Đường sắt

Đường sắt được gì khi hợp tác với nhiều “ông lớn”?

07/08/2017, 14:14

Với chính sách bắt tay các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn, đường sắt muốn tận dụng thế mạnh của đối tác...

15

Đường sắt vận chuyển xăng dầu với khối lượng lớn cho Petrolimex

Đường sắt hút hàng loạt tập đoàn lớn

Cuối tháng 7 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt VN ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tập đoàn Xăng dầu VN Petrolimex với nhiều nội dung hợp tác cụ thể. Trong đó, đường sắt ưu tiên sử dụng xăng dầu của Petrolimex, đổi lại, Petrolimex ưu tiên sử dụng dịch vụ vận tải đường sắt. Ngoài ra, hai đơn vị còn hợp tác nghiên cứu phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu, đầu tư xây dựng, kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu khác tại các vị trí thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc quỹ đất khác do đường sắt quản lý. Một điểm mới rất đáng chú ý là Tổng công ty Đường sắt VN sẽ nghiên cứu mô hình bán vé qua hệ thống cửa hàng xăng dầu và phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Nói về sự hợp tác này, Chủ tịch HĐQT Petrolimex Bùi Ngọc Bảo cho biết, hàng năm, đường sắt vận chuyển bình quân khoảng 180.000 tấn xăng dầu cho các đơn vị của Petrolimex. Ngược lại, Petrolimex là đối tác chính cung cấp dầu diesel cho các đơn vị của ngành Đường sắt. “Tuy nhiên, để đẩy mạnh hợp tác toàn diện, hai bên sẽ nghiên cứu nhiều nội dung hợp tác cụ thể”, ông Bảo nói.

"Hợp tác với các tập đoàn lớn là chủ trường rất đúng của đường sắt. Các hiệp hội, đơn vị du lịch thời gian qua cũng góp ý nhiều cho đường sắt để cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thêm khách du lịch đi tàu”.

Ông Lê Quốc Trung
Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn

Bắt tay với Petrolimex chỉ là một trong nhiều hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế lớn mà ngành Đường sắt triển khai gần đây. Trong đó có thể kể đến việc hợp tác với Tập đoàn FPT trong xây dựng, vận hành hệ thống bán vé điện tử; Tổng công ty Bưu điện VN để vận chuyển hàng bưu chính; Tập đoàn Indo - Trần để đầu tư, khai thác bãi hàng ga Yên Viên; Sungroup đầu tư, khai thác cao ốc thương mại…

Ngoài ra, trong lĩnh vực vận tải hành khách, đường sắt còn ký kết hợp tác với các hiệp hội du lịch, sở du lịch các tỉnh và các doanh nghiệp, đơn vị du lịch, lữ hành lớn để kích cầu du lịch bằng tàu hỏa. Gần đây, tháng 4/2017, Tổng công ty Đường sắt VN ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, một “ông lớn” trong khai thác, vận chuyển hàng container và dịch vụ logistics tại các cảng biển. Chưa kể, nhiều năm nay, ngành Đường sắt ký hợp tác lâu dài với Tập đoàn Hóa chất VN, chuyên chở apatit, các sản phẩm đầu vào, đầu ra với sản lượng hàng năm khoảng 1,5-1,7 triệu tấn/năm.

Bắt đầu hưởng lợi

Chia sẻ với Báo Giao thông về chủ trương đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn lớn, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, mỗi lĩnh vực đều có nguồn lực riêng, khi có sự hợp tác toàn diện ở nhiều lĩnh vực sẽ giúp đường sắt cộng hưởng được nhiều nguồn lực.

Ông Minh dẫn ví dụ, hợp tác với Petrolimex, ngoài đẩy mạnh vận chuyển xăng dầu bằng đường sắt, nếu mở rộng điểm bán vé ngoài ga sẽ không phải đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực rất tốn kém. “Đường sắt hoàn toàn có thể tận dụng các điểm bán lẻ xăng dầu với nhân lực sẵn có để thực hiện việc bán vé này”, ông Minh nói.

Hay như hợp tác với Tân Cảng, là đơn vị chiếm 50% thị phần vận chuyển container cả nước, đường sắt sẽ có được nguồn hàng rất lớn và tận dụng hệ thống cảng cạn ICD tại các ga hàng hóa lớn cũng như hệ thống kết nối, đầu tư phương tiện, thiết bị. “Hợp tác này sẽ tạo ra chuỗi dịch vụ logistics đường sắt, hạ được giá thành, thu hút hàng hóa lên tàu và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua giảm chi phí logistics”, ông Minh lý giải và cho rằng, bắt tay với các “ông lớn” còn giúp ngành Đường sắt tăng được chất lượng dịch vụ, giảm giá thành.

Trong lĩnh vực du lịch, ông Lê Quốc Trung, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, nếu lượng khách đi tàu theo chương trình hợp tác với Hiệp hội Du lịch TP.HCM năm 2016 mới đạt 11.000 khách, thì 6 tháng đầu năm 2017, con số này đã lên tới 26.000 khách. Tính chung với các hiệp hội du lịch các tỉnh, đơn vị du lịch lớn, lượng hành khách 6 tháng lên tới con số 33.000.

Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội Đỗ Văn Hoan cũng cho biết, đơn vị đã ký hợp tác với Công ty TNHH MTV ICD Tân Cảng - Sóng Thần (đơn vị trực thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) để đầu tư, khai thác bãi hàng ga Yên Viên. Trong đó, đường sắt cho thuê kho bãi ở ga Yên Viên, tổ chức vận chuyển hàng hóa cho Tân Cảng - Sóng Thần và đặc biệt hợp tác đầu tư phương tiện vận chuyển container lạnh Sài Gòn - Yên Viên.

Công ty Tân Cảng - Sóng Thần cho biết, nguồn hàng, nhu cầu vận chuyển container lạnh khá lớn, nhưng trước mắt tổ chức chạy hàng ngày một đôi tàu với 19 container/đoàn. Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng khác vận chuyển bằng container thường. “Sự hợp tác này rất cụ thể, mở ra nhiều cơ hội cho Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, nhất là sẽ có được nguồn hàng, tăng sản lượng vận tải”, ông Hoan nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.