Thế giới giao thông

Đường sắt lạc hậu kéo tụt kinh tế Ấn Độ

07/05/2014, 19:18

Cơ sở hạ tầng xuống cấp, lạc hậu không chỉ là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn thảm khốc của đường sắt Ấn Độ mà còn kéo tụt sự phát triển kinh tế của quốc gia này.

Sự lạc hậu của đường sắt Ấn Độ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng
Sự lạc hậu của đường sắt Ấn Độ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng


Tai nạn như cơm bữa


Ngày 4/5 vừa rồi, hơn 20 người thiệt mạng, 132 người khác bị thương khi chuyến tàu đang trên hành trình từ Diva đến Sawantwadi bị trật bánh ở TP Mumbai. Đây chỉ là vụ tai nạn mới nhất trong hàng trăm vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên hệ thống đường sắt có tuổi đời hơn 150 năm này. Theo ông J.P. Batra, cựu chủ tịch Ủy ban Đường sắt Ấn Độ, hiện mỗi năm ngành Đường sắt nước này xảy ra từ 150 - 160 vụ tai nạn khiến gần 20.000 người thiệt mạng. Không hiếm những vụ tai nạn đường sắt có số người tử vong lên đến trên trăm người. Chỉ riêng ở Mumbai, mỗi ngày phát hiện trên 10 thi thể trên các tuyến đường sắt.
 

Tháng trước, Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Pawan Kumar Bansal cam kết chi 11,7 tỷ USD để nâng cấp đường sắt. Bên cạnh đó, Ấn Độ đã có kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt mới có chiều dài khoảng 2.700km chỉ chuyên vận chuyển hàng hóa: Tuyến Mumbai - Delhi ở phía Tây và tuyến Punjab - Calcutta ở phía Đông. Hệ thống mới này dự kiến sẽ tốn khoản kinh phí hơn 9 tỷ USD. Dự án dự kiến hoàn tất vào năm 2017.

Không chỉ là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thảm khốc, hệ thống hạ tầng đường sắt chính là điểm yếu của nền kinh tế nước này. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10%/năm nếu không cải tổ đường sắt thì khó mà đạt được. S.K Sahai - một doanh nhân sở hữu Công ty SKS Logistics than phiền: Chỉ mất 4 ngày để đưa container hàng từ Singapore đến Mumbai - quãng đường 2.400 hải lý (4.500km) trong khi phải mất 15 ngày cho chặng đường khoảng 870 dặm (1.400km) từ Mumbai đến New Delhi. Theo S.K Sahai, do phải chờ đợi quá lâu, phí lưu kho đã khiến chi phí vận chuyển từ Mumbai đến New Delhi lên tới 840 USD/container, gấp 3 lần từ Singapore sang Ấn Độ. 

“Mạng lưới đường sắt của chúng tôi ngoài việc quá tải, còn quá cũ nát. Nó không chỉ cướp đi mạng sống của hàng nghìn người mỗi năm mà còn kìm hãm nền kinh tế”, Sahai nói với phóng viên NYT.

Quá tải và thua lỗ


Theo ông J.P. Batra, cựu chủ tịch Ủy ban Đường sắt Ấn Độ, Đường sắt Ấn Độ với chiều dài 40.000 dặm (64.000km) là xương sống của nền kinh tế. Mỗi năm, vận chuyển trên 7 tỷ hành khách, gần 900 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, hệ thống này đang quá tải, nhất là các tuyến nối giữa các thành phố lớn, điển hình như tuyến Mumbai - Delhi luôn trong tình trạng vượt 120% công suất. Điều đó đồng nghĩa, các đoàn tàu phải đi chậm hơn và mức độ tàn phá hạ tầng cũng ngày một kinh khủng hơn.


Cũng theo ông J.P. Batra, mặc dù đường sắt lỗ thua lỗ 246 tỷ rupee/năm (trên 4 tỷ USD) nhưng Chính phủ vẫn không tăng giá vé hành khách, thậm chí còn hạ để kìm chế lạm phát. Và để bù vào đó giới chức đã áp mức phí vận chuyển hàng hoá ở mức cao nhất thế giới - khoảng trên 400 USD/tấn hàng hoá cho mỗi km, gấp 4 lần tại Mỹ, gấp 2 lần Trung Quốc. Cũng trong tháng trước, ngành Đường sắt thông báo sẽ tăng 5% phí vận chuyển hàng hoá. 


Tổng giám đốc Công ty thép Tata Steel - Hermant M. Nerurkar phàn nàn rằng chẳng riêng gì Tata Steel, bất cứ doanh nghiệp nào cũng đang coi đường sắt là tác nhân gây đội giá thành sản phẩm, hàng hoá và chi phí phí vận chuyển.

Thanh Huyền
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.