Xã hội

Emagazine: Hậu trường "vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn cứu con gái mắc Covid-19

01/04/2020, 16:59
image

“Trễ chừng nào thì cơ hội cứu sống bệnh nhân càng ít chừng đó”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - cha của cô gái nhiễm Covid-19 tại Anh nói.

"Trễ chừng nào thì cơ hội cứu sống bệnh nhân càng ít chừng đó", ông Johnathan Hạnh Nguyễn - cha của cô gái nhiễm Covid-19 tại Anh nói.

img

Nguyễn Hồng Thảo Tiên – Phó TGĐ phát triển thị trường thời trang cao cấp của IPP

Ông Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương kể, cuối tháng 2, con gái của ông là Thảo Tiên đang tham dự các show thời trang ở châu Âu với tư cách Phó Tổng giám đốc phát triển thị trường thời trang cao cấp của tập đoàn gọi về báo tin có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Cô đã hủy nhiều lịch làm việc và tự cách ly tại nhà.

“Với tính cách mạnh mẽ, ngay lập tức cháu đã đến bệnh viện tại Anh khai báo có tiếp xúc với người dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, bệnh viện đưa cháu vào một phòng riêng, chỉ trao đổi qua điện thoại và tư vấn về nhà tự cách ly, tự mua thuốc ho, thuốc hạ sốt dùng khi cần. Thảo Tiên xin được làm xét nghiệm nhưng không được đồng ý.

Gia đình ở Việt Nam lúc này rất lo lắng. Đến tối ngày 3/3, cháu gọi về kể ho nhiều hơn và khó thở nên gọi cấp cứu. Nhưng qua điện thoại, nhân viên y tế vẫn hướng dẫn “không sốt thì cứ ở nhà chờ sáng hôm sau vì bệnh viện đang có rất nhiều ca khẩn cấp”, ông Hạnh Nguyễn kể lại.

Đối mặt với khoảnh khắc sinh tử của con gái, chúng tôi đã suy nghĩ làm sao để đưa con về Việt Nam nhanh nhất có thể, bằng mọi giá. Nhưng bằng cách nào để đưa con về nước mà tránh được việc lây lan cho cộng đồng?

Hai vợ chồng tôi sau đó đã bàn bạc nhiều cách. Hay đưa con lên máy bay thương mại, đeo khẩu trang 3M, mặc đồ bảo hộ… thế là an toàn. Nhưng nếu Thảo Tiên thực sự nhiễm bệnh thì sao? Cả khoang hạng thương gia sẽ có nguy cơ lây nhiễm, chưa kể những người Thảo Tiên sẽ tiếp xúc khi làm thủ tục hàng không. Sau đó, những người này sẽ lây tiếp ra cấp số nhân và sẽ là gánh nặng cho Chính phủ, gánh nặng cho xã hội.

Không muốn con liên lụy đến người khác, cuối cùng chúng tôi quyết thuê chuyên cơ đưa Thảo Tiên về nước cho dù trước mắt là một núi thử thách cả về chi phí cũng như thủ tục bay, ông Hạnh Nguyễn nói.

Việc thuê chuyên cơ sẽ không quá phức tạp nếu ông Hạnh không đặt thêm giả thiết: Kể cả đi máy bay riêng vẫn có nguy cơ lây sang thành viên phi hành đoàn. Vậy phương án là gì, khi thời gian đã quá gấp rút?

“Tôi đã nhất quyết yêu cầu hãng máy bay chọn loại tốt nhất, hiện đại nhất, đương nhiên là phải trả giá thuê cao nhất nhưng có thể bay thẳng, liên tục 12 tiếng từ London về TP.HCM. Đây là loại máy bay dành cho các tỷ phú thế giới, có phòng khách riêng, gia đình có thể liên lạc với con suốt chuyến bay. Có phòng ngủ cách ly hoàn toàn với phần còn lại của máy bay. Đây là điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cháu và cả những người xung quanh”, ông Hạnh kể.

10 giờ sáng ngày 8/03 (giờ London), Thảo Tiên được một xe chuyên dụng đưa từ căn hộ ra thẳng chân cầu thang máy bay theo lối VIP chỉ phục vụ các chuyến bay chuyên cơ. Cô ngồi cách ly với tài xế bằng vách ngăn kính.

Các yêu cầu xuất cảnh cũng đã được hãng máy bay hoàn tất trước đó. Mọi thủ tục chào đón khách theo thông lệ đã được người thuê tàu bay yêu cầu bỏ hết.

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho phi hành đoàn, suốt chuyến bay, Thảo Tiên ở trong phòng riêng, đóng cửa kín, khi cần việc gì chỉ cần bấm chuông, tiếp viên đến đặt thức ăn trước cửa phòng rồi trở về khu vực của tổ bay, tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp. Thậm chí, ông Hạnh yêu cầu hãng vứt bỏ, tiêu huỷ mọi dụng cụ mà Thảo Tiên sử dụng trong suốt hành trình và chấp nhận trả thêm tiền. Như vậy toàn bộ tổ bay, phi hành đoàn sẽ yên tâm hơn.

Khi chuyến bay đặc biệt hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, 1 thành viên trong phi hành đoàn mở cửa máy bay, cơ quan phòng chống dịch bệnh tại sân bay tiếp nhận bệnh nhân bằng xe chuyên dụng theo đúng quy trình.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đưa Thảo Tiên về Bệnh viện dã chiến Củ Chi vào phòng cách ly riêng, lấy mẫu xét nghiệm. Không ngoài dự liệu của gia đình, Thảo Tiên sau đó có kết quả dương tính với Covid-19. Và mọi sự cẩn thận của người cha đã giúp hạn chế tối đa các ca lây nhiễm từ con mình ra cộng đồng.

“Để có được chuyến bay này, tôi trân trọng cảm ơn bạn bè trong và ngoài nước đã hỗ trợ, giúp đỡ tôi thuê và xin phép bay khẩn cấp qua không phận của nhiều nước dù chỉ vỏn vẹn trong vòng 12 tiếng, lại là ngày cuối tuần. Trong khi theo lệ thường, các chuyến bay quốc tế đường dài như vậy cần phải lên kế hoạch trước ít nhất là 36 tiếng. Chuyến bay đặc biệt này chỉ có thể thực hiện được khi cứu người như cứu hỏa”, ông Hạnh nói.

Trước câu hỏi, Anh là nước phát triển, có nền y tế hiện đại, tại sao lại quyết định bằng mọi giá đưa Thảo Tiên về Việt Nam chữa bệnh? Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, có nhiều lý do đưa đến quyết định cân não đó.

Trước hết, đó là tình cảm của người làm cha làm mẹ, không thể nào yên tâm khi con ngã bệnh ở phương trời xa mà không được gần gũi chăm sóc, động viên.

Kế đến là vì bệnh viện ở London từ chối khám, xét nghiệm trong giai đoạn đầu, chỉ yêu cầu cháu cách ly tại nhà chờ khi có triệu chứng sốt (mặc dù cháu đã ho và bắt đầu khó thở).

Và điều quan trọng hơn hết, đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào phương pháp điều trị của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng khi đã có nhiều người nhiễm Covid-19 được chữa khỏi thời điểm đó.

Ông Hạnh Nguyễn cũng thừa nhận, hệ thống y tế và cơ sở vật chất ở phương tây có điều kiện hơn Việt Nam nhưng Covid-19 là bệnh mới phát hiện trên toàn cầu nên ở góc độ điều trị, nước nào có kinh nghiệm hơn sẽ thắng.

“Việt Nam có kinh nghiệm chiến thắng bệnh dịch SARS những năm trước. Trong giai đoạn bệnh dịch Covid-19 đang hoành hành ở Vũ Hán, giai đoạn đầu tại Việt Nam, chúng ta đã chữa khỏi cho 16 bệnh nhân và chuẩn bị công bố hết dịch, nên tôi hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ nước nhà”, ông nói.

img

Trong những ngày đại dịch Covi-19 lan rộng, bên cạnh nỗi canh cánh lo cho sức khỏe của con gái, gia đình ông Hạnh Nguyễn đã ủng hộ 25 tỷ đồng mua các thiết bị y tế chống Covid-19 cho TP.HCM và 5 tỷ hỗ trợ người dân miền Tây chống hạn mặn.

Ít ai biết, ông đã âm thầm chuyển tiền mua 9 máy điều trị cuối cùng trong lô hàng từ Đức để có thể nhập về Việt Nam sớm nhất. Sau này, vua hàng hiệu tâm sự: “Chữa bệnh như chữa cháy”, trễ chừng nào thì cơ hội cứu sống bệnh nhân càng ít chừng đó. Thế nên khi biết nhu cầu cấp bách lắp đặt phòng áp lực âm tại các bệnh viện dã chiến, tôi không chần chừ, xuất tiền mua tặng ngay các lô thiết bị hỗ trợ ngành y TP.HCM”.

Ngoài 9 máy áp lực âm, ông Hạnh Nguyễn cũng đã tài trợ lắp đặt 4 phòng áp lực âm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, nơi con gái mình đang điều trị. Hợp đồng cũng được thanh toán toàn bộ 100% với điều kiện thi công nhanh nhất vì người trả tiền khẳng định “đây là việc cứu người, không thể chậm trễ”.

Ngày Thảo Tiên được ra viện, ông Hạnh Nguyễn cho biết, Tập đoàn IPP sẽ chính thức ra mắt Quỹ từ thiện do con gái làm Chủ tịch để kêu gọi đóng góp cho các dự án “Vì cộng đồng”.

Lý giải việc trao quỹ từ thiện của tập đoàn cho Thảo Tiên, ông Hạnh Nguyễn nói khi còn đang điều trị bệnh, Thảo Tiên có nói với ba về việc chính thức thành lập và tự quản lý một Quỹ từ thiện riêng với sự ủng hộ của bạn bè, như một sự tri ân sau những gì mình đã trải qua.

“Nghe xong, tôi đã khóc, vì con bé 24 tuổi đã biết nghĩ đến sự chia sẻ. Tôi nhận ra, con gái đã trưởng thành, biết làm những gì có ích cho Tổ quốc, cũng là tâm nguyện của tôi lâu nay.

Vì vậy tôi quyết định chuyển giao toàn bộ quỹ từ thiện của tập đoàn cho con quản lý. Còn tôi sẽ tiếp sức bằng cách mời gọi các nhà hảo tâm, các công ty đa quốc gia trong và ngoài nước để cùng chung tay vì cộng đồng.

Mặc dù còn đang chữa trị trong viện nhưng Thảo Tiên đã lên kế hoạch để sớm chính thức công bố và đưa Quỹ vào hoạt động”, ông Hạnh nói và không giấu sự trìu mến khi nhắc đến con gái. Bao nỗ lực trong 22 ngày qua của cả cha và con, giờ đã có một cái kết tuyệt đẹp.

Thảo Tiên - Bệnh nhân số 32 bịn rịn vẫy chào các y bác sỹ đã cứu chữa, chăm sóc cô ở Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.

“Tiên ước có thể ôm lấy các bác sỹ, y tá thật chặt”

Chiều 31/3, trước lúc lên xe xuất viện, Thảo Tiên chào tạm biệt đội ngũ y bác sĩ. Cô bước đi nhưng sau đó lại chạy lại gần rồi chào lần nữa. Nhiều y tá, bác sĩ cũng chạy ra hành lang vẫy tay chào tạm biệt.

Cô dường như sắp khóc... khi rời ngôi nhà đã chữa trị cho mình 22 ngày qua. "Trong giây phút ấy, nếu là một khoảnh khắc khác Tiên ước có thể chạy lại gần ôm lấy các bác sĩ, y tá thật chặt. Cảm ơn các bác, các anh chị đã tận tình chữa bệnh cho Tiên", cô nói.

"Là người bị bệnh, trực tiếp nhìn và cảm nhận các bác sĩ, điều dưỡng, y tá… ngày đêm căng mình điều trị bệnh cho các bệnh nhân vì sức khỏe của cộng đồng, Tiên cảm thấy rất xúc động và tự hào về đất nước mình. Tiên có niềm tin mạnh mẽ Việt Nam sẽ chiến thắng Covid-19

Tiên hy vọng, những ngày tới đây sau khi tiếp quản Quỹ từ thiện của tập đoàn, Tiên sẽ làm được nhiều việc có ích, kêu gọi các nhà hảo tâm, bạn bè trong nước và khắp thế giới chung tay vì cộng đồng”, Thảo Tiên chia sẻ.

Từ nhiều năm nay, với vị trí Ủy viên Hội đồng bảo trợ trẻ em Việt Nam – thuộc Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam; Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” - Quỹ học bổng Vừ A Dính, ông Hạnh Nguyễn và gia đình đã đích thân tham gia, đóng góp cũng như vận động, kêu gọi nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn cùng chung tay góp hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động của các Quỹ. Ông cũng là người đỡ đầu cho không ít các chương trình khởi nghiệp của Đại học Quốc gia TP.HCM, trường Đại học Đà Lạt, trường Đại học Nha Trang.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.