Đường sắt

Đường sắt không muốn di dời Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

06/07/2022, 06:14

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch, trong đó có cơ sở nhà đất Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Tuy nhiên, ngành Đường sắt cho biết sẽ có văn bản kiến nghị xem xét thấu đáo về tính pháp lý.

img

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có nhà xưởng và đất trống lắp thiết bị để sửa chữa đầu máy, toa xe

Cơ sở công nghiệp đường sắt lớn nhất miền Bắc

Đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (nay là Công ty CP Xe lửa Gia Lâm) rộng hơn 203.000m2, gồm hệ thống cơ sở hạ tầng đã được Ba Lan hỗ trợ đầu tư đồng bộ từ khoảng năm 1980, được thiết kế theo đặc thù của đường sắt để đáp ứng công suất tối đa là đóng mới gần 1.200 toa xe, sửa chữa hơn 120 đầu máy và 600 toa xe/năm.

Nhà máy được xây dựng ở vị trí mà Pháp đã đặt nền móng từ những ngày xây dựng đường sắt đầu tiên, rất phù hợp với mạng lưới đường sắt Việt Nam.

Tổng công ty Đường sắt VN sẽ gửi văn bản đến UBND, HĐND TP Hà Nội, kiến nghị xem xét thấu đáo về tính pháp lý và thực tiễn quản lý, sử dụng đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, 551 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên; Không thực hiện di dời để phù hợp với “Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đặng Sỹ Mạnh


“Gia Lâm là đầu mối phía Bắc sông Hồng của các tuyến đường sắt từ Hà Nội đi Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hạ Long và từ Gia Lâm vào trung tâm thành phố, đi tuyến phía Nam”, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN nói và cho biết thêm, với hệ thống đường sắt khổ 1.435mm trong nhà máy, từ nhà máy, đầu máy, toa xe có thể chạy ra ga Gia Lâm, theo tuyến Hà Nội - Đồng Đăng sang Bắc Kinh, châu Âu và ngược lại.

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông Nguyễn Ân đánh giá, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc duy trì hoạt động của GTVT đường sắt quốc gia hiện nay cũng như sau này.

“Để xây dựng được cơ ngơi như nhà máy hiện nay không đơn giản, cần quỹ đất, nguồn vốn rất lớn, cả vấn đề đầu tư công nghệ.

Trong khi nhà máy hiện nay với hệ thống nhà xưởng, thiết bị đồng bộ, nhìn chung vẫn đáp ứng được nhu cầu sửa chữa, lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe”, ông Ân nói và cho rằng, với mặt bằng hiện tại cùng hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị sẵn có, hoàn toàn có thể nâng cấp để đáp ứng nhu cầu sửa chữa phương tiện đường sắt cả hiện tại và trong tương lai.

Ông Ân cũng cho rằng, vị trí hiện nay của nhà máy hết sức thuận tiện cho việc điều phối phương tiện đi và đến, vì kết nối được nhiều tuyến với hai khổ đường như: Khổ đường lồng 1.435mm và 1.000mm tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, tuyến khổ 1.000mm Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng và cả tuyến phía Nam thông qua tuyến vành đai phía Tây hoặc qua ga Gia Lâm - Long Biên - Hà Nội.

Ngoài ra, nếu sau này làm đường sắt kết nối cảng Lạch Huyện thì càng cần có cơ sở công nghiệp cơ khí như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để sửa chữa, đóng mới các toa xe, nhất là toa xe chở container và container.

Đường sắt muốn giữ lại

img

Sửa chữa, đóng mới toa xe tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, chủ trương di dời Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã nhiều lần được Hà Nội đề cập.

Tuy nhiên, trong các văn bản pháp lý về quy hoạch đường sắt đều khẳng định duy trì và phát triển cơ sở công nghiệp đường sắt này.

Gần đây nhất, trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt tại Quyết định 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đã định hướng giữ Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và Nhà máy Xe lửa Dĩ An (Dĩ An, Bình Dương) là cơ sở công nghiệp đường sắt.

“Nhiều năm qua, công nghiệp đường sắt không được đầu tư tương xứng, không chỉ từ nguồn vốn Nhà nước mà các nhà đầu tư ngoài ngành cũng không tham gia đầu tư.

Do đó, buộc phải giữ lại hai cơ sở công nghiệp lớn này để phục vụ cho hoạt động GTVT đường sắt”, đại diện Cục Đường sắt VN cho hay.

Phía doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đặng Sỹ Mạnh cho biết, định hướng phát triển các cơ sở công nghiệp đường sắt nêu rõ, đối với Công ty CP Xe lửa Gia Lâm, sẽ nghiên cứu phương án kết nối phù hợp với đường sắt quốc gia.

Với ưu thế về cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang thiết bị và trình độ cán bộ, công nhân viên Công ty CP Xe lửa Gia Lâm thực hiện đóng mới các loại toa xe khách, toa xe hàng, chế tạo các sản phẩm cấu kiện, lắp ráp các loại đầu máy Diesel, tiến tới sẽ lắp ráp các loại đầu máy điện... với mục tiêu sản xuất phụ tùng thay thế đạt tỉ lệ nội địa hóa từ 60 - 80%.

Mặt khác, theo ông Mạnh, do tại nhà máy có tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư và một phần tài sản là công trình công nghiệp đường sắt nên theo các quy định pháp luật hiện hành, việc xử lý, di dời tài sản này thuộc thẩm quyền của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

“Nhà máy có ưu thế về cơ sở vật chất, dây chuyền công nghệ đồng bộ do Chính phủ Ba Lan viện trợ để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, chế tạo, sửa chữa, đầu máy toa xe phục vụ cho ngành đường sắt.

Vì thế, việc đảm bảo quỹ đất ổn định, có định hướng phát triển tại cơ sở nhà, đất này là việc làm cấp thiết, mang tầm chiến lược của ngành công nghiệp đường sắt nói riêng và quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia nói chung”, ông Mạnh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.