Hạ tầng

Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ phải bắt tay thi công vào năm 2025

17/06/2022, 12:39

Đến năm 2024 phải xong thiết kế dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và năm 2025 - 2026 sẽ thi công.

Sáng 17/6, đoàn công tác của Bộ GTVT chủ trì cuộc họp về dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Tham dự cuộc họp có đại diện 5 tỉnh thành phố có tuyến đường sắt đi qua gồm TP.HCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Bình Dương.

Dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được đề xuất xây dựng trước năm 2030 với kinh phí khoảng 7 tỷ USD.

img

Dự án tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được đề xuất xây dựng trước năm 2030 với kinh phí khoảng 7 tỷ USD.

Báo cáo tại cuộc họp, đơn vị tư vấn dự án trình bày chi tiết về phương án, hướng tuyến, vị trí ga đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố liên quan.

Tư vấn kiến nghị, để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến về các thông số kỹ thuật chính của dự án; phương án hướng tuyến, cấu trúc tuyến và các vị trí nhà ga; phương án; quy mô phát triển các khu vực TOD, logistics và kết nối hành khách và hàng hóa tại các ga; cập nhật hành lang tuyến đường sắt, quy mô ga…

Góp ý về báo cáo của tư vấn, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tich Hội khoa học cầu đường cảng TP.HCM cho biết, dự án có có 3 điểm cần bổ sung. Đối với tiến độ thiết kế của tuyến TP.HCM - Cần Thơ mà làm mãi đến 2025 - 2026 là quá chậm. Đề nghị thành phố cũng như Bộ GTVT cho ý kiến chỉ đạo lực lượng thiết kế làm trong phạm vi từ nay đến năm 2024 xong thiết kế, vào năm 2025 - 2026 sẽ thi công. Đưa tuyến này vào quy hoạch phát triển liên kết vùng đô thị để có cơ sở giúp quy hoạch, thiết kế của đường sắt nhanh hơn một bước. Đồng thời chỉnh lại một số vị trí hướng tuyến, vị trí ga.

Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh thành phố cơ bản thống nhất với báo cáo của tư vấn, còn một số quy hoạch chi tiết cần điều chỉnh phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Đại diện TP. Cần Thơ cho biết thống nhất các phương án báo cáo của tư vấn. TP đang lập quy hoạch để thống nhất đưa vào dự án này một số chi tiết như kết nối nhà ga, phương thức vận chuyển để khai thác hiệu quả hơn.

Tương tự, tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang cũng cơ bản thống nhất với phương án của tư vấn. Quy mô nghiên cứu phù hợp với địa bàn của tỉnh. Tuy nhiên bổ sung thêm tiêu chí chọn hướng tuyến trái, phải để so sánh có cơ sở báo cáo.

Với tỉnh Tiền Giang, số lượng nhà ga cơ bản thống nhất 3 vị trí tuy nhiên ở ga Cái Bè bổ sung thêm ga hàng hóa. Đề nghị tư vấn bổ sung thêm phần hiện trạng, trạm dừng nghỉ trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để tuyến này đi qua. Đề nghị tư vấn cập nhật đường sắt đi qua 2 đô thị.

Đại diện tỉnh Long An cũng thống nhất cao về phương án của tư vấn, tuy nhiên cần có phương hướng tuyến rõ hơn. Kiến nghị tư vấn điều chỉnh ga Tân Phú, ga Hiệp Phước giúp tỉnh Long An cập nhật chi tiết dự án.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm việc với lãnh đạo các địa phương về dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, dự án quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết rất khác nhau, khi rà soát chi tiết thường sai lệch. Do vậy ảnh hưởng đến đền bù GPMB nên tư vấn cần có phương án cụ thể, phối hợp với Sở quy hoạch Kiến trúc lập đồ án quy hoạch chi tiết và điều chỉnh luôn khi sai lệch.

Sở GTVT kiến nghị phối hợp Ban đường sắt để đẩy nhanh tiến độ. Với TP.HCM, nếu được có thể cho phương án bố trí trên cao hết đoạn qua TP.HCM. Đề nghị tư vấn nghiên cứu kỹ theo hướng trên cao, khai thác dọc quỹ đất đường song hành đạt hiệu quả.

Phát biểu cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo điều chỉnh hướng tuyến, đặc biệt là tỉnh Bình Dương phối hợp cơ quan ban ngành báo cáo kịp thời bổ sung hướng tuyến. Các địa phương có ý kiến về nhà ga, vị trí quy mô và tổ chức kết nối, đâu là nhà ga đô thị và không đô thị, không gian đô thị, trên cao, dưới thấp như thế nào...

Các địa phương chủ động báo cáo chi tiết về hướng tuyến, quy hoạch để thống nhất. Về giải pháp kỹ thuật, cần nghiên cứu bố trí cầu cho hợp lý, giao thông giao cắt cho thuận lợi...

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 174 km với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Trên địa phận Cần Thơ, tuyến có chiều dài khoảng 6,5km. Dự kiến, hướng tuyến đi giữa trục đường 1A khu công nghiệp Hưng Phú 1, sau đó qua khu đô thị Nam Cần Thơ. Trên đoạn tuyến này đường sắt đi trên cao, vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ để tránh giao cắt với QL91 và đường trục trong khu công nghiệp Hưng Phú 1.

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ lên TP.HCM sẽ được rút ngắn chỉ còn 75 - 80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3 - 4 giờ như hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.