Giao thông

Đường thủy “phạt cho tồn tại” đến bao giờ?

16/05/2017, 09:00

Các chế tài xử lý vi phạm giao thông đường thủy khá đầy đủ, nhưng tình trạng “ba không”vẫn khá phổ biến.

4

Đường thủy hiện vẫn phổ biến tình trạng phương tiện, người lái không đủ điều kiện theo quy định nhưng vẫn tham gia giao thông

Nguyên nhân do hầu hết các trường hợp vi phạm chỉ bị “phạt cho tồn tại”, không đủ sức răn đe.

“Bị phạt vẫn còn hơn chở đúng tải”

Đi dọc một số tuyến đường thủy quốc gia, dễ dàng nhận thấy không ít tàu, sà lan chở vật liệu xây dựng có trọng tải lớn dù không có biển số đăng ký nhưng vẫn lưu thông. Đầu tháng 5, có mặt tại một bến nổi sang tải cát, sỏi trên sông Lô thuộc địa bàn huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, PV Báo Giao thông ghi nhận hàng chục tàu có trọng tải từ vài trăm đến hàng nghìn tấn không đăng ký vẫn ngang nhiên hoạt động.

Anh Vũ Văn Định, chủ tàu trọng tải hơn 410 tấn chỉ có số đăng kiểm VR 16045689 kể: “Chúng em vay mượn đóng con tàu này được hơn một năm để chở đá ở Nam Định, gần đây ít việc nên chạy lên sông Lô chở cát. Em chưa có điều kiện để đi đăng ký, nên khi nào bị kiểm tra thì đành xin... phạt vậy”. Rất nhiều tàu khác cũng ở tình trạng không đăng ký, chỉ có số đăng kiểm lần đầu như: VR 1604480, 16044063, VR16044087, VR16043344...

"Không có bến trông giữ, lực lượng chức năng biết giữ phương tiện thủy vi phạm ở đâu. Nghị định 115 về quản lý tang vật vi phạm đã quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch bến tạm giữ phương tiện, trong khi nhiều người cứ nghĩ việc tổ chức bến tạm giữ là trách nhiệm của CSGT hay Cục ĐTNĐ Việt Nam. Cần tạm giữ phương tiện thủy vi phạm để sau khi xử phạt còn tạo tính răn đe”.

Thượng tá Nguyễn Vĩnh Giang, Trưởng phòng Hướng dẫn TTKS, xử lý vi phạm đường thủy (Cục CSGT)

Tại đoạn sông Lô thuộc địa phận phường Dữu Lâu, TP Việt Trì, tàu PT- 2020 của anh Hồng dù có đăng ký, nhưng chứng nhận đăng kiểm và hai vợ chồng đều không có bằng lái, chứng chỉ lái tàu. Gần đó, sà lan chở cát VP-1028 trọng tải 480 tấn, tuy đăng ký, đăng kiểm định kỳ còn hiệu lực, nhưng kiểm tra thì cả 3 thanh niên trên tàu đều không ai có tên trong danh bạ thuyền viên và cũng không ai có bằng, chứng chỉ lái phương tiện.

“Tàu này là của bác Trường, hôm nay bác đi ăn cưới nên bọn em đi nhận hàng và lái hộ”, thuyền viên tên Tiến thản nhiên nói.

Thực tế, trên các tuyến đường thủy quốc gia khác như sông Hồng, Thái Bình, Kinh Thầy... cũng có các trường hợp vi phạm tương tự. Ngoài ra, còn dễ nhận thấy các vi phạm khác như chở quá tải, neo đậu trong phạm vi bảo vệ công trình cầu...

Anh Tùng, thuyền viên tàu chỉ có số đăng kiểm VR-16043156 đậu trên sông Hồng đoạn gần cầu Thăng Long, Hà Nội còn đưa cho PV xem vài biên lai nộp phạt từ đầu năm đến nay do chở quá tải (quá vạch dấu mớn nước phương tiện). “Tàu nào cũng thế, bị phạt đành nộp phạt thôi, nhưng xong lại được đi tiếp. Chở quá tải thêm được nhiều hàng, dù bị phạt vẫn còn hơn chỉ chở đúng tải”, anh Tùng nói.

Vì sao khó giữ phương tiện thủy?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm pháp luật giao thông trên đường thủy hiện vẫn diễn biến phức tạp do nhiều trường hợp không được xử lý triệt để. Tình trạng phạt cho tồn tại thời gian qua rất phổ biến. Người vi phạm sau khi nộp phạt xong lại tiếp tục tái phạm, kể cả bến bãi trái phép và phương tiện, người lái.

“Do không tạm giữ được phương tiện vi phạm, kể cả vi phạm chở quá tải nên các địa phương hiện chủ yếu xử phạt phương tiện xong cho đi. Rất nhiều địa phương gọi về Cục đề nghị tháo gỡ vấn đề này”, ông Giang nói.

Theo Thượng tá Nguyễn Vĩnh Giang, Trưởng phòng Hướng dẫn TTKS, xử lý vi phạm đường thủy (Cục CSGT), mỗi năm có từ 220.000- 230.0000 trường hợp vi phạm đường thủy bị xử phạt. Con số này chiếm tới khoảng 50% tàu thuyền hoạt động trên đường thủy. Tuy vậy, tính răn đe của pháp luật đối với người vi phạm vẫn không cao, do vi phạm không bị xử lý triệt để.

Theo quy định, phương tiện thủy vi phạm hành chính sẽ bị giữ giấy tờ (bằng lái, giấy tờ phương tiện), nếu không có giấy tờ sẽ giữ phương tiện để ngăn chặn vi phạm và đảm bảo xử phạt hành chính. Ngoài ra còn có quy định “mở” là lực lượng chức năng có thể giao cho chủ phương tiện hoặc chính quyền địa phương tạm giữ, nhưng thực tế không dễ áp dụng.

Một lãnh đạo đội Thanh tra đường thủy (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, khi bị kiểm tra, đối tượng vi phạm trên đường thủy thường né tránh lực lượng chức năng, trong khi việc tạm giữ phương tiện không đơn giản. “Có trường hợp tàu vi phạm được đưa vào sát bờ, người trên tàu rút khỏi, gây khó khăn khi tạm giữ. Khi đã giữ phương tiện, ngoài việc người của tàu bỏ đi, lại còn phải tính đến chuyện đảm bảo tài sản, những trang thiết bị của phương tiện”, ông này nói và cho rằng, cần có bến thủy tạm giữ phương tiện.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Khiết, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 2 (Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) cho rằng: “Về lý, cơ quan tạm giữ sẽ giao cho chủ phương tiện trông giữ, nhưng chủ phương tiện bỏ đi, không đi theo cùng phương tiện thì khi xảy ra chìm đắm sẽ phân định trách nhiệm thế nào, cơ quan tạm giữ hay chủ phương tiện? Vì vậy, cần có bến tạm giữ phương tiện vi phạm để đảm nhận các trường hợp phương tiện bị tạm giữ”.

Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP Hà Nội cho biết, hạn chế cho lực lượng CSGT đường thủy khi thi hành nhiệm vụ là hiện Hà Nội chưa có bến tạm giữ phương tiện thủy đạt tiêu chuẩn, nên phải vận dụng cảng Sơn Tây và Hồng Vân để trông giữ. Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, từng có trường hợp phương tiện khai thác cát trái phép bị CSGT đường thủy Hà Nội tạm giữ nhưng bị nước tràn vào không rõ nguyên nhân, may có sự ứng cứu kịp thời của đơn vị quản lý đường thủy nên mới tránh được chìm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.