Xem - ăn - chơi

Em là ai trong đám đông nghiệt ngã

31/12/2018, 13:22

Hồi ấy, ông tiêu tiền không phải nghĩ. Một đêm đi bar bằng người ta làm nửa năm trời.

46

Ảnh minh họa

Ông chưa già lắm mà đã mắc bệnh sợ đám đông. Hễ thấy người ta xúm xít tung hô hay xỉa xói ai đó là ông tránh xa. Thiên hạ khối người trách ông vô tâm. Ông dửng dưng bảo “chuyện của đám đông chứ đâu phải của tôi. Quan tâm làm gì cho mệt”.

Một người đi từ bùn lầy lên đến đỉnh vinh quang, rồi lại từ đỉnh vinh quang lăn xuống từng bậc một như ông sẽ thấy mọi thứ rất bình thường. Niềm vui của ông bây giờ là mấy đàn gà. Chúng quanh quẩn vườn nhà nhặt thóc, bới giun, cất tiếng gáy vang trời, theo chân ông líu ríu. Thứ đám đông lích chích ấy khiến ông thấy khuây khỏa. Bởi không có cái bẫy nào giăng sẵn. Có chăng là cái bẫy bình yên mà khi sa vào người ta không còn tha thiết với đám đông ngoài kia nữa.

Hai mươi năm trước ông là khuôn mặt ăn khách của hầu hết các bộ phim nổi tiếng. Những bộ phim thời chiến luôn mời chào, chèo kéo bằng được gã tài tử đào hoa. Ông là con át chủ bài của làng điện ảnh thời ấy. Phim nào có ông coi như đã thành công một nửa. Hồi đó đi đâu cũng thấy người ta nhắc đến tên “Thành bụi”. Nhà nào cũng thấy treo lịch in hình của ông đang cười tươi bên mấy cô diễn viên điện ảnh cũng thuộc loại “một nụ cười đáng giá cả lượng vàng”.

Hồi ấy, ông tiêu tiền không phải nghĩ. Một đêm đi bar bằng người ta làm nửa năm trời. Có tiền thì gái gú, bạn hữu vây quanh. Có danh thì đi đến đâu cũng có người hâm mộ. Thiên hạ kháo nhau “Thành bụi” mà chịu để người hâm mộ mời cơm thì đi từ Bắc vào Nam chỗ nào cũng có mâm cao cỗ đầy mời mọc. Những năm tháng đỉnh cao của sự nghiệp ông chưa bao giờ nghĩ tới cái ngày mình chẳng còn gì trong tay, ngay cả một vai diễn nhỏ.

Xuyên giơ lên trước mặt ông túi lòng dồi lợn mới mua ngoài chợ kèm cân bún lá. Chị giục ông ăn đi cho nóng, suốt ngày chúi mũi vào mấy cuốn sách riết rồi chẳng biết ngoài kia đổi thay đến thế nào. Chị vừa đi bầy đồ nhậu vừa kể khơi khơi chuyện ngoài chợ có đôi vợ chồng nọ sáu mươi tuổi còn lôi nhau ra tòa đòi li dị. Tài sản cái gì cũng cưa đôi. Hai sạp hàng giờ mỗi người một sạp. Căn nhà hai tầng cũng chia đôi theo cách ông chồng ở tầng một còn bà vợ, cô con gái cả và hai đứa cháu ngoại ở tầng trên. Khổ nỗi ông không cho vợ con mình đi nhờ cầu thang.

“Nên sáng nay em qua chợ thì thấy bà vợ thuê thợ gò hàn về lắp một cái cầu thang sắt bên ngoài thông lên tận tầng hai”. Xuyên than “trời ơi, trông chướng tai gai mắt vô cùng. Mấy chục năm đầu ấp tay gối, con cháu đuề huề mà giờ nỡ cạn tàu ráo máng với nhau”.

Bếp ở tầng một, giờ ông không cho con gái nấu nhờ. Nên vợ con phải kê chiếc bếp ga mini ra ngoài ban công nấu tạm. Ngày gió lửa tạt, ngày mưa ướt sũng. Vợ con hôm nào cũng ăn cơm chan với nước mắt và lời chửi tục tằn. Đùng cái bà vợ cũ bị tai biến, mất mấy hôm trước. Hôm ở nhà tang lễ em thấy ông chồng đến viếng cũng khóc như ai. Vậy mà sáng hôm sau đã thấy đèo một con bồ khác luồn lách giữa chợ người. Người đâu mà tệ…

- Anh có biết chuyện gì xảy ra không?

- Làm sao tôi biết được.

- Chồng của con bồ cũ tìm đến đánh cho rịa cả sọ não. Báo hại con gái phải xách cơm lên viện trông nom. Từ mặt con không biết bao nhiêu lần giờ không biết có thấy ăn năn không ông nhỉ?

- Tôi đâu phải là ông ấy. Làm sao tôi biết được ông ấy có quay đầu nhìn lại hay không. Bà hỏi gì kì.

- Mà kể cũng lạ. Đã có duyên chồng vợ với nhau mà sao không biết quý. Họ đâu biết được ăn cùng nhau một bữa cơm, tối kê đầu cho nhau ngủ, lúc ốm đau được chăm sóc cho nhau đấy chính là hạnh phúc. Như em đây này, thương người ta từ khi còn chưa kịp lớn đến tận lúc sắp sửa bạc đầu mà cũng đâu được người ta thương lại. Phải không anh?

Xuyên đứng dậy đi pha cho ông một cốc trà hoa hồng. Thứ hoa được trồng trên một thung lũng mây ở Hòa Bình. Lúc thả những nụ hồng vào ấm trà chị cảm giác như thấy mây tan ra trong làn nước. Đó là những đám mây vẫn bay ngang qua giấc mơ của chị. Giấc mơ được cùng người mình thương chu du khắp mọi nơi, uống trà dưới mây và hát cho nhau nghe vào những ngày nắng ấm.

Nhưng ông là người không thích giằng níu đời mình vào bất cứ thứ gì, một người đàn bà, một mái ấm gia đình lại càng không. Cứ như thể trên đời này chẳng có gì khiến ông tin tưởng. Ngay cả chị, mê ông từ hồi mười sáu tuổi đến giờ. Bỏ cả gia đình để theo chân ông từ lúc đỉnh cao sự nghiệp cho đến khi chỉ còn là người đàn ông tàn tạ trước thời gian.

Từng có lần chị hỏi: Sao anh lại không thể tin em? Ông nhấp hụm trà xuân ngẩng đầu nhìn mây trắng mà cười. “Đến máu mủ cô còn bỏ được để đi theo một người dưng. Thì cô bảo tôi tin cô sao nổi?”. Xuyên nghe tim mình nhói lên rồi chết lịm. Sau này không bao giờ chị hỏi lại câu ấy nữa. Coi như lời tỏ tình bị người ta vứt lăn lóc đâu đó héo khô, tan ra như lá mục rồi bình thản dẫm chân lên nó mỗi ngày.

Có hôm chị đến chơi, nhìn dáng ông ngồi đơn độc giữa trời chiều lao xao mà thấy thương thắt ruột. Để rồi lại tự nhủ người ta là người dưng nước lã, mắc gì mà thương…

* *

*

Buổi tối, lúc đang ngồi ăn cơm nguội với cá bống kho thì tivi quay cảnh các cầu thủ trở về trong vòng tay chào đón của biển người hâm mộ. Ông như thấy lại mình của ngày tháng huy hoàng đi đến đâu cũng có những cánh tay vẫy gọi. Ông sa vào những lời rủ rê mời gọi. Vùi mình trong những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Mặc sức hét giá cao chót vót cho những vai diễn của mình. Nhưng lại đến trường quay bằng những cơn say, hơi men nồng cay lời thoại. Ông không biết có những kẻ đứng đằng sau kích động đám đông. Đám đông càng tung hô thì ông càng kiêu căng, phá vỡ mọi giới hạn. Bởi, ông cứ ngỡ mình có quyền năng của một kẻ đứng trên đỉnh cao danh vọng. Nhưng đến lúc ông tỉnh lại thì thấy mọi thứ xung quanh đều đã rời bỏ mình đi. Đám đông ngoài kia thực chất là một cái bẫy chết người.

- Em không phải là đám đông ấy. Anh biết rõ, đúng không?

Ông đang mải ngó miên miết một cánh chim đơn độc đang bay về phía núi. Cánh chim ấy giống cuộc đời chính ông? Hay là hình bóng của người đàn bà đang ngồi phía sau găm ánh nhìn bỏng rát vào gáy ông. Vẫn là ánh nhìn ấy của hơn hai mươi năm về trước lúc ông đi ngang quán bún riêu cua gần cảng biển Hải Phòng, dừng lại gọi một bát bún đầy lót dạ. Trong quán đốt một đống lửa nhỏ đủ xua đi cái lạnh lẽo của gió biển thổi vào hun hút. Cô bé chất thêm củi, khép hờ hai cánh cửa ọp ẹp cho đỡ gió, mang cho ông một cốc trà gừng đặt ngay trước mặt. Không thấy ngôn từ nào cất lên trong một đêm mùa xuân gió rét. Khi ấy ông vừa tàn cuộc chơi, vét trong túi chỉ còn vài đồng lẻ. Trên cơ thể váng vất mùi bia rượu và son phấn rẻ tiền. Thì chỉ có đôi mắt của cô bé gầy nhẳng và đen nhẻm là ấm ran như than lửa găm vào gáy của ông. Hơn hai mươi năm qua trước dâu bể cuộc đời chỉ duy nhất ánh nhìn ấy là vẫn không thay đổi.

- Sáng nay ngủ dậy em thấy có sợi tóc bạc rơi ra gối. Mà cũng không biết phải tóc em hay là lông của con mèo già. Chẳng nhẽ em già nhanh đến thế sao?

Ông vẫn không quay lại chỉ hỏi bâng quơ. Em bao nhiêu tuổi rồi ấy nhỉ? Đã bốn mươi rồi sao? Hồi gặp nhau em mới mười lăm tuổi. Hai mươi lăm năm đã trôi qua, nhanh thật. Xuyên ngồi nhóm lửa, bếp khói mù khói mịt. Chị vừa thổi bếp vừa cười trong làn khói. Người ta dành hai năm tuổi xuân để phấn đấu làm ông nọ bà kia, nhà cao cửa rộng, ước vọng xa xôi. Còn chị, dành mấy chục năm chỉ để yêu một người không yêu mình. Một người chưa từng ngoảnh mặt lại nhìn chị. Một người hằn học với đám đông nhưng lại luôn nghĩ về đám đông. Mà chị thì chẳng bao giờ có mặt trong đám đông nào cả. Chị luôn đứng đó, một mình, hướng ánh nhìn về phía gáy ông. Gáy của người đơn độc.

- Kể cũng lạ. Anh sợ đám đông mà ôm trọn đám đông trong trí óc của mình.

- Phải chăng đấy mới chính là cái bẫy nguy hiểm nhất của những đám đông?

- Mỗi người đều có quyền khước từ một đám đông nào đó. Em chỉ thương khi thấy anh nghĩ về đám đông mà lại luôn đơn độc. Có phải bản chất của đám đông là gồm nhiều cá thể đơn độc quây tụ lại? Họ không nghe thấy tiếng nói của nhau cũng chẳng nghe được tiếng nói của chính mình?

Ông không nói gì, chăm chú nhìn bóng chị đổ dài trên mảnh sân chênh chếch nắng. Người đàn bà ấy cả đời chỉ đứng đằng sau đổ bóng về phía ông lặng lẽ. Ông tự hỏi bẫy của đám đông phải chăng đã khiến ông quên đi những người đang lặng lẽ vì mình? Mà thôi, bây giờ với ông điều ấy đâu có gì quan trọng. Ông khẽ xoay người lại nhìn người đàn bà đã bỏ lại sau gáy ông trọn vẹn tuổi thanh xuân. Để kịp nhận ra trong mớ tóc đang rối bù lên vì gió có lẫn vài sợi mây. Ông bỗng thấy lòng nhẹ tênh như lá khô cuối mùa, vừa thanh thản lại vừa trống rỗng. Xuyên lúc này còn đang mải ngó dây phơi, trên ấy có chiếc áo rơi đâu mất hai cái cúc. Chị đang tính sáng mai ra hàng xén mua cúc về đơm lại cho ông…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.