Vận tải

Đường thủy nội địa trước vận hội mới

28/01/2015, 13:16

Không còn vùng nước nội thủy nào nằm ngoài phạm vi áp dụng Luật GTĐT nội địa như trước đây.

161
Lĩnh vực đường thủy đang đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện

Hoàn thiện luật, mở mang vận tải

Từ 1/1/2015, Luật Giao thông đường thủy (GTĐT) nội địa (sửa đổi, bổ sung) đã được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho lĩnh vực GTVT đường thủy. Việc làm này cũng khắc phục tình trạng “thừa thực tiễn, thiếu quy định” trong hàng chục năm qua, đồng thời khuyến khích xã hội đầu tư vào lĩnh vực đường thủy.

Điểm mới nổi bật của luật mới là không còn vùng nước nội thủy nào nằm ngoài phạm vi áp dụng Luật GTĐT nội địa như trước đây. Đến nay, Chính phủ đã ban hành nghị định, Bộ GTVT ban hành 10 thông tư hướng dẫn thực hiện luật.

Cùng với đó, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt một số đề án quan trọng như tái cơ cấu lĩnh vực đường thủy nội địa, huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường thủy… Đây được xem là nền tảng, “kim chỉ nam” để Cục ĐTNĐ VN thực hiện định hướng phát triển, mở mang vận tải, tạo sức bật của ngành Đường thủy trong giai đoạn 2015-2020.

Hạn chế lớn trong lĩnh vực ĐTNĐ nhiều năm qua là chưa phát triển vận tải tương xứng với tiềm năng. Năm 2014, thực hiện chủ trương của Bộ GTVT, nhất là sự quan tâm sát sao của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Cục ĐTNĐ VN đã xác định mục tiêu chính là phục vụ vận tải, bước đầu mở mang thêm các tuyến vận tải, nâng cao năng lực vận tải tại một số tuyến quan trọng. Trong năm, tổng trọng tải hàng hóa thông qua các cảng, bến thủy đạt gần 233 triệu tấn, tăng gần 45% so với năm trước.

Một số tuyến mới mở thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vận tải như tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh - Kiên Giang, dành cho tàu vận tải sông pha biển (VR-SB). Đến nay, đã có hơn 300 tàu thường xuyên hoạt động trên tuyến này, ước tính mỗi tháng vận chuyển tương đương 2 - 3 nghìn xe tải nặng bằng đường bộ. Một số tuyến đường thủy phía Bắc như: Sông Hồng, tuyến vận tải container Hải Phòng đến Việt Trì, thêm hàng chục cảng, bến thủy và hàng trăm tàu “gánh” quặng, dăm gỗ từ Tuyên Quang, Phú Thọ về Hải Dương, Hải Phòng thay cho đường bộ.

Thúc đẩy xã hội hóa đầu tư

Cuối tháng 12/2014 vừa qua, Cục ĐTNĐ VN đã cơ bản hoàn thành cổ phần hóa 10 Đoạn Quản lý ĐTNĐ còn lại theo đúng tiến độ đề ra. Như vậy, từ nay, công tác bảo trì ĐTNĐ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa (đặt hàng, hợp đồng, tiến tới đấu thầu). Đây cũng là bước đi quan trọng nhằm tách bạch giữa công tác quản lý Nhà nước của Cục với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước đó, nhằm xã hội hóa công tác bảo trì đường thủy, Cục đã kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho 46 dự án nạo vét đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm và đang hoàn thiện cơ chế, thủ tục nhằm thúc đẩy hình thức này, để giảm đầu tư từ ngân sách.

Trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, hiện đã có dự án nâng cấp cầu đường sắt Bình Lợi theo hình thức xã hội hóa đã được triển khai. Mới đây, tất cả các dự án thuộc danh mục đầu tư xã hội hóa, kết hợp đầu tư Nhà nước và xã hội hóa đã được xác định, công bố công khai để minh bạch hóa thông tin và kêu gọi đầu tư.

Cùng với đó, công tác tổ chức cán bộ cũng là bước đột phá khác ở Cục ĐTNĐ VN, nhất là việc thi tuyển chức danh Cục trưởng, trẻ hóa đội ngũ.

Năm 2015, Cục định hướng mục tiêu của ngành ĐTNĐ tập trung vào bốn lĩnh vực chính: Tất cả vì vận tải phát triển an toàn, đẩy mạnh xây dựng hệ thống văn bản pháp quy, tăng cường quản lý Nhà nước về tuyến luồng và quyết liệt thực hiện xã hội hóa lĩnh vực ĐTNĐ.

Với phương châm “Vì sự hài lòng hơn của người dân, doanh nghiệp”, phát huy truyền thống ngành GTVT 70 năm đi trước mở đường, Cục ĐTNĐ VN tiếp tục lắng nghe và cùng phối hợp với doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh phát triển vận tải, từng bước xây dựng ngành ĐTNĐ với diện mạo mới, vị thế mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Huy Lộc

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.