Hồ sơ tài liệu

Đường sắt tử thần và sự sụp đổ của Đế chế Anh tại châu Á

28/04/2014, 06:56

Giáp biên giới với Myanmar, cách Bangkok 130km về phía Tây là địa danh khá nổi tiếng, thủ phủ tỉnh Kachanaburi, nơi khởi nguồn Tuyến đường sắt Tử thần (Railway of Death) ...

Tù binh đồng minh xây dựng tuyến đường sắt tử thần
Tù binh đồng minh xây dựng tuyến đường sắt tử thần


Tuyến đường sắt tử thần 


Cầu sông Kwai (The Bridge on the River Kwai) là một phần trong tuyến đường sắt tử thần dài 415km, được xây dựng nhằm mục đích cung cấp người, lương thực và vũ khí cho quân đội Nhật Bản tại Miến Điện để chiến đấu với quân đội Anh, chạy từ Nong Pla Duk ở Rachaburi thuộc Thái Lan tới Tanbesusayud tại Miến Điện. Nó là mồ hôi, xương máu của 61.000 tù binh đồng minh và 250.000 nhân công người châu Á dưới sự giám sát chặt chẽ của lính Nhật Bản. Do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh hoành hành và sự ngược đãi của quân đội Nhật Bản và Triều Tiên, nên đã có 16.000 tù nhân và hơn 70.000 người châu Á chết trong thời gian thi công tuyến đường này. 
 

Cầu sông Kwai (The Bridge on the River Kwai) là một bộ phim về Thế chiến thứ hai chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Pháp Pierre Boulle. Phim này đoạt giải Oscar năm 1957. Phim nói về cảnh tù binh Đồng Minh bị quân đội Đế quốc Nhật Bản buộc phải xây tuyến đường sắt Miến Điện 1942-1943. Phim do David Lean đạo diễn với sự tham gia diễn xuất của Alec Guinness, Sessue Hayakawa, Jack Hawkins và William Holden.

Di tích hiện nay gồm có bảo tàng, vườn hoa, tuyến đường sắt phục dựng cho du khách tham quan và cả nghĩa trang chiến tranh Kanchanaburi với gần 7.000 ngôi mộ tù binh đồng minh và đài tưởng niệm Hellfire Pass Memorial (Đèo Hỏa ngục). Họ bị ép làm việc đến 18h mỗi ngày trong khi ăn uống kham khổ, lao động thủ công, hoàn thành đường đèo xẻ qua núi dài 73m, cao 25m sau 3 tháng lao động liên tục (1943) cùng với một đường xẻ núi khác dài 450m, sâu 8m cũng được hoàn thành trong năm 1943. Có ít nhất 63 tù nhân bị đánh cho tới chết và nhiều người khác chết do tiêu chảy, sốt rét, thương hàn trong quá trình thi công các cung đường xuyên núi này trong đó có Eric Lomax. Không chỉ bị lao động khổ sai, Lomax và các bạn tù còn bị tra tấn bởi các Kempei, mật vụ của Nhật trong nhà tù ở Kamburi do chính các tù binh đồng minh đặt tên.

Tuyến đường sắt tử thần còn là bài học cay đắng đối với người Anh, một đế chế hùng mạnh đã phải giao nộp Singapore cho người Nhật vào ngày 15/2/1942, Trung tướng A.Percival, Tư lệnh Mã Lai của Vương quốc Anh, chính là nhân vật giao nộp Singapore cho Quân đội Hoàng gia Nhật Bản, chấm dứt thời kỳ thuộc địa Anh. Sự kiện này đã được cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill chua xót nhận xét: “Sự sụp đổ Singapore hồi tháng 2/1942 là thảm họa tồi tệ nhất và là sự đầu hàng lớn nhất trong lịch sử quân đội Hoàng gia Anh”.


Những năm 30 của thế kỷ trước được xem là thời kỳ hoàng kim của các Pukkah Sahib (ám chỉ người Anh da trắng), họ tự mãn về cách quản trị tại Đế chế Châu Á, thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng “cho vào vạc dầu” những kẻ đi ngược với quyền lợi của người Anh. Trong Đế chế Châu Á thuộc Anh, TP Singapore được xem là địa danh quan trọng. Năm 1930, 23% thương mại của Anh được thực hiện qua thị trường Singapore, vì vậy nó được xem là trung tâm thương mại sầm uất nhất của Anh, thậm chí còn vượt xa cả Calcutta, London hoặc New York, thành phố “toàn cầu hóa đầu tiên” của thế kỷ XX. Nhưng Singapore cũng là nơi phân biệt chủng tộc lớn nhất trong số các lãnh thổ thuộc địa của Anh ở châu Á. Chính vì vậy,  người Anh nói riêng và châu Âu nói chung coi Singapore là bất khả chiến bại và tin rằng “bất cứ điều gì xảy ra, họ có thể giải quyết êm thấm bằng súng Maxim”.
 

Quân đội Nhật Hoàng trong chiến dịch tịch thu Singapore từ tay người Anh
Quân đội Nhật Hoàng trong chiến dịch tịch thu Singapore từ tay người Anh

Sự thất bại của người Anh


Thất bại của cái được gọi là “Gibraltar phương Đông” của người Anh là một cú sốc. Đầu tiên phải kể đến bài học, là một cường quốc khu vực đang lên sẽ tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng về quyền lực từ bên ngoài. Người Anh quá “tự mãn”, tin vào sức mạnh quân đội ở châu Á, đặc biệt là các lực lượng Indian Raj Ấn Độ và của chính quân đội Anh, nhất là sức mạnh công nghệ ưu việt của người da trắng có từ thế kỷ XIX và kinh nghiệm từ cuộc chiến 1914 - 1918. Người Anh coi Singapore là pháo đài bất khả chiến bại hay Gibraltar phương Đông nhưng đáng tiếc đã bị người Nhật đánh cho tan tác. Ngay cả căn cứ hải quân tại Sembawang trên bán đảo Mã Lai được trang bị những vũ khí tối tân cũng bị người Nhật bất ngờ tấn công và vô hiệu hóa, trước khi quân đội Nhật đổ bộ lên bờ biển Mã Lai vào ngày 8/12.


Bài học thứ hai là bước tính toán sai lầm về các ý định tác chiến của đối phương hay đánh giá nhầm học thuyết của kẻ thù và hậu quả dẫn đến trái ngược. Cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào Singapore và chiến lược dị giáo của họ đã đóng vai trò quan trọng trong việc đánh úp người Anh, phá tan thế cân bằng, cho dù người Anh đông hơn và được trang bị tốt hơn. Người Anh từ lâu cho rằng người Nhật có thể bắt đầu tấn công từ biển nên đại bác đã được bố trí quay ra biển. Tướng Tomoyuki Yamashita, người đã bị xử tử vì tội ác chiến tranh năm 1946, đã nghĩ ra một kế hoạch vô hiệu hóa Singapore bằng cách giành được British Malaya (gồm Singapore và Malaysia) trước tiên, sau đó chiếm đóng các pháo đài đảo từ phía Bắc. Vị tướng này đã chỉ huy cuộc tấn công vào ngày 8/12/1941 và lực lượng của ông với khoảng 30.000 binh sĩ đã chỉ mất 2 tháng để chinh phục được bán đảo này, trước khi tiến đánh Singapore bằng hai mũi giáp công kiểu gọng kìm. Chiến sự diễn ra tại Singapore kéo dài 1 tuần trước khi lực lượng nhỏ hơn của Nhật Bản bắt giữ hơn 80.000 binh lính người Anh, Australia, Ấn Độ và Malaysia.


Bài học tiếp theo của Đế chế Anh là trong nhiều thế hệ, Singapore được coi là bất khả chiến bại, là biểu tượng của sức mạnh của Anh quốc ở nước ngoài. Nhưng thực tế lại bị cô lập, không được cung cấp và không được chuẩn bị cho chiến tranh và quá xa chính quốc. Người Nhật biết được điểm yếu này, tiến hành đánh bom lên hòn đảo này từ tháng 12, chỉ phải đối mặt với một sự chống cự yếu ớt của Anh. Hải quân Hoàng gia được chỉ huy từ các vùng biển xung quanh Singapore khi chiến hạm HMS Prince of Wales và Repulse bị đánh chìm ở ngoài khơi Mã Lai, chỉ hai ngày sau khi vụ Vịnh Con lợn xảy ra tại Cuba. Nhật Bản tiếp tục tấn công các trạm điều khiển biển trên đất liền, hạn chế nguồn cung cấp lương thực, cuối cùng buộc quân Anh phải đầu hàng. Cuối tháng Giêng 1942 sau khi cây cầu nối Singapore với đất liền bị phong tỏa, ông Lý Quang Diệu, người sáng lập của Singapore hiện đại, lúc đó là sinh viên Đại học Raffles College đã nói với giáo sư người Anh, “đây là giai đoạn kết thúc của Đế chế Anh tại châu Á”, còn Thủ tướng Winston Churchill đã điện khẩn cho tướng Wavell, tổng chỉ huy các hoạt động của quân đồng minh ở Đông Nam Á phải chiến đấu bằng mọi giá nhằm cứu vớt danh dự cho quân đội Anh đang bị đe dọa”.


Đến tháng 5/1942 Nhật Bản hoàn thành cuộc chinh phục Anh ở Miến Điện và đã bắt đầu chuyển một lượng lớn tù binh đồng minh, chủ yếu là những người bị bắt tại Singapore, các trại ở miền Bắc Thái Lan và Miến Điện để bắt xây dựng tuyến đường sắt tử thần nhằm giúp quân đội Nhật tấn công Ấn Độ. Chiến tranh tại châu Á kéo dài thêm 3 năm sau đó, Anh lúc này chỉ đóng một vai trò mờ nhạt trong việc đánh bại đội quân Nhật Bản.

Khắc Nam

(Theo Diplomat) 
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.