Xã hội

Éo le gia cảnh thiếu nữ tử vong, em họ bị thương do TNGT ở đường bao biển

19/02/2023, 06:30

Thiếu nữ 17 tuổi mới tử vong do TNGT trên tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (Quảng Ninh) không có giấy khai sinh, gia cảnh nghèo khó.

Con ra đi khi bố mẹ lênh đênh trên biển câu cá

Ngày trung tuần tháng 2, PV Báo Giao thông thuê chiếc đò nhỏ tìm đến nhà của em Nguyễn Thị Vân (SN 2006) vừa tử vong do TNGT.

Gọi là nhà, nhưng thực chất đây là 2 chiếc bè cũ nhỏ được liên kết với nhau bằng dây thừng, dây thép. Trong căn rộng chừng hơn chục mét vuông trống hơ, trống hoác, mọi đồ đạc đều cũ kỹ, trừ chiếc bàn thờ nhỏ đặt di ảnh thiếu nữ trẻ xấu số là có vẻ mới.

img

Nhà bè của gia đình thiếu nữ 17 tuổi tử vong do TNGT lụp xụp tại khu vực Bến Do, TP Cẩm Phả

Anh Nguyễn Văn Toàn, bố của Vân mới 42 tuổi mà nhìn già như hơn 50 tuổi, nghẹn lời kể: Vân là chị cả của 3 đứa em gái. Do gia đình nghèo khó, nên Vân phải nghỉ học từ năm lớp 9 đi làm thuê, làm mướn giúp bố mẹ nuôi em.

"Hôm ấy tôi đang đưa thuyền đi câu cá ở vùng biển Vũng Đục, TP Cẩm Phả thì hay tin con gái bị tai nạn ở đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Khi tôi về đến đất liền, vào bệnh viện thì cơ quan chức năng đã hoàn tất thủ tục chứng tử cho cháu", anh Toàn buồn bã kể.

img

Hiện trường vụ tai nạn khiến em Vân tử vong trên đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả

Theo anh Toàn, hôm đó, Vân mượn xe máy rồi chạy lên TP Hạ Long mời cháu Phạm Văn Tiến là con dì ruột xuống TP Cẩm Phả ăn chè. Trên đường chở em về, Vân tự đâm vào dải phân cách tử vong, còn Tiến bị thương rất nặng.

Chỉ vào 3 cô con gái, đứa lớn 13, đứa nhỏ 4 tuổi đang ôm nhau ngồi co ro vì gió lạnh ngay cạnh lối vào bàn thờ của con lớn, anh Toàn xót xa: "Lúc cháu còn sống, do bố, mẹ tối ngày đi biển, nên việc trông em, cơm nước cho gia đình đều do cháu đảm nhiệm. Giờ cháu mất, biết ai chăm lo cho đàn em dại này để bố mẹ yên tâm đi biển kiếm cơm..."

img

Anh Nguyễn Văn Toàn (đầu tiên, bên phải) kể lại gia cảnh nghèo khó của mình

Nghe chồng nói vậy, chị Phạm Thị Hòa bật khóc nức nở: "Lúc cháu mất, trong nhà còn có mấy triệu đồng, vì vậy, phải đi vay, mượn mấy chục triệu để mua đất, làm ma. Giờ xong việc cho cháu, nhà lại "ôm"’ khoản nợ mấy chục triệu đồng. Lúc bình thường lo bữa ăn cho cả nhà đã khó, giờ lại thêm khoản nợ này, biết bao giờ mới trả được".

Khát vọng tấm giấy khai sinh

Gia đình anh Toàn là một trong những hộ sống ở "xóm ngụ cư" trên vịnh Hạ Long.

Trước đó, khi chính quyền tỉnh Quảng Ninh tiến hành di dời các hộ sống trong làng chài lên tái định cư ở phường Hà Phòng, TP Hạ Long, do không đủ điều kiện được cấp nhà, nên nhiều người phải đưa gia đình lang thang ở các vụng, các áng tại vùng biển giáp ranh giữa vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.

img

"Xóm ngụ cư" tại Bến Do với những chiếc nhà bè cũ nát, đầy hiểm nguy khi có giông, bão

7 năm trước, thấy vùng mặt nước ở Bến Do thuộc TP Cẩm Phả kín gió, an toàn vào mùa mưa, bão và thuận tiện cho việc mua vật tư, lương thực, thực phẩm, nên gia đình anh Toàn và vài chục hộ đã kéo thuyền, bè vào tạm cư nơi đây.

Hầu hết những người lớn tuổi ở khu tạm cư này đều không biết chữ, nhiều người không có giấy khai sinh, nên chủ yếu vẫn ở nhà dù đang trong độ tuổi đến trường.

Và dù có hộ khẩu, nhưng vì phải lang thang nay đây, mai đó, nên các hộ chẳng được hưởng bất cứ chế độ nào liên quan đến hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất; được tổ chức, đoàn thể địa phương thăm viếng, chia sẻ lúc khó khăn...

img

3 đứa con anh Toàn dù đang ở độ tuổi đến trường đành phải ở nhà vì không có giấy khai sinh

Giống như các cháu nhỏ nơi đây, con anh Toàn từ khi sinh ra đến giờ không có giấy khai sinh, nên cũng đành ở nhà. Trừ mỗi trường hợp em Vân trước đây do anh Toàn xin được tờ giấy xác nhận, nên một trường học ở TP Cẩm Phả "chiếu cố" nhận vào.

"Mấy hôm trước ngày mất, cháu Vân còn bảo, ước gì các em có được giấy khai sinh để đi học. Lúc ấy, con rảnh hơn sẽ đi biển phụ giúp bố mẹ kiếm tiền được nhiều hơn. Vài ngày gần đây, cơ quan chức năng phường Hà Phong đã tiếp nhận hồ sơ để phối hợp làm giấy khai sinh cho 3 cháu. Thế là Vân ra đi khi chưa biết tin các em có thể được đi học", chị Hòa ngậm ngùi.


img

Gia đình anh Phạm Văn Nhặt gồm 11 người phải sinh sống trong nhà bè chật hẹp trên vùng biển phường Bạch Đằng, TP Hạ Long

Được biết, cháu Phạm Văn Tiến, nạn nhân đi cùng Vân là con anh Phạm Văn Nhặt cũng đang sinh sống tại "xóm ngụ cư" ở vùng biển thuộc phường Bạch Đằng, TP Hạ Long.

Anh Nhặt gia cảnh nghèo khó, mới hơn 30 tuổi mà lại đẻ đến 8 đứa con. Đứa lớn giờ 19 tuổi, còn đứa nhỏ mới hơn 9 tháng. Giờ Tiến năm nay 17 tuổi, không biết chữ, bị thương rất nặng đang phải điều trị trên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, chị Phạm Thị Trầu, bác ruột của em Tiến cho biết: "Hiện Tiến chưa tỉnh hẳn, nên hỏi gì cũng không biết. Bố, mẹ cháu thì nghèo, luôn thiếu trước, hụt sau, nên nếu phải điều trị dài ngày thì không biết lấy kinh phí ở đâu để lo cho cháu".

img

Phạm Văn Tiến bị thương nặng sau vụ TNGT đang phải điều trị tại bệnh viện

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND phường Hà Phong, TP Hạ Long, xác nhận, tại đây còn nhiều người chưa có giấy tờ tùy thân. Vì vài năm trước, chính quyền địa phương đã phối hợp làm giấy khai sinh, thẻ căn cước cho hàng trăm người ở khu tái định cư. Tuy nhiên, do một số gia đình dù có khẩu, nhưng đi làm ăn ở xa, nên khi chính quyền tiến hành cấp giấy tờ tùy thân, họ không nắm được để về làm.

"Chính quyền khẳng định sẽ phối hợp thực hiện ngay khi công dân đến trụ sở làm thủ tục", vị lãnh đạo UBND phường Hà Phong khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.