Đường sắt

Đường sắt khi nào hết lỗ?

07/12/2022, 10:27

Kết quả kinh doanh tích cực hơn mong đợi tạo động lực để Tổng công ty Đường sắt VN sớm cắt lỗ, tiến tới có lãi sau nhiều năm âm lợi nhuận.

Giá vé cạnh tranh, hút khách đi tàu

Cuối tuần qua, sau khi các con kết thúc đợt kiểm tra giữa học kỳ I, chị Hoa (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) đưa cả nhà đi trải nghiệm food tour Hải Phòng bằng tàu hỏa.

“Giá vé phải chăng, chỉ 125.000 đồng/vé, trong khi đi bằng ô tô đường cao tốc cũng tương đương, lại phải di chuyển đến bến xe xa trung tâm. Còn đi tàu thì cả ga Hà Nội, ga Hải Phòng đều ngay trung tâm thành phố”, chị Hoa nói và chia sẻ thêm: Các con chị lần đầu đi tàu rất hứng thú vì rộng rãi, thoải mái. Trên tàu phục vụ đủ các đặc sản của nhiều địa phương...

img

Vận tải hành khách đường sắt thu hút vì nhiều chương trình du lịch hấp dẫn, nhiều chính sách giảm giá kích cầu

Không riêng tàu Hà Nội - Hải Phòng, theo tìm hiểu của PV, các tuyến ngắn khác, giá vé tàu hỏa khá cạnh tranh, tương đương giá vé ô tô chất lượng cao. Như tàu Hà Nội - Lào Cai, giá vé giường nằm tiện nghi nhất cũng chỉ từ 345.000 - 365.000 đồng/vé.

Trong khi đó, nếu đi ô tô giường nằm khách cũng phải trả tới 300.000 đồng/vé, đi xe limousine giá vé lên đến 450.000 đồng.

Tuyến phía Nam, tàu Hà Nội - Vinh giá vé cuối tuần 420.000 đồng/vé giường nằm; Ghế ngồi chỉ 303.000 đồng/vé. Trong khi đó, nếu đi ôtô, hành khách cũng phải trả tới 380.000 - 400.000 đồng/vé.

Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, tuyến Hà Nội - Quảng Bình đắt khách trong dịp hè giá vé tàu cũng chỉ 700.000 - 800.000 đồng/vé giường nằm. Trong khi giá vé máy bay hơn 1.000.000 đồng/vé.

“Ở chặng dài như Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM, đường sắt không cạnh tranh được. Chính vì thế, đường sắt chỉ tập trung khai thác các tàu ngắn, hướng đến các điểm du lịch”, vị này cho hay.

Cũng theo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, cùng với giá vé cạnh tranh, đường sắt đã đưa ra nhiều chương trình giảm giá, kích cầu. Cùng đó cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ trên tàu, chất lượng suất ăn, các trang thiết bị phục vụ hành khách...

Chính vì vậy, khi mở cửa trở lại sau dịch Covid-19, bắt đầu từ kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài suốt dịp hè, vận tải hành khách phục hồi mạnh mẽ. Dự kiến cả năm 2022, công ty đạt doanh thu tàu khách khoảng 760 tỷ đồng, bằng 190% so với kế hoạch. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 54% so với năm 2019, thời điểm chưa có dịch.

Tàu hàng trụ vững trước bão giá nhiên liệu

img

Vận tải hàng hóa đường sắt năm 2022 tiếp tục tăng trưởng do giá cước cạnh tranh dù giá nhiên liệu tăng cao

Tương tự vận tải khách, vận tải hàng hoá đường sắt cũng có những kết quả đáng khích lệ. Đại diện Công ty Ratraco, một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ logistics, vận chuyển đa phương thức cho biết, giá cước đường sắt hiện khá cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn đường bộ ở các cung chặng xa.

Như tuyến cạnh tranh khốc liệt nhất là tuyến Bắc - Nam, khi giá nhiên liệu biến động tăng - giảm liên tục, vận tải đường bộ gần như không đáp ứng được. Với đường sắt, có giai đoạn cước thấp hơn so với đường bộ đến 25%.

Nếu tách riêng chỉ tính giá vận chuyển trên đường sắt cung chặng từ 350 - 400km, cùng một khối lượng, giá đường sắt vẫn thấp hơn so với đường bộ khoảng 15%.

Vì vậy thời gian qua, tuy ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng cao, nguồn hàng liên vận quốc tế đi châu Âu, Trung Quốc giảm mạnh nhưng tính chung 10 tháng, Ratraco vẫn duy trì sản lượng vận tải tăng trưởng khoảng 12%, doanh thu tăng trưởng khoảng 15%.

Tương tự, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sản lượng tấn xếp 11 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 3,4 triệu tấn, bằng 107% năm 2019; Doanh thu bằng 121% năm 2021 và bằng 148% năm 2019.

Đặt mục tiêu từ năm 2023 không còn lỗ

Theo ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, vận tải đường sắt đạt hiệu quả cao do đổi mới tư duy, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, chạy tàu bám thị trường hơn.

Nếu như trước kia mỗi ngày đều chạy cố định 5 đôi tàu Thống Nhất, tàu khu đoạn Sài Gòn - Nha Trang, tàu Sài Gòn - Phan Thiết, nhưng giờ chỉ chạy từ 3-4 đôi tàu Thống Nhất tùy thời điểm, tàu khu đoạn cũng chỉ chạy vào cuối tuần khi khách đông.

“Toa xe khách trong đoàn tàu cũng vậy, khi nào kín chỗ mới nối thêm toa. Bán vé thì mở bán cuốn chiếu lần lượt theo toa xe, hết vé toa này mới bán toa khác, nếu không kín chỗ thì cắt bớt toa xe... Với cách thức này tiết kiệm tối đa chi phí, về nhân công”, ông Truyền nói và cho biết, nhờ vậy, đầu năm công ty dự kiến lỗ khoảng 77 tỷ, đến nay con số này chỉ còn dưới 20 tỷ.

Tương tự, ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay mức lỗ 101 tỷ dự kiến đầu năm giờ cũng chỉ còn khoảng 20 tỷ.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, năm 2022, theo kế hoạch giao, Công ty mẹ lợi nhuận âm 550 tỷ nhưng đến nay dự kiến chỉ âm 350 tỷ, giảm lỗ 200 tỷ, tương đương giảm khoảng 35%.

Kết quả này là do đường sắt đã kiên trì các giải pháp chuyển dần trọng tâm sang vận tải hàng hóa để bù đắp cho vận tải hành khách. Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2022, tỷ trọng vận tải hàng đã chiếm đến 55%, vận tải hành khách 45%, trong khi trước kia vận tải hàng chỉ chiếm khoảng 35%.

Sản lượng vận tải hàng hóa tăng trưởng hơn 26%, doanh thu tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ 2019 là thời điểm chưa có dịch. Hiện Tổng công ty đang xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, đặt mục tiêu từ năm 2023 không còn lỗ, thu đủ bù chi, phấn đấu có lãi.

Giảm lỗ, tiến tới có lãi cách nào?

Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, sẽ tiếp tục các giải pháp đã phát huy hiệu quả trong năm nay như: Tổ chức chạy tàu bám sát nhu cầu thị trường; Tiếp tục phối hợp với các đơn vị du lịch đưa ra các sản phẩm kết hợp vận chuyển đường sắt - du lịch hấp dẫn; điều chỉnh giá vé, giá cước, chính sách khuyến mại linh hoạt...

Cùng đó tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tiết giảm chi phí, từng bước thu gọn đầu mối trong các đơn vị, bộ phận thuộc thẩm quyền. Trong đó, sẽ sáp nhập 5 chi nhánh đầu máy, từ tháng 1/2023 sẽ chỉ còn 3 chi nhánh; Sáp nhập các ban quản lý dự án khu vực; sáp nhập hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản trị, điều hành...

Tăng cường kiểm soát, ngăn vi phạm

Trả lời câu hỏi liệu có tình trạng sụt giảm doanh thu do hiện tượng bao khách, bao hàng, đại diện Tổng công ty Đường sắt VN thừa nhận: “Vẫn còn, mặc dù đường sắt đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát, kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Tới đây, tổng công ty sẽ tăng cường các giải pháp về công nghệ, ví dụ có thể lắp camera “đếm” lượt khách lên toa xe để đối chiếu với số vé trên hệ thống... để ngăn ngừa vi phạm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.