Từ chỗ chủ yếu phụ thuộc vào tuyến QL1A, đến nay hệ thống đường bộ cả nước đã có sự lột xác thần tốc. Chỉ vài năm nữa thôi, cả nước sẽ có 3.000km cao tốc và con số này sẽ tăng lên 5.000km vào năm 2030. Đây được xem là bước đột phá để tiếp tục làm nên những mùa Xuân lịch sử của đất nước trong tương lai gần.

Bắt đầu từ năm 1993, Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ODA để nâng cấp, cải tạo QL1 theo tiêu chuẩn đường cấp ba đồng bằng có hai làn xe từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Sau hàng thập kỷ đưa vào sử dụng, trục giao thông xương sống quốc gia nhanh chóng xuất hiện bất cập, toàn tuyến có tới hơn 30% dân cư sống hai bên đường, dòng lưu thông hàng hóa ùn ứ, thời gian di chuyển từ Bắc đến Nam mất đến cả tuần bởi tốc độ lưu thông thấp (50km/h), tình trạng tắc nghẽn thường xuyên xảy ra. QL1 trở thành “cung đường tử thần” với tỷ lệ TNGT chiếm tới hơn 60% tổng số vụ trên cả nước.

Chủ trương nâng cấp, mở rộng QL1 nhanh chóng được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ và thực hiện từ năm 2012 đến năm 2015, về đích trước 1 năm so với yêu cầu. Nhờ vậy, thời gian di chuyển hai đầu Bắc - Nam rút ngắn chỉ còn 3 - 4 ngày nhờ vận tốc được nâng lên 70 - 80km/h. Mỗi năm số người chết do TNGT được kéo giảm ít nhất 500 người…

Trên hành trình gần 50 năm phát triển hạ tầng giao thông của đất nước, ấn tượng nhất với ông Trần Chủng (Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam - VARSI) là công trình hầm đường bộ xuyên núi qua đèo Hải Vân nối Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, với chiều dài 6.280m.

Trước năm 2005, đèo Hải Vân là điểm nóng về TNGT bởi nhiều khúc cua nguy hiểm. Ban đầu, các nhà thiết kế dự báo đến năm 2025, hầm Hải Vân (Hải Vân 1) mới mãn tải, nhưng năm 2015, tình trạng quá tải đã xuất hiện.

“Đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng lượng phương tiện, tháng 6/2005, hầm đường bộ Hải Vân được hoàn thành và đưa vào khai thác. Không chỉ rút ngắn đáng kể đoạn đường qua đèo Hải Vân từ 21km xuống còn 6,2km, hầm Hải Vân khi ấy còn ghi dấu là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á.

Trải qua thời gian khai thác, Bộ GTVT đã đồng ý cho Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả nâng cấp Hải Vân 1 và đầu tư xây dựng hầm Hải Vân 2 nằm song song, tạo thành hệ thống gồm hai ống hầm lưu thông hai chiều độc lập trong mỗi ống, bảo đảm an toàn cho xe cộ qua lại”, ông Chủng nhớ lại.

Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, nhắc đến đột phá của hệ thống giao thông đường bộ, không thể không nhắc tới tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam là Hà Nội - Hải Phòng.

Được đầu tư với quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, cao tốc này cùng cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh đã tạo nên một mạng lưới liên kết đồng bộ giữa 3 trung tâm kinh tế thuộc tam giác phát triển kinh tế khu vực phía Bắc. Quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng được rút ngắn từ 75km xuống còn 25km. Thời gian di chuyển bằng ô tô từ TP Hạ Long đi Hà Nội từ 3,5 giờ xuống 1,5 giờ.

Ông Mười cho biết, đến hết năm 2022, mạng lưới đường bộ Việt Nam đang khai thác có chiều dài khoảng 630.000km. Trong đó, mạng lưới đường bộ quốc gia (cao tốc, quốc lộ) đang khai thác có tổng chiều dài hơn 25.700km; khoảng 28.142km đường tỉnh, hơn 57.000km đường huyện, hơn 480.000km đường xã trở xuống; 27.688km đường đô thị do địa phương quản lý...

Riêng mạng lưới cao tốc, từ tuyến đầu tiên được xây dựng năm 2004, trải qua gần 20 năm, đến nay cả nước đã có 23 tuyến, đoạn tuyến đường bộ cao tốc với chiều dài 1.417km đã đưa vào khai thác chính thức, tập trung trên trục Bắc - Nam và khu vực phía Bắc. 13 tuyến, đoạn tuyến dài khoảng 672km đang được triển khai xây dựng.

Bên cạnh dự án QL1, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hàng loạt dự án giao thông đường bộ lớn đã được đầu tư, đưa vào khai thác như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường Vành đai 3 Hà Nội; TP.HCM - Trung Lương; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; các cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh; Thủ Thiêm...

Theo ông Lê Đỗ Mười, việc phát triển mạng đường bộ cao tốc sẽ là trục xương sống trong hệ thống GTVT, là động lực phát triển KT-XH của đất nước.

Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021 - 2030) cũng đã xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông...” với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Để đạt được mục tiêu trên, giai đoạn 2021 - 2025 cần phải cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; TP.HCM - Mộc Bài; TP.HCM - Chơn Thành; Vành đai 3 TP.HCM; Vành đai 4 Hà Nội; Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Giai đoạn 2026 - 2030 với 2.000km còn lại, để đạt được mục tiêu 5.000km cao tốc, cần tập trung đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đồng thời, đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc: Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn; Đồng Đăng - Trà Lĩnh; Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn Nam Định - Thái Bình); Vinh - Thanh Thủy; Cam Lộ - Lao Bảo; Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y (Kon Tum); Quy Nhơn - Pleiku; Gia Nghĩa - Chơn Thành, Chơn Thành - Đức Hòa; Dầu Giây - Liên Khương; Cao Lãnh - An Hữu; Hà Tiên - Rạch Giá.

“Cùng đó là đầu tư đường Vành đai 4 TP.HCM; khép kín Vành đai 4 Hà Nội; xây dựng đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội”, ông Mười nói và cho biết, với số lượng dự án nêu trên, dự kiến nhu cầu các nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc đến năm 2030 khoảng hơn 813.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, trong 10 năm trở lại đây, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, địa phương, hạ tầng giao thông đã có sự phát triển vượt bậc.

Tuy nhiên, khu vực phía Nam, đặc biệt của ĐBSCL vẫn còn hạn chế. Trong nhiều năm, phục vụ hơn 20 triệu dân vùng ĐBSCL chỉ có duy nhất đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương kết nối và mới đây là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Vì thế, ông Hòa cho rằng, giai đoạn trước mắt, cùng với các dự án cao tốc Bắc - Nam, Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần được đẩy nhanh tiến độ, tạo mạch kết nối liên thông từ Cà Mau đến Cần Thơ, Kiên Giang và từ Cần Thơ đến TP.HCM. Tuyến cao tốc này sẽ là “mạch máu” nối liền các tỉnh Đông Nam bộ, vực dậy kinh tế của các tỉnh miền Tây Nam bộ.

“Trong điều kiện vốn ngân sách hạn hẹp, cần tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư PPP bằng những chính sách cụ thể. Nếu không, công tác huy động vốn phát triển hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục gặp khó khăn”, ông Hòa góp ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.