Quản lý

Đường sắt khốn khổ vì Hà Nội tính giá thuê đất vô lý

20/09/2020, 06:07

Đường sắt đang nợ hàng trăm tỷ tiền thuê đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm vì cách tính giá thuê bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

img
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có nhà xưởng và đất trống lắp thiết bị để sửa chữa đầu máy, toa xe

“Bỏ chung một giỏ”, giá thuê bất hợp lý

Trao đổi với PV Báo Giao thông về khu đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (số 551 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP Hà Nội), ông Tạ Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xe lửa Gia Lâm cho biết, toàn bộ khu đất rộng hơn 200 nghìn m2.

Trước đây, khu đất được thiết kế là hệ thống hoàn chỉnh phục vụ cho sản xuất công nghiệp, chế tạo, sửa chữa đầu máy toa xe, gồm hệ thống đường sắt (kết cấu hạ tầng đường sắt) nối với đường sắt quốc gia tại vị trí ga Gia Lâm và hệ thống kho, xưởng, công trình bổ trợ, khu xử lý nước thải thuộc dây chuyền công nghệ đóng mới, sửa chữa đầu máy, toa xe (là công trình công nghiệp đường sắt). Mặt bằng rộng là vậy nhưng diện tích trống lại lớn vì phải dành làm các đường sắt kéo đoàn tàu.

Theo ông Thắng, toàn bộ diện tích này TP Hà Nội cho đường sắt thuê và hiện có 3 DN chia sẻ tiền thuê là Tổng công ty (TCT) Đường sắt VN, Công ty CP Xe lửa Gia Lâm và Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội.

Năm 1999, Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội tính tổng diện tích đất sử dụng tại khu đất 551 là gần 200 nghìn m2; trong đó diện tích tính tiền thuê hơn 122 nghìn m2 với đơn giá 4.550 đồng/m2/năm, thời hạn 10 năm (1996 - 2006).

Diện tích còn lại 76.991 m2 (gồm diện tích hồ điều hòa chung của khu vực thị trấn Gia Lâm cũ 20.721m2 và diện tích hệ thống đường sắt và phạm vi bảo đảm an toàn nền đường sắt trong khuôn viên nhà máy là 56.270 m2) không phải nộp tiền thuê đất.

Tuy nhiên, đến năm 2002, khi Sở Địa chính - Nhà đất thông báo chấm dứt trước thời hạn hiệu lực hợp đồng thuê đất này, Công ty CP Xe lửa Gia Lâm đã làm việc với Chi cục Thuế Long Biên và hàng năm vẫn đóng tiền thuê theo cách tính trong hợp đồng với Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội.

Năm 2013, Hà Nội có quyết định cho TCT Đường sắt VN (đơn vị đứng tên thuê) thuê hơn 200 nghìn m2 tại khu đất 551, nhưng Sở Tài chính thành phố lại phê duyệt đơn giá 368.276 đồng/m2/năm (đơn giá thuê đất kinh doanh) cho toàn bộ diện tích khu đất mà không phân khai theo mục đích sử dụng của từng diện tích đất: Đất hạ tầng đường sắt, đất công nghiệp đường sắt, đất làm trụ sở, văn phòng, đất kinh doanh...

“Cách tính này khiến DN phải gánh tiền thuê đất hàng năm quá lớn, trong khi công ty gặp nhiều khó khăn về việc làm. Chỉ tính riêng số tiền thuê đất phải nộp đối với diện tích đất được TCT giao sử dụng từ năm 2016 đến hết năm 2018 đã hơn 40 tỷ đồng.

Còn nếu tính từ năm 2013 - 2015 khi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sử dụng toàn bộ khu đất, tiền thuê ước tính khoảng hơn 159 tỷ đồng. Đây là gánh nặng tài chính quá lớn, trong khi vốn điều lệ công ty chỉ 36 tỷ đồng”, ông Thắng nói.

Cùng hoàn cảnh, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, với phần diện tích đất được TCT giao quản lý từ năm 2016 để phục vụ cho việc sửa chữa, sản xuất thiết bị toa xe, đến nay công ty phải nộp hơn 40 tỷ đồng tiền thuê đất, hiện còn nợ hơn 9 tỷ - con số không nhỏ với một DN vận tải gặp nhiều khó khăn do vận tải đường sắt ngày càng giảm sút, yếu thế trong cạnh tranh với các phương thức khác và mới đây là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự báo lỗ năm 2020 lên đến cả trăm tỷ.

Cách nào gỡ khó cho doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch - Kinh doanh, TCT Đường sắt VN cho biết, theo thông báo của Chi cục Thuế Long Biên hồi tháng 6/2020, tổng số tiền thuê đất phải nộp từ tháng 11/2013 đến hết năm 2019 đối với toàn bộ khu đất 551 là hơn 381 tỷ đồng (đã nộp hơn 129 tỷ đồng). Cùng với số tiền phạt chậm nộp hơn 88 tỷ đồng, hiện TCT đang nợ hơn 340 tỷ đồng.

Để thu hồi số tiền này, hiện Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa mã số thuế của TCT Đường sắt VN nên hoạt động sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. TCT không thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho các dịch vụ cung cấp cho các khách hàng.

“Không phải TCT cố tình dây dưa mà do quyết định giao đất không phù hợp với thực tế sử dụng nên đơn vị đã có nhiều văn bản báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xác nhận diện tích khu đất 551 là đất kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư và là đất công nghiệp đường sắt, không phải đất kinh doanh thương mại, nên không thể áp dụng đơn giá đất kinh doanh.

Đến nay, phải vẫn chờ cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nên chưa thể nộp tiền thuê theo cách tính của Hà Nội”, ông Nam cho biết.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Huy Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, để tháo gỡ cho DN, tháng 2/2020, Cục đã chủ trì cùng TCT Đường sắt VN, Công ty CP Xe lửa Gia Lâm, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội kiểm tra, lập biên bản xác nhận hiện trạng việc quản lý, sử dụng đất tại khu đất 551.

Trong đó, xác nhận bao nhiêu diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt, bao gồm đất đặt đường ray, phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn đường sắt; bao nhiêu tòa nhà, diện tích và hiện đang sử dụng vào việc gì...

“Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, đây chỉ là phản ánh nguyên trạng làm cơ sở cho các bước tiếp theo, không phải là căn cứ để miễn thuế”, ông Hiền nói và nhấn mạnh.

Ông Hiền cũng cho biết, tháng 8 vừa qua, Bộ GTVT đã họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như những ảnh hưởng do dịch Covid-19 của TCT Đường sắt VN.

Trong đó, Bộ yêu cầu TCT rà soát, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN việc sắp xếp cơ sở nhà đất đường sắt, trong đó có phân định loại đất tại khu đất 551, theo quy định tại Nghị định 167/2017 về sắp xếp, xử lý tài sản công, từ đó báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính phương án tháo gỡ.

Về lâu dài, Bộ đã giao Cục Đường sắt VN xây dựng quy hoạch chi tiết hạ tầng giao thông đường sắt, xem xét đến quy hoạch hạ tầng để phát triển công nghiệp đường sắt, trong đó có khu đất 551.

Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để sau này có được những ưu tiên, ưu đãi phát triển lĩnh vực công nghiệp đường sắt theo quy định pháp luật, trong đó có cả chính sách thuê đất, thuế đất.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN đối với số nợ hơn 300 tỷ đồng hiện nay, ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch - Kinh doanh, TCT Đường sắt VN cho hay, TCT Đường sắt VN kiến nghị, trong thời gian chờ xác nhận hiện trạng diện tích đất, các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoãn thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích từ tài khoản của TCT.

Đồng thời, đề nghị Chi cục Thuế quận Long Biên, Cục Thuế TP Hà Nội xem xét để phân loại nợ tiền thuê đất vào nhóm “tiền thuế đang xử lý” đối với diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt, công nghiệp đường sắt...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.