Đường sắt

Đường sắt phải thay đổi tư duy tiếp cận thị trường

30/09/2016, 17:40
image

Bộ GTVT vào cuộc gỡ khó cho đường sắt để nâng cao sản lượng vận tải trên tuyến Hà Nội – Vinh.

Bo-truong-Bo-GTVT-Truong-Quang-Nghia-hop-nang-san-

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN khẩn trương lập phương án cụ thể nâng cao hiệu quả khai thác vận tải tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh 

Chủ trì cuộc họp bàn biện pháp nâng cao năng lực vận chuyển trên tuyến Hà Nội – Vinh diễn ra sáng nay 30/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, dù tỷ lệ đầu tư cho hạ tầng đường sắt so với đường bộ thấp nhưng vẫn phải đặt vấn đề: thời gian qua khai thác như thế đã xứng đáng với những gì đã có chưa? Bài toán là phải làm sao khai thác vận tải hiệu quả trong điều kiện cơ sở hạ tầng hiện có.  

Tiềm năng lớn, khả năng có hạn

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, tuyến Hà Nội – Vinh có chiều dài 319km với năng lực thông qua 21,5 đôi/ngày đêm. Tuy nhiên, tuyến đường đi qua nhiều thành phố, khu đông dân cư, nhiều đường ngang, trung bình 5 đường ngang/1 km. Tốc độ cầu đường trên tuyến biến đổi liên tục ở cự ly ngắn. Vì vậy, đoàn tàu không phát huy được tốc độ kỹ thuật, thời gian chạy lữ hành kéo dài.

Về vận tải hàng hóa, tiềm năng cung rất lớn. Luồng hàng trên tuyến chủ yếu là vật tư, nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy xi măng, phân bón. Hiện có 6 đường nhánh đường sắt đi vào các nhà máy xi măng, phân bón. Tiềm năng khối lượng vận chuyển đi xa chiếm khoảng 40% sản lượng vận chuyển, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn/năm. Qua khảo sát của Tổng công ty Đường sắt VN, nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt khoảng trên 3 triệu tấn/năm. Ngoài ra, còn có một số khu công nghiệp, nhà máy mới như xi măng Công Thanh, Khu Công nghiệp Duy Tiên, Đồng Văn (Hà Nam), Nghi Sơn (Thanh Hóa)…, nhưng không có đường sắt kết nối, việc xếp dỡ phải trung chuyển bằng ô tô làm tăng chi phí vận tải, mất khả năng cạnh tranh của đường sắt.

5b

Giá vé hành khách tàu đi tàu trên nhiều tuyến nhỉnh hơn ô tô 10%, trong khi thời gian lâu hơn nên khó cạnh tranh

Ông Tùng phân tích, giá vé hành khách tàu Hà Nội – Vinh từ 220.000 - 250.000đ/vé, chỉ xấp xỉ cước ô tô, cộng chi phí trung chuyển hai đầu thì nhỉnh hơn ô tô khoảng 10%, trong khi ô tô đi nhanh hơn. Về hàng hóa, cước ô tô trọn gói từ kho đến kho khoảng 10 triệu đồng, còn nếu đi bằng đường sắt, cước từ ga đến ga chỉ khoảng 4 triệu nhưng chi phí tác nghiệp 2 đầu khoảng 7 triệu đồng. Vì vậy, đường sắt rất khó cạnh tranh với đường bộ, buộc phải giảm giá thành vận tải và giảm thời gian đưa hàng.

Bài toán khó giảm giá thành vận tải

Theo đại diện Vụ Tài chính, đường sắt kém hấp dẫn so với các phương tiện khác là do giá thành vận tải cao. Trong tổng giá thành vận tải đường sắt hiện nay chi phí trả cho điều hành vận tải chiếm tới 53%. Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt VN cần nghiên cứu giảm chi phí điều hành vận tải để giảm giá thành. Còn ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho rằng, đường sắt cần tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, kể cả những vấn đề tiểu tiết như vệ sinh toa xe.

Một biện pháp để khai thác tối đa tiềm năng, tăng thị phần vận tải đường sắt trên tuyến được đưa ra là xây đường nhánh kết nối đường sắt quốc gia với khu công nghiệp Nghi Sơn, cảng Nghi Sơn và nhà máy xi măng Công Thanh. Nếu xây dựng được đường nhánh tại khu vực này sẽ thu hút được luồng hàng tiềm năng ở đây. Chỉ tính riêng khu công nghiệp Nghi Sơn với 90 doanh nghiệp tham gia, một số nhà máy chuẩn bị đi vào sản xuất sẽ tạo ra một lượng hàng hóa rất lớn có nhu cầu vận chuyển. Tuy nhiên, hiện rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Do vậy, cần có cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa, trong đó gia tăng lợi ích cho các nhà đầu tư. “Đối với tuyến nhánh, để có vốn thì hình thức phù hợp hiện nay là kêu gọi đầu tư hạ tầng, cho thuê, trả dần chi phí từ phần doanh thu tăng thêm sau khi đầu tư”, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt nói.

Đánh giá tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh là tuyến “hot” cả về hành khách và hàng hóa, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, đường sắt hoàn toàn có khả năng nâng cao thị phần và lấy lại uy tín với xã hội. Tuy nhiên, cần đánh giá lại việc kết nối vận tải giữa các nhà máy, khu công nghiệp để khai thác hiệu quả.

Khẳng định chọn tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh để tập trung giải pháp nâng cao năng lực vận tải, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN tiếp thu ý kiến của các đại biểu và xây dựng phương án chi tiết nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường sắt, đặc biệt là tuyến Hà Nội – Vinh.

Bộ GTVT sẽ cùng đường sắt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tối đa hóa khả năng khai thác vận tải trên tuyến. “Tuy nhiên, đường sắt phải đổi mới, phải thay đổi cách tiếp cận thị trường, phải đến “xin” chủ hàng cho vận chuyển. Nếu không khẩn trương phát huy các lợi thế, đường sắt sẽ thất bại”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

img

Đường sắt "bắt tay" hàng không để thúc đẩy du lịch

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.