Hồ sơ tài liệu

Đường thăng tiến của 7 gương mặt quyền lực nhất Trung Quốc

26/10/2017, 07:58

Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 được dư luận trong và ngoài Trung Quốc...

28

7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc ra mắt báo giới

Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 được dư luận trong và ngoài Trung Quốc đánh giá thành công, đặt ra nhiều kỳ vọng và thách thức mới trong 5 năm tiếp theo của nước này. Ông Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

7 quan chức cấp cao nhất trong Đảng

Sáng 25/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đã tiến hành phiên họp đầu tiên, bầu ra Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên cấp cao gồm: Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Hàn Chính, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế, Uông Dương.

Ngoài 7 ủy viên nằm trong Thường vụ Bộ Chính trị nêu trên, những người còn lại gồm: Đinh Tiết Tường - Phó chánh văn phòng Trung ương kiêm Chánh văn phòng Tổng Bí thư. Vương Chấn - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Quốc hội. Lưu Hạc - Chánh văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo công tác tài chính Trung ương kiêm Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách phát triển quốc gia. Hứa Kỳ Lượng - Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Tô Xuân Lan - Trưởng ban Mặt trận thống nhất Trung ương. Lý Hy - Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh. Lý Cường - Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô. Lý Hồng Chung - Bí thư Thiên Tân. Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ phụ trách ngoại giao. Dương Hiểu Độ - Bộ trưởng Bộ Giám sát kiêm Cục trưởng Cục Chống tham nhũng. Trương Hựu Hiệp - Chủ nhiệm Phát triển trang bị Quân ủy Trung ương. Trần Hy - Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Trần Toàn Quốc - Bí thư Tân Cương. Trần Mẫn Nhĩ - Bí thư Trùng Khánh. Hồ Xuân Hoa - Bí thư Quảng Đông. Quách Thanh Côn - Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Công an. Hoàng Khôn Minh - Phó trưởng ban Tuyên truyền Trung ương. Thái Kỳ - Bí thư Bắc Kinh.

Mục tiêu của Trung Quốc trong 5 năm tới

Ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ dẫn dắt đất nước đông dân nhất nhì thế giới trong những năm tiếp theo để tiếp tục hiện thực hóa tham vọng xây dựng bố cục tổng thể “5 trong 1” (bao gồm: xây dựng kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và sinh thái phát triển hài hoà trong một bố cục tổng thể), thúc đẩy bố cục chiến lược “4 toàn diện” (xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện và quản lý Đảng nghiêm khắc toàn diện).

Trung Quốc thúc đẩy toàn diện quản lý đất nước theo pháp luật và hiện đại hoá năng lực quản lý đất nước, xây dựng nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa. Xây dựng quân đội hùng mạnh hàng đầu thế giới, là quân đội của nhân dân, tuân theo sự chỉ huy của Đảng. Thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, thúc đẩy cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại ...

Các Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục bầu ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19. Ông Tập cũng được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Phiên họp đầu tiên này cũng đã bầu ra Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương khóa mới là ông Triệu Lạc Tế.

Ông Tập Cận Bình sinh năm 1953, là người gốc Thiểm Tây, tốt nghiệp chuyên ngành Lý luận chủ nghĩa Mác và Giáo dục chính trị tư tưởng Học viện Xã hội nhân văn Đại học Thanh Hoa, Tiến sỹ Luật, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1974. Trước khi trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, ông từng giữ các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Chiết Giang; Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII vào Đại hội diễn ra tháng 11/2012.

Theo dự đoán của báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), các thành viên trong Thường vụ Bộ Chính trị sẽ giữ các chức vụ quan trọng như sau: Thủ tướng Lý Khắc Cường (sinh năm 1955 tại Định Viễn, An Huy) sẽ tiếp tục giữ vị trí thứ hai trong bộ máy quyền lực ở Bắc Kinh nhưng vai trò Thủ tướng Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 2 của ông có thể sẽ tập trung vào thực hiện nhiều hơn là hoạch định chính sách kinh tế.

Trước khi trở thành Thủ tướng vào tháng 3/2013, ông Cường từng làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh và sau đó là Phó Thủ tướng thường trực. Ông Cường là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2007 tới nay.

Ông Lật Chiến Thư, 67 tuổi, sinh tại Hà Bắc, trước Đại hội 19 là Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, có thể sẽ làm Chủ tịch Quốc hội trong kỳ họp đầu năm 2018. Trước đó, ông Thư từng làm Tỉnh trưởng Hắc Long Giang và Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu và Bí thư TP Tây An. Tháng 11/2012, ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 kiêm Bí thư Ban bí thư, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Uông Dương, 62 tuổi, được nhận định là trở thành Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc. Ông Uông sinh ra tại Túc Châu, An Huy, từng là công nhân tại một nhà máy chế biến thực phẩm trước khi vào Đảng. Tiếp đó, ông theo học kinh tế chính trị theo tư tưởng cải cách kinh tế của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tại một trường Đảng.

Sau khi tốt nghiệp năm 1979, ông Uông Dương về quê, trở thành cố vấn chính sách Đảng trước khi gia nhập đoàn thanh niên địa phương. Từ đây, ông liên tiếp thăng tiến từ Phó tỉnh trưởng An Huy (1993-1998), Bí thư Thành ủy Trùng Khánh (2005-2007), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông từ tháng 11/2007 tới tháng 1/2013. Ông Uông Dương được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng vào tháng 2/2013 tới nay.

Ông Vương Hỗ Ninh, 62 tuổi, Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu chính sách Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 có thể sẽ đảm nhiệm một cương vị cao chịu trách nhiệm về lĩnh vực tư tưởng, tuyên truyền và tổ chức của Ban chấp hành Trung ương khóa 19. Ông là chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, từng làm việc qua ba đời lãnh đạo Trung Quốc: Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.

Ông Triệu Lạc Tế, người trước đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương khóa 18 (đã được bầu và sẽ thay ông Vương Kỳ Sơn) làm Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, phụ trách chống tham nhũng. Ông Triệu Lạc Tế sinh năm 1957 trong một gia đình tri thức ở Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải, Tây Bắc Trung Quốc. Bố mẹ ông người gốc Thiểm Tây, cùng quê với ông Tập Cận Bình.

Ông Hàn Chính 63 tuổi, Bí thư Thượng Hải dự kiến thay thế vị trí Phó Thủ tướng thường trực của ông Trương Cao Lệ trong kỳ họp lưỡng hội đầu năm tới. Ông Hàn Chính sinh năm 1954 tại Thượng Hải, tốt nghiệp Đại học Phúc Đán và có bằng Tiến sĩ Kinh tế ở Đại học Sư phạm Hoa Đông.

Sự nghiệp chính trị của ông trưởng thành và thăng tiến gắn liền với Thượng Hải. Ông là Thị trưởng Thượng Hải từ năm 2003 đến năm 2012. Ông làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải từ tháng 11/2012 tới nay.

Không xuất hiện “người kế thừa” ông Tập

Nhìn tổng thể dàn nhân sự của cơ quan cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Đại hội 19, nhiều chuyên gia nhận thấy không có gương mặt rõ ràng sẽ trở thành người “kế thừa” ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ sắp tới.

Theo BBC, nhiều thập kỷ gần đây, các lãnh đạo Trung Quốc thường “chỉ dấu” một đến hai ứng viên sẽ là “người kế thừa” khi công bố danh sách các thành viên thuộc Thường vụ Bộ Chính trị ở ngay đầu nhiệm kỳ cuối của họ. Trước đó, từng có đồn đoán, ông Tập đang cất nhắc ông Trần Mẫn Nhĩ - Bí thư TP Trùng Khánh và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa.

Cả đều ở độ tuổi 50, đủ trẻ để trở thành người kế thừa ông Tập trong nhiệm kỳ sắp tới. Tuy nhiên, 6 gương mặt trong Thường vụ Bộ Chính trị vừa được công bố đều ở tuổi 60 và gần như sẽ nghỉ hưu khi hết nhiệm kỳ này. Sự trống vắng khác thường này thổi bùng lên những đồn đoán về ý định dài hạn của ông Tập và người kế nhiệm cuối cùng mà ông hướng đến.

Nhưng có lẽ tất cả phải chờ thời gian trả lời. Bởi thực tế những đồn đoán ông Tập Cận Bình có thể sẽ giảm quy mô Thường vụ Bộ Chính trị từ 7 xuống 5 thành viên để siết chặt kiểm soát quyền lực cũng rộ lên một thời và kết quả hôm qua đã chứng minh điều ngược lại. 

Chỉ có 10/204 ủy viên BCH Trung ương là nữ

Lượng ủy viên nữ trong BCH Trung ương Đảng khóa XIX không đổi.

Tại Đại hội đánh dấu thời điểm Trung Quốc đang ở “kỷ nguyên mới”, một lát cắt có thể nhìn thấy đó là số lượng phụ nữ nắm giữ các vị trí cao trong Đảng vẫn y như cũ dù số lượng đại biểu nữ tham gia Đại hội nhỉnh hơn các kỳ Đại hội trước. Theo tờ Nhân dân Nhật báo, đại biểu nữ chiếm 24,1% trong tổng số 2.287 đại biểu, tăng chút ít so với tỉ lệ 23% đại biểu là nữ tại Đại hội 18 và so với 20% đại biểu nữ tại Đại hội 17 tổ chức năm 2007. Cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc cho biết, sự gia tăng này phản ánh nỗ lực to lớn của Đảng để củng cố tiếng nói của những thành viên nữ và cải thiện cân bằng giới tính.

Hôm 24/10, tại phiên bế mạc Đại hội 19, các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới gồm 204 ủy viên chính thức và 172 ủy viên dự khuyết; bầu Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương. Nhưng, trong số 204 ủy viên chính thức chỉ có 10 người là phụ nữ. Con số này không hề thay đổi so với Đại hội 18. Phụ nữ cũng không có mặt trong 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị - 7 nhân vật cấp cao nhất tại cường quốc thứ 2 thế giới. Trong Bộ Chính trị khóa mới (gồm 25 thành viên), chỉ có duy nhất Tôn Xuân Lan, 67 tuổi là nữ.

Giá cổ phiếu công ty cùng tên với ủy viên BCH tăng

Thị trường đầu tư trở nên sôi động sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc công bố 7 thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Theo trang Bưu điện Hoa Nam (SCMP), các nhà đầu tư đổ tiền vào một công ty có cùng tên với một trong 7 lãnh đạo cấp cao nhất này. Giá cổ phiếu của Công ty thang máy Hỗ Ninh Hàng Châu khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 25/10 sau khi tên ông Vương Hỗ Ninh được xác nhận là nằm trong danh sách Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.