Thời sự Quốc tế

Duyệt binh ở Triều Tiên khiến nhiều người ngỡ ngàng: An toàn trước Covid-19

09/09/2021, 17:36

Hình ảnh không có ai đeo khẩu trang trong cuộc duyệt binh và cả trên khán đài cho thấy Triều Tiên an toàn trước Covid-19.

Triều Tiên đã trưng bày máy kéo và xe cứu hỏa thay vì xe tăng và tên lửa tại cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng vào sáng sớm ngày thứ Năm (9/9), đây được xem là buổi lễ lớn thứ ba của quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân trong vòng chưa đầy một năm.

Bình Nhưỡng đã tiếp tục theo đuổi các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo và thường sử dụng các cuộc diễu hành quân sự để thể hiện những phát triển mới nhất của mình.

Vào lần phô diễn gần đây nhất, được tổ chức vào tháng Giêng - vài ngày trước khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ - tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đã được xe chở lăn bánh qua Quảng trường Kim Nhật Thành trước mặt ông Kim Jong Un đang cười tươi.

img

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un - ảnh KCNA.

Khi đó, hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) chính thức mô tả chúng là "những vũ khí quyền lực nhất thế giới”.

Nhưng sự kiện "lực lượng bán quân sự và an ninh công cộng" của Triều Tiên được phô diễn hôm thứ Năm kém quyết đoán hơn đáng kể so với những lần phô diễn sức mạnh trước đây.

Lần này, tham gia diễu duyệt còn có các biệt đội tượng trưng từ Bộ Đường sắt, hãng hàng không quốc gia Air Koryo và Tổ hợp Phân bón Hungnam, theo KCNA.

Cuộc duyệt binh có các sinh viên mang súng trường, nhân viên đeo mặt nạ phòng độc và các đội hình mặc những bộ quần áo bảo hộ màu cam, cũng như các đơn vị bán quân sự được cơ giới hóa, không có người tham gia hoặc khán giả nào đeo khẩu trang, hình ảnh cho thấy Triều Tiên an toàn trước dịch bệnh.

img

Quảng Trường Kim Nhật Thành chật kín người nhưng không ai cần đeo khẩu trang - ảnh KCNA.

Các loại vũ khí lớn nhất được trưng bày là những quả pháo nhỏ được kéo bởi máy kéo. Hãng KCNA nói rằng chúng được điều khiển bởi các công nhân nông trường hợp tác "để tiêu diệt những kẻ xâm lược và lực lượng chư hầu của chúng bằng hỏa lực trong trường hợp khẩn cấp".

Và thay vì những tên lửa khổng lồ là cao trào thông thường của một cuộc diễu hành quân sự, đơn vị cuối cùng tiến vào quảng trường là đội cứu hỏa của lực lượng an ninh công cộng.

img

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un mặc bộ vest kiểu phương Tây màu xám nhạt và đeo cà vạt phù hợp - xuất hiện trước đám đông đang cổ vũ nô nức khi pháo hoa được kích hoạt vào lúc nửa đêm.

Theo KCNA, ông Kim Jong Un "gửi lời chào nồng nhiệt tới tất cả người dân cả nước".

"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình", một quan chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với AFP.

img

Quân đội Triều Tiên - ảnh KCNA.

Bình Nhưỡng trước đây đã sử dụng các cuộc duyệt binh để gửi thông điệp đến khán giả ở nước ngoài và ở trong nước, thường tính thời gian trùng với các ngày kỷ niệm.

Ngày hôm nay đánh dấu 73 năm kể từ khi thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Triều Tiên đã không thực hiện một vụ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kể từ năm 2017.

img

Lực lượng mô tô ba bánh - ảnh KCNA.

Ông Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, cho biết, thay vào đó, Bình Nhưỡng đã khai thác các cuộc diễu hành để hạn chế nguy cơ leo thang.

Ông Hong Min nói với hãng AFP: "Cách khác duy nhất để phô trương vũ khí chiến lược của họ là phóng chúng, điều này có nguy cơ gây ra phản đối và các lệnh trừng phạt quốc tế tiếp theo".

“Triều Tiên vẫn cảm thấy cần phải gây áp lực để Mỹ đến bàn đàm phán” – chuyên gia Hong Min nhận định.

img

Một khối diễu duyệt của quân đội Triều Tiên - ảnh KCNA/AP.

Các cuộc đàm phán hạt nhân của Triều Tiên với Hoa Kỳ đã rơi vào bế tắc kể từ khi cuộc gặp thượng đỉnh năm 2019 không thành công như mong đợi giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt và những gì Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ để đổi lại.

Đặc phái viên Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Sung Kim đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng gặp những người đồng cấp Triều Tiên "ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào".

Chính quyền của ông Joe Biden đã hứa sẽ có một "cách tiếp cận thực tế, được điều chỉnh", bao gồm các nỗ lực ngoại giao, để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình vũ khí bị cấm.

Nhưng Triều Tiên chưa bao giờ cho thấy có dấu hiệu sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, và đã bác bỏ các nỗ lực của Hàn Quốc nhằm khôi phục đối thoại.

Tháng trước, cơ quan nguyên tử của Liên Hợp Quốc (IAEA) cho biết Bình Nhưỡng dường như đã khởi động lò phản ứng tái chế sản xuất Plutonium tại Yongbyon, gọi đây là một sự phát triển "gây rắc rối sâu sắc", và em gái của ông Kim Jong Un và cố vấn chủ chốt của nhà lãnh đạo - bà Kim Yo Jong, đã yêu cầu rút quân đội Mỹ khỏi bán đảo.

Đồng thời, Triều Tiên đang phong tỏa để phòng dịch Covid-19, đã đóng cửa biên giới của mình để bảo vệ đất nước khi là quốc gia có đường biên giới sát nước láng giềng Trung Quốc.

Trong nước, cuộc duyệt binh này là một cơ hội để nâng cao tinh thần và "sự đoàn kết của quần chúng", ông Hong Min nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.