Giao thông

Đường đẻ trứng vàng cho bất động sản phía Tây Hà Nội tiến độ ra sao?

13/01/2022, 16:51

Dự kiến trong năm 2022, Hà Nội chi hơn 200 tỷ đầu tư đường Vành đai 3,5 (đoạn từ km0+0 - Km0+ 600) Hoài Đức...

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, theo quy hoạch Thủ đô Hà Nội, tuyến đường Vành đai 3,5 dài 45,64 km gồm 9 đoạn tuyến, có quy mô mặt cắt ngang từ 40-80m.

Hướng tuyến: Quang Minh - cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32 - Đại lộ Thăng Long - Quốc lộ 6 - Quốc lộ 1 phía Nam - Cao tốc pháp vân cầu Giẽ - Cầu Ngọc Hồi - Hưng Yên (đi qua các địa bàn: Đông Anh; Mê Linh; Bắc Từ Liêm; Hoài Đức; Hà Đông; Thanh Trì; Gia Lâm).

Theo UBND TP. Hà Nội, đoạn từ Đại Lộ Thăng Long - trục phía Nam (đường Lê Trọng Tấn và đường Phúc La - Văn Phú) dài 9,5km hiện đã hình thành đưa vào sử dụng.

Đoạn từ Quốc Lộ 32 - Đại Lộ Thăng Long dài 5,5km hiện đang được triển khai đầu tư theo quy hoạch dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2023.

5 đoạn đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dài hơn 26 km gồm: Cầu Thượng cát và nhánh nối phía bắc sông Hồng; Cầu Thượng Cát - Quốc Lộ 32; Đoạn tuyến nối với Đại lộ Thăng Long; Nút giao khác mức đại lộ Thăng Long; Đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Một đoạn chưa được nghiên cứu dự án dài gần 6km là đoạn nối từ cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ - Cầu Ngọc Hồi - Hưng Yên (bao gồm cả cầu Ngọc Hồi).

UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3,5 (đoạn từ km0+0 - Km0+ 600) huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Theo đó, trong năm 2022 - 2025, Hà Nội dự kiến chi hơn 200 tỷ đồng đầu tư dự án nguồn từ ngân sách TP. Về quy mô đầu tư, xây dựng tuyến đường dài khoảng 600m, mặt cắt ngang đường gần 13m phạm vi nút giao với Đại lộ Thăng Long.

Các hạng mục chủ yếu: Nền, mặt đường, hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, hào kỹ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác.

img

Đường Vành đai 3,5 đoạn Hoài Đức đang được đầu tư, xây dựng - Ảnh minh hoạ

Tại Tờ trình này, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Mục tiêu đầu tư, hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Quốc lộ 32 đến Đại lộ Thăng Long theo quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của Thủ đô theo định hướng trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong công cuộc hiện đại hoá đất nước.

Được biết, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường Vành đai 3,5 là tuyến đường kết nối khu vực phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng, nhiều phân khu đô thị và khu dân cư thuộc các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, huyện Thanh Trì và Hoài Đức..., tạo thành vành đai phía Tây Thủ đô.

Tuyến này nằm ngoài đường Vành đai 3 và nằm trong đường Vành đai 4 so với vị trí trung tâm thủ đô Hà Nội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.