Chuyện dọc đường

Đường thủy và chuyện nhờn luật

16/05/2017, 09:00

“Phạt cho tồn tại” dường như là câu chuyện muôn thuở của đường thủy.

4

Đường thủy hiện vẫn phổ biến tình trạng phương tiện, người lái không đủ điều kiện theo quy định nhưng vẫn tham gia giao thông

“Phạt cho tồn tại” dường như là câu chuyện muôn thuở của đường thủy. Điều này lý giải vì sao dù mỗi năm hàng trăm nghìn phương tiện bị xử phạt, thậm chí nhiều tàu thuyền phạt đến vài lần trong tháng nhưng trật tự ATGT đường thủy vẫn luôn nhức nhối. 

Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt nên việc quản lý giao thông đường thủy rất phức tạp, luôn tiềm ẩn và xảy ra những vụ tai nạn bất ngờ, hy hữu khó đoán trước. Mỗi khi xảy ra tai nạn, nếu không ảnh hưởng đến tính mạng con người cũng thường gây thiệt hại lớn đến tài sản, tốn kém khi trục vớt tàu thuyền, khắc phục hậu quả.

Đáng buồn là hầu hết các vụ tai nạn đường thủy đều xuất phát từ “lỗ hổng” quản lý, từ sự chủ quan, thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy của chủ phương tiện, thuyền viên. Minh chứng là tình trạng “3 không” (phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, người lái không có chứng chỉ chuyên môn) tồn tại dai dẳng và phức tạp trong nhiều năm. Dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần ra quân, xử phạt nhưng vi phạm vẫn hoàn vi phạm.

Nguyên nhân dẫn tới việc nhờn luật này xuất phát từ thực tế sâu xa là phần lớn người làm nghề sông nước đã quen với cái “lệ” của đường thủy hễ vi phạm nộp phạt xong rồi...  hoạt động tiếp. Thậm chí, nhiều tàu thuyền bị “biên bản chồng biên bản”, nhưng chủ phương tiện vẫn không biết sợ, một phần bởi lợi ích thu được sau khi nộp phạt vẫn nhiều hơn (như chở quá tải) hoặc đỡ tốn kém hơn (như phải nộp thuế, phí khi đi đăng ký hành chính, đăng kiểm).

Thực tế là vậy, nhưng để khắc phục, giải quyết triệt để tình trạng nhờn luật này không phải dễ và một sớm một chiều có thể làm được. Lực lượng chức năng khi muốn tạm giữ phương tiện để tăng tính răn đe của pháp luật lại lúng túng, vướng mắc chỉ vì không có nơi tạm giữ tàu thuyền, hạ tải. Trường hợp buộc phải tạm giữ phương tiện, có đơn vị đành phải thuê cảng, bến hàng hóa, bến đò hoặc dùng nơi neo đậu phương tiện công tác để tạm giữ phương tiện vi phạm. Nhưng ngay cả có thuê được bến bãi, việc giữ tàu thuyền vi phạm cũng không dễ thực hiện, nhất là khi trách nhiệm xảy ra sự cố hoặc bảo vệ những phương tiện đường thủy với giá trị tài sản rất lớn vẫn chưa rõ ràng.

Một chuyên gia đường thủy thẳng thắn cho rằng, nếu các địa phương không quy hoạch, tổ chức khu vực giữ phương tiện vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ và cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan đến trông giữ phương tiện vi phạm, tình trạng nhờn luật và “3 không” trên đường thủy sẽ còn kéo dài. Điều này làm tăng nguy cơ mất ATGT và gia tăng TNGT đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới. Do đó, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần cấp thiết vào cuộc, xây dựng cơ chế và giải quyết dứt điểm những bất cập, hạn chế trên để sớm lập lại trật tự ATGT đường thủy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.