Đường sắt

Đường sắt lý giải nguyên nhân tàu đang qua đường ngang, cần chắn mới hạ

24/03/2021, 16:21
image

Tàu đang qua đường ngang, cần chắn mới hạ do hoạt động hệ thống cảnh báo tự động bị ảnh hưởng từ thi công đường sắt gói 7.000 tỷ.

img

Tàu đang qua đường ngang, cần chắn mới hạ do hoạt động hệ thống cảnh báo tự động bị ảnh hưởng do thi công đường sắt gói 7.000 tỷ. Ảnh: cắt từ clip

Có phải do trục trặc thiết bị?

Vừa qua, trên một trang mạng xã hội facebook về đường sắt chia sẻ clip ghi lại hình ảnh tàu đang chạy qua đường ngang thì cần chắn mới hạ, nguy cơ mất an toàn cao.

Hình ảnh trong clip cho thấy, tại một đường ngang cảnh báo tự động có lắp cần chắn tự động, đèn vàng phía đường bộ đang nhấp nháy. Đến khoảng giây thứ 6-7, xuất hiện một đoàn tàu chạy chậm vào đường ngang và khi tàu đang qua đường ngang, đến khoảng giây thứ 9, đèn vàng chuyển sang đèn đỏ, đến giây thứ 14-15 cần chắn bắt đầu từ từ hạ xuống.

Rất may khi đó 2 bên phía đường bộ thông thoáng, không thấy có phương tiện hay người qua lại hay chờ tàu tại khu vực đường ngang. Nhưng nguy cơ tai nạn, mất an toàn cao, nhất là khi nhiều người tham gia giao thông không chú ý quan sát tín hiệu cảnh báo, cố tình vượt ẩu qua đường sắt hiện nay.

Xác nhận với Báo Giao thông về hình ảnh trong clip này, ông Trần Thiện Cảnh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN) cho biết, vụ việc xảy ra vào ngày 13/3/2021 tại đường ngang cảnh báo tự động Km1202+970 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (địa bàn huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), có móc nối tín hiệu với ga Đông Tác.

Theo dữ liệu của hệ thống thiết bị giám sát từ xa và hình ảnh của camera giám sát lắp đặt tại đường ngang ghi lại, diễn biến vụ việc cụ thể như sau: Vào lúc 19 giờ 52 phút 43 giây, tàu SE3 bắt đầu đi vào phạm vi phòng vệ đường ngang (qua cảm biến số 1, 2) và thông qua ga Đông Tác thì hệ thống thiết bị tín hiệu đường ngang Km1202+970 phát cảnh báo chuông kêu và đèn tín hiệu màu đỏ sáng nháy, báo hiệu có tàu đến gần đường ngang, 7 giây sau cần chắn hạ xuống.

Vào lúc 19 giờ 57 phút 45 giây, tức sau 5 phút từ lúc bắt đầu cảnh báo, tàu chưa tới đường ngang (chưa chạm cảm biến số 3), đèn đỏ và chuông tắt, cần chắn nâng lên và chuyển sang cảnh báo đèn vàng.

Đến 20 giờ 0 phút 29 giây, tàu đến đường ngang. Khi tàu chạm cảm biến số 3, thiết bị tín hiệu đường ngang chuyển sang trạng thái cảnh báo đèn đỏ nháy, chuông kêu và cần chắn hạ xuống (đèn vàng tắt). 10 giây sau khi tàu qua cảm biến số 4, cần chắn được nâng lên và ngắt cảnh báo chuông, đèn đỏ lúc 20h 0 phút 57 giây.

Đến 20 giờ 2 phút 49 giây, hệ thống khôi phục về trạng thái báo đường ngang thanh thoát (hệ thống giám sát ghi nhận tàu đã qua cảm biến số 5, 6).

Sau khi vụ việc trên xảy ra đến nay hệ thống cảnh bảo tự động và cần chắn tự động tại đường ngang Km1202+970 hoạt động bình thường theo trình tự quy định.

“Theo trình tự hoạt động như vậy, hệ thống đã hoạt động đúng theo yêu cầu kỹ thuật của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động QCVN 104:2014/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014 ngày 5/7/2019 của Bộ GTVT và tuân thủ quy định hiện hành. Không phải do lỗi trục trặc thiết bị”, ông Cảnh khẳng định.

img

Tổng công ty Đường sắt VN yêu cầu đối với công trình thi công đường sắt trong điều kiện đang khai thác chạy tàu nói chung, dự án gói 7.000 tỷ nói riêng đơn vị thi công phải bố trí người cảnh giới đảm bảo an toàn tại công trình và đường ngang cảnh báo tự động. Ảnh: một công nhân (đeo băng tay đỏ) được cử cảnh giới an toàn

Thi công đường sắt 7.000 tỷ, ảnh hưởng hệ thống cảnh báo đường ngang?

Ông Cảnh cũng cho biết, theo trình tự chung cài đặt cho hệ thống cảnh báo đường ngang tự động, để nhận biết có tàu sẽ vào đường ngang, trên đường sắt sẽ lắp đặt các cảm biến. Khi bánh xe đầu tiên (đầu máy) chạm vào cảm biến số 1, hệ thống nhận biết có tàu sắp qua đường ngang nên phát tín hiệu cảnh báo chuông kêu, đèn đỏ; khi bánh xe chạm cảm biến số 2 hệ thống tự động hạ cần chắn.

Lường trước các nguy cơ có thể xảy ra khi thi công, ngay từ tháng 10 và tháng 12/2020, Tổng công ty Đường sắt VN đã có các văn bản về biện pháp đảm bảo an toàn và thống nhất mở điểm thi công gửi Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư dự án), trong đó yêu cầu phải bố trí cảnh giới đảm bảo an toàn tại các đường ngang cảnh báo tự động trong quá trình chạy chậm thi công. Tuy nhiên, qua camera giám sát khu vực đường ngang, thời điểm xảy ra vụ việc trên không có người của đơn vị thi công trực cảnh giới đảm bảo an toàn tại đường ngang Km1202+970.

Căn cứ quy định tốc độ tàu được phép chạy trong khu gian, người ta tính toán thời gian tàu chạy trong khoảng cách từ cảm biến số 2 đến cảm biến số 3 (phát tín hiệu cho hệ thống là tàu tới đường ngang) để cài đặt cho hệ thống. Nếu sau 5 phút tàu vẫn chưa đến đường ngang (tức bánh xe chưa chạm cảm biến số 3), hệ thống tự động chuyển sang hoạt động trong trường hợp tàu chạy bất thường: tắt đèn đỏ và chuông, cần chắn nâng lên, đèn chuyển sang cảnh báo màu vàng nhấp nháy.

Theo Quy chuẩn 104:2004, tàu chạy bất thường là các đoàn tàu chạy không tuân thủ tốc độ quy định, thời gian chạy tàu quá 5 phút kể từ thời điểm đoàn tàu chiếm dụng khu đoạn đến gần đường ngang hoặc tàu phải dừng đỗ do sự cố, tai nạn chạy tàu trên khu đoạn đến gần của đường ngang hoặc ngay trong phạm vi đường ngang.

Như vậy, vụ việc tại Km1202+970, do tàu SE3 chạy chậm, sau 5 phút vẫn chưa chạm cảm biến số 3 nên hệ thống đã chuyển sang tín hiệu cảnh báo đèn vàng nhấp nháy. Nhưng gần 3 phút sau tàu SE3 đến đường ngang (chạm cảm biến số 3), vì thế hệ thống lại chuyển sang tín hiệu cảnh báo chuông kêu, đèn đỏ và cần chắn hạ, như hình ảnh ghi lại trong clip.

Về nguyên nhân tàu SE3 chạy chậm dẫn đến vụ việc, ông Cảnh cho biết, tại khu vực này đang có điểm thi công đường sắt thuộc gói thầu số 8 - Dự án gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang sử dụng vốn gói 7.000 tỷ. Để thi công trong điều kiện tổ chức chạy tàu, đơn vị thi công đã xin mở điểm chạy chậm với tốc độ tàu qua 15km/h từ ngày 11/3 đến 31/3/2021. Vì vậy, tàu SE3 chạy chậm qua điểm thi công đã ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống cảnh báo tự động đường ngang Km1202+970.

“Để đảm bảo an toàn tại các đường ngang cảnh báo tự động cũng như an toàn chạy tàu nói chung có thể bị ảnh hưởng do thi công, tránh xảy ra vụ việc tương tự, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ có văn bản báo cáo Bộ GTVT, kiến nghị Bộ GTVT nhắc nhở các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công nghiêm túc thực hiện biện pháp tổ chức thi công đã được phê duyệt và tăng cường công tác đảm bảo an toàn thi công công trình trên đường sắt đang khai thác chạy tàu”, ông Cảnh nói.

Clip ghi lại vụ việc tại đường ngang Km1202+970:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.