Giao thông

Đường về miền Tây gặp khó vì “bão giá” vật liệu

07/06/2017, 19:37

Nhiều công trình giao thông tại khu vực Tây Nam bộ đang gặp khó do giá cát tăng đột biến.

thi công nền đường dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi

Công tác thi công nền đường dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang gặp nhiều khó khăn do nguồn vật liệu cát bị thiếu hụt trầm trọng

Được Bộ GTVT dành nhiều ưu tiên trong công tác đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng để đáp ứng đủ nhu cầu vận tải đến năm 2030, nhưng một số công trình giao thông tại khu vực Tây Nam bộ đang phải đối mặt với không ít khó khăn do giá cát tăng đột biến, nguồn cung ứng vật liệu không đáp ứng nhu cầu.

Giá “cắt cổ”, nguồn vật liệu vẫn thiếu

Chính thức triển khai xây dựng từ tháng 7/2016, dự án xây dựng tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được kỳ vọng sau khi hoàn thành cùng với dự án kết nối trung tâm Đồng bằng Mê Kông tạo thành tuyến trục dọc nối thông khu vực kinh tế trọng điểm Tây Nam bộ, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH  toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên đến nay, dự án đang đối mặt với không ít khó khăn khi giá cát tăng đột biến, nhà thầu phải thi công cầm chừng, khiến mục tiêu đưa công trình vào khai thác cuối năm 2018 đang bị đe dọa.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM - đại diện chủ đầu tư) cho biết, công trình đang bước vào giai đoạn triển khai đắp nền đường, nhu cầu sử dụng cát rất lớn nhưng nguồn cung thiếu hụt trầm trọng, nhà thầu tìm mọi cách xoay trở vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu vật liệu thi công. “Không chỉ riêng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, một dự án khác do Cửu Long CIPM đang triển khai là cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu cát trầm trọng để phục vụ thi công”, ông Toan nói và cho biết, giá cát tại khu vực Tây Nam bộ đang tăng rất cao, nhưng cũng không có đủ trữ lượng phục vụ thi công các dự án.

Theo ông Toan, qua khảo sát, tổng trữ lượng cát tại các mỏ ở khu vực Tây Nam bộ được cấp phép khai thác khoảng 2,25 triệu m3/năm, trong khi đó nhu cầu sử dụng từ 8 – 10 triệu m3/năm, riêng dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là 2 triệu m3 và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là 3 triệu m3. “Trữ lượng cát được cấp phép chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực tế. Chúng tôi tính toán, riêng dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trong vòng 10 tháng phải huy động  2 triệu m3 cát, bình quân mỗi ngày khoảng 6.000 – 7.000m3, nhưng thực tế chỉ đạt được 1.000 – 2.000 m3/ngày”, ông Toan nói và cho biết, nguồn vật liệu cát bị thiếu hụt khiến công tác thi công của các nhà thầu phải cầm chừng. Khối lượng thi công của dự án đến nay đạt khoảng 15%, chậm khoảng 2,5% so với kế hoạch đề ra.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, việc nguồn cung thiếu hụt đã kéo theo giá cát tại khu vực Tây Nam bộ bị “thổi” lên rất cao, trong khi nhiều địa phương chưa ban hành thông báo giá, hoặc có thông báo giá nhưng không theo kịp giá cát thực tế làm tăng thêm khó khăn cho các nhà thầu. “Theo thông báo giá của tỉnh Tiền Giang trong tháng 3/2017, giá cát vàng là 200 - 250 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế các nhà thầu đang phải mua với giá 400 – 500 nghìn đồng/m3 mà vẫn không đủ cát để mua”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, sắp tới, Bộ GTVT sẽ đề nghị các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ sớm ban hành thông báo giá trên cơ sở cập nhật, điều chỉnh lại để phù hợp với thực tế.

“Hiện nay, các nhà thầu thi công tại hai dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang bị thua lỗ vì giá cát thực tế cao hơn nhiều so với giá bỏ thầu, hơn nữa, thời gian vận chuyển vật liệu kéo dài làm tăng chi phí vận tải. Vừa qua, Cửu Long CIPM đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thống kê xem xét biến động về giá và cập nhật các chỉ số về giá vật liệu cho chuẩn xác. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị UBND các tỉnh khu ở khu vực Tây Nam bộ sớm đưa ra thông báo giá cát sát với thực tế, nếu không sẽ không có cơ sở để điều chỉnh bù giá cho các nhà thầu”, ông Toan cho biết thêm.

Hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu vận tải đến năm 2030

Theo kế hoạch, dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với quy mô 4 làn xe dài 52km (TMĐT: 6.600 tỷ đồng), không có nút giao đồng mức trên tuyến (tương đương quy mô cao tốc) sẽ hoàn thành vào 31/12/2018. Khi đó, tuyến đường sẽ kết nối với cầu Vàm Cống, tuyến tránh Rạch Giá và dự án kết nối trung tâm Đồng bằng Mê Kông tạo thành tuyến trục dọc nối thông toàn khu vực kinh tế trọng điểm Tây Nam bộ. Đồng thời, hai dự án cao tốc có quy mô rất lớn, lên tới gần 20.000 tỷ đồng là Trung Lương – Mỹ Thuận (dài 51km, TMĐT: gần 12.000 tỷ đồng) và Mỹ Thuận – Cần Thơ (dài 24km, TMĐT: 5.600 tỷ đồng) hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác trong năm 2020 sẽ làm thay đổi bộ mặt hạ tầng của toàn khu vực Tây Nam bộ.

cau vam cong

Cầu Vàm Cống đang được triển khai xây dựng

Chia sẻ với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, trong những năm qua, Bộ GTVT đã tập trung nguồn lực đáng kể để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng làm thay đổi bộ mặt hạ tầng của vùng Tây Nam Bộ, như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi... góp phần phá thế ngăn sông cách trở, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, an toàn.

Liên quan đến hệ thống đường bộ cao tốc, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, theo quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016, đoạn TP.Hồ Chí Minh – Cà Mau có tổng chiều dài 320km. Hiện nay, cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương (dài 40km) đã đưa vào khai thác, hai dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành (dài 55km) và Trung Lương – Mỹ Thuận (dài 51km) đang triển khai xây dựng; đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ (dài 24km) đang phê duyệt dự án để lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến khởi công năm 2018 và hoàn thành trong năm 2020.

“Đối với đoạn Cần Thơ – Cà Mau dài 150km hiện đã có tuyến QL1 và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp song hành nên cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030”, ông Sơn nói và cho biết, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh, gồm các dự án: Cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi với quy mô tương đương đường cao tốc  để kết nối từ TP.Hồ Chí Minh đến Rạch Giá.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Dài 55km, quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 100km/h. Điểm đầu tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang), điểm cuối tại nút giao với QL30 tại Km 100+750 (Tiền Giang). Dự án được đầu tư bằng hình thức BOT với tổng mức đầu tư phê duyệt điều chỉnh dự kiến gần 12.000 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ: Dài 24km, quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 100km/h. Điểm đầu tại nút giao QL80 (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), điểm cuối tại nút giao Chà Và (TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Dự án được đầu tư bằng hình thức BOT, tổng mức đầu tư dự kiến 5.600 tỷ đồng.

Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi: Dài 52km, quy mô 4 làn xe, không có nút giao đồng mức trên tuyến, vận tốc thiết kế 100km/h (tương đương đường cao tốc). Điểm đầu tại Km02+104 (Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), điểm cuối tại Km53+279 (H.Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Dự án có tổng mức đầu tư 6.600 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.