Điện ảnh

"Em và Trịnh" và dòng phim tiểu sử có tồn tại "vùng cấm"?

25/06/2022, 10:00
image

Từ những phản hồi của danh ca Khánh Ly về phim "Em và Trịnh", liệu có hay không các nguyên tắc hay giới hạn khi làm phim về 1 nhân vật có thật?

Phim tiểu sử, hư cấu bao nhiêu là đủ?

"Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hiện đã tiến gần hơn với con số doanh thu trăm tỷ khi thu về 82 tỷ đồng (tính đến hết ngày 24/6).

Tuy nhiên, bộ phim cảm hứng từ cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đang đối mặt với những phản ứng trái chiều. Đặc biệt, khi phim bị danh ca Khánh Ly lên tiếng phản ánh có nhiều tình tiết không đúng sự thật.

img

Danh ca Khánh Ly

Không những vậy, nữ danh ca còn khẳng định với Báo Giao thông rằng: "Đoàn làm phim có gửi cho tôi xem 1 số phân đoạn kịch bản nói về cá nhân tôi sẽ được tái hiện trong bộ phim, nhưng tôi không đồng ý một vài điểm, những chi tiết không đúng sự thật, tôi đề nghị thay đổi tên nhân vật gì đó chứ đừng để Khánh Ly nữa".

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng từng khẳng định: “Ngày đầu tiên gặp gia đình nhạc sĩ, tôi có nói, nếu gia đình đồng ý cho tôi làm phim này, gia đình phải chấp nhận một chuyện có thể hình ảnh nhạc sĩ trong phim không đẹp hết, sẽ có lúc xấu, lúc đẹp.

Chúng tôi không thể chỉ kể chuyện tốt của ông mà cần cả những chuyện “xấu” trong đó mới tạo nên con người thú vị. Gia đình rất tôn trọng và đồng ý với việc đó”. Dù sau đó, đạo diễn đã quyết định chọn làm phim theo lối an toàn.

Giữa những ý kiến trái chiều, vấn đề đặt ra là: "Có hay không các nguyên tắc hay giới hạn khi làm phim điện ảnh về một nhân vật có thật?"

Chia sẻ với Báo Giao thông, biên kịch, chuyên gia truyền thông điện ảnh Châu Quang Phước khẳng định, điện ảnh là một ngành nghệ thuật sáng tạo, sẽ chẳng có bất kỳ “công thức” nào trong chuyện làm phim ở bất kỳ thể loại nào.

Với dòng phim tiểu sử, nếu liên quan đến các nhân vật còn sống, cho dù là nguyên mẫu chính hoặc phụ về các nhân vật trên phim, bằng tên thật được giữ lại, cần phải có một sự trao đổi với nhau một cách tối thiểu giữa người làm phim và nguyên mẫu.

img

Tạo hình của nhân vật Khánh Ly (Bùi Lan Hương thủ vai) trong phim "Em và Trịnh"

"Trong trường hợp của "Em và Trịnh", việc nguyên mẫu như danh ca Khánh Ly lên tiếng không đồng tình về nhân vật của mình trên phim cho thấy, thân nhân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải là bên có quyền lên tiếng duy nhất về một sự thật đã từng.

Và như người Việt thường nói: Cái tình là thứ có thể gửi trao nếu có thành tâm thiện ý với nhau, mọi dụng công khác đều không thể thay thế được!

Ngay cả một vài góp ý thiết yếu của nữ danh ca dường như cũng không được những người làm phim lưu tâm, dù vẫn có động thái hỏi ý từ kịch bản liên quan trước lúc bấm máy.

Đây dĩ nhiên cũng là thế khó của người làm phim khi thực hiện phim tiểu sử về người nổi tiếng, trong lúc vẫn còn nhiều chứng nhân của lịch sử, nhưng vì một số lý do nào đó đã ơ hờ bỏ qua hoặc tham khảo thiếu thành ý với nhân vật liên quan", ông Phước nhận định.

Vì sao phim tiểu sử thế giới ít gây tranh cãi?

Nhìn ra thế giới, phim tiểu sử vẫn luôn được đan xen các yếu tố hư cấu. Ông Châu Quang Phước lấy ví dụ về phim kinh điển “Amadeus” (1984), kể về nhạc sĩ thiên tài người Áo Wolfgang Amadeus Mozart, nhưng với câu chuyện phần nhiều là hư cấu.

Hiển nhiên nhạc sĩ Mozart - người sống ở nửa cuối thế kỷ 18, không thể “đội mồ sống dậy” để phân định thiệt hơn, nếu có.

img

Biên kịch, chuyên gia truyền thông điện ảnh Châu Quang Phước

Nhưng với một phim tiểu sử như “The House of Gucci” (phát hành năm 2021) - kể về gia tộc - đế chế thời trang của nhà Gucci, hình thành hồi những năm đầu thế kỷ 20 lại là một câu chuyện khác.

"Chẳng hạn, giới phê bình quốc tế và khán giả đại chúng đánh giá cao về phim này, thế nhưng gia tộc Gucci lại cảm thấy bị phỉ báng, xúc phạm với cách hình dung của những người làm phim về nhân vật Patrizia Reggiani (Lady Gaga thủ vai), vợ cũ của nhà thiết kế thời trang Maurizio Gucci. Chỉ là chưa đến mức xảy ra kiện tụng nhau, nên xem như mọi thứ vẫn còn nằm trong giới hạn cho phép", ông Phước phân tích.

Do đó, ông Phước cho rằng, điều thuyết phục khán giả ở phim tiểu sử không phải là yếu tố hư cấu bao nhiêu là đủ, mà nằm ở ngôn ngữ điện ảnh của người làm phim. Nếu làm tốt đều này, ngay cả có xảy ra bất đồng liên quan một tiểu sử hư cấu, mọi thứ cũng sẽ được công chúng chia sẻ và đồng cảm.

img

Một số hình ảnh của danh ca Khánh Ly và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn trẻ

"Trở lại bộ phim tiểu sử về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dường như khả năng thuyết phục của phim với nhiều đối tượng khán giả là không cao.

Nhất là với lớp người cùng thời của nhân vật, họ đã có những trải nghiệm về lịch sử liên quan với nhân vật. Trong khi đó, các thế hệ sau lại chưa thể thấu hiểu được tinh thần của con người thời đại trước", ông Châu Quang Phước cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.