Đường sắt

Đường sắt xin giữ toa xe hết niên hạn chạy tàu an sinh Yên Viên - Hạ Long

06/10/2020, 17:56

Đường sắt xin giữ lại toa xe khổ 1.435mm, không áp dụng niên hạn để chạy tàu an sinh Yên Viên - Hạ Long.

img
Đường sắt xin giữ lại toa xe khổ 1.435mm, không áp dụng niên hạn để chạy tàu an sinh Yên Viên - Hạ Long. Ảnh: tàu Yên Viên - Hạ Long tại ga Hạ Long

Tổng công ty Đường sắt VN vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép chuyển các toa xe khổ 1.435mm thành các phương tiện toa xe chuyên dùng phục vụ chạy tàu an sinh tuyến Yên Viên - Hạ Long.

Theo DN này, thực hiện Nghị định số 65 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, các doanh nghiệp vận tải đường sắt có lộ trình 3 năm (tới năm 2021) để thay thế các phương tiện hết niên hạn sử dụng.

Tính đến ngày 31/12/2022, các công ty vận tải đường sắt sẽ phải thanh lý khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách. Để bù vào phương tiện phải loại bỏ, Tổng công ty Đường sắt VN và các công ty vận tải đường sắt sẽ gặp khó khăn lớn khi phải huy động khoảng 6.822 tỷ đồng để đầu tư mới.

Ông Phạm Văn Trường, Trưởng ban Đầu máy - Toa xe Tổng công ty cho biết, hiện trên đường sắt Việt Nam chỉ còn 6 toa xe khách khổ 1.435mm để tổ chức chạy tàu trên tuyến Yên Viên - Hạ Long (đường sắt khổ 1.435mm). Các toa xe này được sản xuất năm 1971, đến nay đã 49 năm khai thác, vì vậy theo quy định hiện hành không được đưa vào vận dụng nữa.

“Tuy nhiên, không như ô tô, toa xe định kỳ phải vào xưởng để bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn theo theo quy trình nghiêm ngặt. Đặc biệt, bộ phận chạy của toa xe phải nâng cấp, thay thế các thiết bị, phụ tùng chủ yếu để đảm bảo an toàn chạy tàu. Do đó, trên thực tế, toa xe vẫn khai thác an toàn. Mặt khác, do tốc độ tàu chạy trên tuyến Yên Viên - Hạ Long thấp nên nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn do chủ quan từ phương tiện là rất thấp.”, ông Trường nói.

img
Tàu Yên Viên - Hạ Long với các toa xe đã trên 40 năm sử dụng, chủ yếu vận chuyển người dân đi lại, kết hợp vận chuyển nông sản phục vụ đời sống dân sinh cho các tỉnh trên tuyến

Cũng theo ông Trường, nếu đầu tư mới các toa xe này sẽ rất tốn kém, 1 toa xe khách đóng mới hiện nay mất khoảng 10 tỷ trong khi chưa biết bao giờ mới thu hồi được vốn vì tuyến này chỉ chạy tàu an sinh, doanh thu thấp. Còn đưa sang tuyến khác cũng không chạy được vì mạng lưới đường sắt VN hiện nay chủ yếu là đường khổ 1.000mm, không chạy được toa xe khổ 1.435mm. Do đó, trong trường hợp không được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận giữ lại các toa xe này, ngành Đường sắt sẽ không tổ chức chạy tàu khách tuyến Yên Viên - Hạ Long nữa.

Tương tự các toa xe khách khổ 1.435mm, Tổng công ty Đường sắt VN cũng kiến nghị việc chuyển thành các phương tiện toa xe chuyên dùng đối với các toa xe trong đoàn tàu du lịch Đà Lạt - Trại Mát; Toa xe mở đáy vận chuyển vật liệu phục vụ việc thi công, sửa chữa các công trình trên toàn hệ thống đường sắt quốc gia; Toa xe mặt võng là toa xe chuyên biệt sử dụng vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, vận chuyển máy móc, ô tô tải các loại, phương tiện, thiết bị quân sự...; Toa xe P thiết kế chuyên biệt với mức độ an toàn cao phục vụ vận chuyển mặt hàng xăng, dầu.

Đối với các toa xe khác, tổng công ty kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian áp dụng niên hạn thêm 3 năm.

Theo ông Trường, đối với các toa xe mà đường sắt đang kiến nghị kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn phương tiện, Tổng công ty Đường sắt VN cũng đã đề xuất biện pháp tăng hệ số đảm bảo an toàn như: rút ngắn thời gian đăng kiểm từ 18 tháng xuống 12 tháng, rút ngắn thời gian hạn định toa xe phải vào xưởng sửa chữa theo quy trình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.