt VN đã phát động chương trình “Cặp lá yêu thương”.

Chương trình là cầu nối giữa các nhà hảo tâm (được gọi là “lá lành”) với các hoàn cảnh khó khăn (được gọi là “lá chưa lành”) tạo thành các cặp đôi vượt khó. Mỗi “lá lành” có thể đăng ký hỗ trợ tối thiểu 1 “lá chưa lành” trong khoảng thời gian nhất định hoặc cho đến khi “lá chưa lành” học xong lớp 12 với số tiền tối thiểu là 200.000 đồng/tháng và có thể chỉ định trực tiếp các trường hợp đăng ký hỗ trợ. Ngoài ra, các nhà hảo tâm có thể ủng hộ vào quỹ chung của chương trình để Quỹ điều phối, hỗ trợ cho các trường hợp “lá chưa lành”.

Chỉ trong vòng 2 tháng từ khi phát động cuối tháng 6/2020, đến nay đã có 35 “lá chưa lành” là con em của các CBCNV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc bị dị tật bẩm sinh, còn đang đi học (từ lớp 1 đến lớp 12) được các nhà hảo tâm là cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan trong và ngoài ngành đăng ký ghép cặp hỗ trợ. Ngoài ra, còn có các nhà hảo tâm ủng hộ gần 150 triệu đồng vào Quỹ chung và hơn 20 nhà hảo tâm đăng ký ghép cặp hỗ trợ đợt tiếp theo.

Ngày 3/9 vừa qua, TCT Đường sắt VN đã tổ chức lễ trao “Cặp lá yêu thương” hỗ trợ 5 cháu ở Nghệ An và Hà Tĩnh, trước khi năm học mới bắt đầu. Chia sẻ về chương trình, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cho biết, ban lãnh đạo đường sắt đã nảy ra ý tưởng tổ chức chương trình “Cặp lá yêu thương” với cách làm tương tự như chương trình trên VTV1, để giúp đỡ các cháu, các em đang ở độ tuổi đến trường.

“Đây không phải là chương trình hỗ trợ để nuôi dưỡng các cháu, mà chỉ là hỗ trợ một phần cùng với gia đình để các cháu có điều kiện cắp sách tới trường, trang bị thêm hành trang, trước khi bước vào tương lai. Sau 34 trường hợp đợt 1, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng ra toàn ngành và không hạn chế về số lượng các trường hợp được giúp đỡ”, ông Minh nói.

Văn Thanh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.