Quản lý

Đường thủy phải đổi mới, phân cấp mạnh trong năm 2020

25/12/2019, 19:29

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật yêu cầu Cục Đường thủy nội địa VN cần tiếp tục đổi mới, phân cấp mạnh mẽ trong năm 2020.

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại hội nghị

Nhiều bất cập về thể chế chậm được giải quyết

Ngày 25/12, phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai công tác năm 2020 của Cục Đường thủy nội địa VN, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thẳng thắn cho rằng, vụ việc vi phạm pháp luật vừa qua ở Cục Đường thủy nội địa VN (việc lập “quỹ đen” - PV) là bài học đáng buồn, ảnh hưởng đến uy tín của ngành đường thủy, Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, trong vài năm liên tục Cục Đường thủy nội địa VN không hoàn thành công tác giải ngân, không bố trí được lãnh đạo cấp phòng, trong khi đó, nhiều bất cập về thể chế chậm được giải quyết, người lao động trong ngành thiếu việc làm… thể hiện sự yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

“Cần chú trọng công tác xây dựng Đảng, đổi mới, phân cấp mạnh mẽ để hoàn chỉnh bộ máy tổ chức, kiện toàn các phòng. Đặc biệt, phải nêu cao tinh thần đoàn kết, chú trọng người đứng đầu đơn vị. Đồng thời, nâng chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đường thủy”, Thứ trưởng Nhật yêu cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng cho biết, hiện nhiều ý kiến cho rằng nên nhập Chi cục và Cảng vụ đường thủy với nhau vì có một số bất cập như: cùng là đơn vị trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN, nhưng một bên quản lý cảng bến, bên kia quản lý luồng. Đây là vấn đề lớn, vì vậy, Cục Đường thủy nội địa VN cần khẩn trương xây dựng đề án tổ chức bộ máy để nghe ý kiến.

“Tôi thống nhất việc tổ chức đấu thầu, duy tu thường xuyên đường thủy trong thời gian 3-5 năm, để đơn vị bảo trì có thời gian yên tâm mua sắm thiết bị, chuẩn bị đầu tư”, Thứ trưởng nêu ý kiến về đổi mới trong công tác tổ chức quản lý bảo trì đường thủy.

img
Tân Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Bùi Thiên Thu phát biểu tại buổi tổng kết

Tăng cường kết nối vận tải thủy

Ông Bùi Thiên Thu, tân Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết vừa nhận nhiệm vụ được 2 tuần, song nhận thấy ngành đường thủy có nhiều vấn đề cần được ưu tiên giải quyết trong năm 2020. Trong đó, ưu tiên đầu tiên là công tác xây dựng Đảng và tổ chức phân cấp giải quyết công việc mạnh mẽ hơn.

Luật Giao thông đường thủy sửa đổi từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định hướng dẫn. Đây là bất cập lớn", ông Thu nói

Theo Tổng cục thống kê, 11 tháng đầu năm 2019, vận tải khách đường thủy đạt 184,1 triệu lượt, tăng 5,5%; vận tải hàng hóa ước đạt 27,6 triệu tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng vận tải hàng hóa ven biển bằng tàu VR-SB sản lượng đạt hơn 49,4 triệu tấn, tăng 15%; hơn 370 lượt phương tiện vận tải bằng đường thủy qua qua biển giới Việt Nam - Campuchia.

img
Phương tiện thủy vận tải tuyến qua biên giới với Campuchia

Năm 2020, để thúc đẩy phát triển vận tải thủy, Cục Đường thủy nội địa VN sẽ phối hợp với Cục Hàng hải VN, Tổng cục Đường bộ VN, Cục Đường sắt VN đề xuất các giải pháp tăng cường kết nối vận tải thủy với các phương thức vận tải khác. Trong đó, tập trung kiến nghị kết nối với các cảng thủy cấp I, cảng nằm trên hành lang vận tải thủy Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì, TP.HCM - Cần Thơ, cảng trên tuyến sông Tiền, sông Hậu. Cùng đó, nghiên cứu, kiến nghị chính sách ưu đãi phí, lệ phí vận tải thủy container, ven biển, ưu đãi đầu tư vận tải thủy.

“Cục Đường thủy nội địa VN sẽ định kỳ làm việc, tiếp xúc với doanh nghiệp, HTX vận tải thủy, kinh doanh cảng, bến thủy và phối hợp với các hiệp hội vận tải để nắm bắt kịp thời thông tin, tình hình doanh nghiệp. Làm việc với Liên minh HTX để phát triển mô hình HTX vận tải thủy, hình thành các HTX vận tải thủy quy mô lớn, các sàn giao dịch vận tải kết nối với doanh nghiệp vận tải thủy, cảng bến thủy”, đại diện Cục Đường thủy cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.