Điều tra

Dương Tự Trọng khóc trước tòa, được VKS đề nghị giảm án

22/05/2014, 15:46

Ngày 22/5, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xét xử Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng) và đồng phạm.

Ngày 22/5, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xét xử Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng) và đồng phạm về tội danh "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" theo Điều 275 Bộ luật Hình sự.

Dương Tự Trọng nhận tội thay đồng phạm

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm sáng nay, khi được HĐXX Tòa phúc thẩm gọi đứng lên trước vành móng ngựa để trả lời câu hỏi, bị cáo Dương Tự Trọng đã xin HĐXX mấy giây để mặc niệm cho người mất (bố của bị cáo Vũ Tiến Sơn). Bị cáo im lặng rồi rơi nước mắt. Chủ tọa sau đó đã tạm dừng việc việc xét hỏi ít phút.

Dương Tự Trọng khóc trước tòa
Dương Tự Trọng khóc trước tòa

Sau đó, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng đã khai toàn bộ sự việc giúp anh trai Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia vào năm 2012. Bị cáo cho rằng việc mình làm "không tinh vi" như quy kết của VKSND Tối cao và bản án sơ thẩm vì đi công khai, giữa ban ngày. Bị cáo cũng khai và nhận là người tổ chức mọi việc, nhận không thông báo cho những người tham gia biết "tình hình xấu của ông Dũng".

"Khi có việc của anh Dũng, gia đình chúng tôi đã quá bất ngờ nên lúc đó tôi nghĩ đến những anh em thân là Tuấn, Sơn, và Ánh. Nếu cần nhờ, tôi có nhiều mối quan hệ xã hội ở Hà Nội. Tôi là người điều tra nên biết và luôn giữ bàn tay sạch", ông Trọng nói.

Ông Trọng giải thích việc bảo cảnh sát Thắng và Ánh đi cùng ông Dũng là để bảo vệ, lo anh trai bị giang hồ làm càn. "Trong thâm tâm chúng tôi chỉ là che giấu tội phạm. Anh Dũng tự quyết định sang Camphuchia để từ đó sang Mỹ", cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng khai.

Bị cáo Trọng cho rằng việc bị quy kết phạm tội khoản 3 điều 275 (Tổ chức người khác trốn ra nước ngoài) là không đúng. "Không thể bảo chúng tôi gây ra dư luận xấu. Anh Dũng lúc bị bắt mới chỉ bị khởi tố tội Cố ý làm trái chứ chưa thêm tội Tham ô. Chả có điều luật nào quy định người bị quy kết phạm tội nghiêm trọng mà những người liên quan khác cũng là gây hậu quả nghiêm trọng", bị cáo trình bày.

Theo cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng này, việc làm của ông chỉ bị truy tố hành vi cản trở hoạt động cơ quan điều ra, mức phạt cũng không thể quá 5 năm tù. Một lần nữa, ông Trọng thể hiện tình anh em chiến hữu của mình: "Tôi không chỉ muốn xin cho tôi mà còn cho các anh em. Tôi có mặt hay không có mặt trên đời cũng không quan trọng, chỉ tội cho những người thân", bị cáo Trọng nói.

Dương Chí Dũng nhận tội chủ mưu

Với vai trò nhân chứng, ông Dũng cho biết sau khi nhận được mật báo tạm lánh đã điện thoại cho em trai. Dũng khai đầu tiên có ý định đi sang Trung Quốc nhưng bấm quẻ thấy không tốt. Trong túi lại có sẵn visa đi Mỹ vẫn còn hạn, lại có con gái đang học bên Mỹ nên quyết định đi Mỹ.

Dương Chí Dũng khái trước tòa
Dương Chí Dũng khai trước tòa

Tòa hỏi Dương Chí Dũng về những mối quan hệ khi ở tạm trong quá trình bỏ trốn. Dũng khẳng định quyết định đi Quảng Ninh và đi Hồ Chí Minh và quyết định trốn là do bản thân “còn chú Trọng chỉ đóng vai trò lo xe cộ và người đưa đón, ngay cả Phong cũng chỉ là người đi theo với tôi sang Singapore rồi mỗi người một ngả”.

“Ngay cả nếu Trọng không giúp tôi cũng sẽ đi được và sẽ tìm cách để làm các thủ tục được. Tôi cho thấy thấm thía sai lầm về quyết định trốn đi nước ngoài của mình tôi rất khổ tâm. Trừ Trọng ra, các bị cáo đều không được hưởng lợi”, Dương Chí Dũng nói. "Những anh em giúp tôi đi trốn, ngoài Ánh tôi mới biết, các anh em khác tôi đều đã biết từ trước. Nếu không có Trọng nhờ thì một trong những anh em này tôi cũng có thể quan hệ nhờ họ được".

Đề nghị giảm án cho Dương Tự Trọng và 5 đồng phạm

Chiều 22/5, đại diện VKSND Tối cao đã kết luận, đề nghị Tòa phúc thẩm giảm án cho Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc công an Hải Phòng) và 5 đồng phạm trong vụ tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.

 

Các bị cáo nghe VKS đề nghị mức án (Ảnh: Tuổi trẻ)
Các bị cáo nghe VKS đề nghị mức án (Ảnh: Tuổi trẻ)

Bà Phạm Thị Minh Yến, kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên toà đã luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, các bị cáo bị tuyên phạm tội “tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài”.

 

Đại diện viện kiểm sát đã điểm lại, đánh giá toàn bộ quá trình phạm tội của các bị cáo, từ giai đoạn Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam) được “mật báo” sẽ bị khởi tố và bắt tạm giam và lập kế hoạch bỏ trốn cho đến khi các bị cáo đưa Dương Chí Dũng sang Campuchia để xuất cảnh đi Mỹ nhưng không thành, sau đó phải về ẩn náu tại Campuchia. Đại diện viện kiểm sát đã đánh giá vai trò của từng bị cáo trong vụ án này.

 

VKS cho rằng hành vi tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài đã xâm phạm trực tiếp đến hoạt động xuất nhập cảnh. Các bị cáo sử dụng thủ đoạn tinh vi như dung sim rác, bí danh, thay đổi xe... gây tốn kém về việc điều tra, truy bắt; đồng thời gây ảnh hưởng đến dư luận, mất niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, ảnh hưởng đến uy tín lực lượng công an nói riêng và các cơ quan tố tụng nói chung.

 

Rêng bị cáo Dương Tự Trọng với tư cách là cán bộ công an đã dùng uy tín của cán bộ công an để tổ chức cho anh trai chốn đi nước ngoài. Việc xét xử sơ thẩm với mức án 18 năm là do bị cáo ngoan cố khai báo không thành khẩn. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bị cáo đã thành khẩn khai báo. Đây là tình tiết để giảm nhẹ tội cho Dương Tự Trọng.

 

Với các bị cáo khác, đại diện VKS cho rằng hình phạt tù của bản án sơ thẩm có phần hơi nặng. Do đó đại diện viện KSND tối cao tại phiên toà phúc thẩm đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh và giảm một phần hình phạt cho các bị cáo, bác kháng cáo của bị cáo Phạm Minh Tuấn.

 

Sau khi đại diện viện kiểm sát luận tội đối với các bị cáo, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo bắt đầu tiến hành tranh tụng.

Dương Tự Trọng và tình nhân viết thơ tặng nhau

 

Theo lời khai của nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, sau khi biết tin anh trai sẽ bị bắt và cần phải lánh đi một thời gian, ông Trọng đã gọi điện cho cô nhân tình tên Hoàng Kim Nhung. Trong cuộc gọi, Trọng chỉ nói anh trai mình muốn vào thăm nhà.

 

Nói về quan hệ của mình với chị Nhung, ông Trọng trình bày: “Có vợ tôi đây thì tôi cũng nói là tôi và Nhung là yêu nhau, làm thơ tặng nhau ạ”.

 

Cũng theo lời khai của ông Trọng, hầu như lần nào có dịp công tác ở Quảng Ninh, ông ta đều rẽ vào nhà ông Cường, bố của chị Nhung để thăm hỏi. Về phần chị Nhung, được triệu tập đến tòa nhưng chị này đã có đơn xin vắng mặt.

 

Quyết định đi Quảng Ninh, ông Dũng được bị cáo Phạm Minh Tuấn đưa vào nhà ông Cường, bố của chị Nhung để tá túc. Lúc này, khi nói chuyện với ông Cường, Dương Chí Dũng mới biết được quan hệ ngoài luồng của em trai với cô Nhung, còn trước đó Dương Tự Trọng giấu.

 

Được triệu tập đến tòa, bà H., vợ của Dương Tự Trọng với trang phục giản dị, gương mặt hiền lành, dễ gần. Trả lời thẩm vấn tại tòa, bà H. cho hay không hề biết gì về kế hoạch đưa anh trai bỏ trốn của chồng.

P.V (Tổng hợp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.