Điều tra

Ép doanh nghiệp ký cam kết không thưa kiện

07/08/2014, 10:36

Khi mời các doanh nghiệp đến làm việc, lãnh đạo công ty này không hề đề cập đến việc giải quyết số tiền thu sai thế nào mà chỉ ép doanh nghiệp cam kết không khiếu nại, thưa kiện...

TIN LIÊN QUAN

 
 

Dù đã được đưa vào hoạt động nhiều năm, nhưng Bến xe 91B vẫn chưa có thủ tục đấu nối theo quy định
Dù đã được đưa vào hoạt động nhiều năm, nhưng Bến xe 91B vẫn chưa có thủ tục đấu nối theo quy định


Không trả tiền thu sai còn ép ký cam kết không thưa kiện


Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Út Thôi - Chủ DNTN Quốc Việt cho biết, đơn vị này có hơn 40 xe hoạt động ở Bến xe Cần Thơ, chủ yếu là xe 16 chỗ ngồi. Sau khi có kết luận thanh tra của Bộ GTVT, lãnh đạo Công ty CP bến xe tàu phà Cần Thơ (CT CPBX Cần Thơ) đã bốn lần làm việc với bà Thôi. 


Tại các buổi làm việc này, lãnh đạo CT CPBX Cần Thơ cho biết, đã khắc phục theo kết luận thanh tra của Bộ GTVT và yêu cầu bà Thôi ký cam kết từ nay về sau không thưa kiện, khiếu nại gì đối với CT CPBX Cần Thơ và thực hiện theo hợp đồng hai bên đã ký. Phía CT CPBX Cần Thơ không hề đề cập đến vấn đề thu sai và số tiền thu sai sẽ được giải quyết như thế nào. 


“Tôi có nói với anh Huống (Nguyễn Quang Huống - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CT CPBX Cần Thơ - PV), anh Mạnh (Nguyễn Văn Mạnh - Phó Tổng giám đốc CT CPBX Cần Thơ - PV) rằng, đã làm sai thì phải trả lại cho người ta. Nếu không trả cũng phải thương lượng như thế nào chứ bắt ký không khiếu nại, thưa kiện là tôi không ký”, bà Út Thôi nói. 


Do không đồng ý với cách làm mang tính áp đặt của lãnh đạo CT CPBX Cần Thơ nên cả bốn lần bà Thôi đều không ký. “Mấy anh có nói đã khắc phục xong rồi sao tôi không chịu ký? Tôi nói chỉ biết mấy anh khắc phục là có tách hợp đồng ra  từ ngày 12/7 chỉ thu 110.000 đồng/xe xuất bến nên tôi ký. Còn lỗi của mấy anh trong việc thu sai đối với tôi mấy anh chưa thương lượng sao gọi là khắc phục rồi được. Theo kết luận của Bộ GTVT, mấy anh phải trả lại 70% tiền thu sai cho doanh nghiệp. Tôi nói có nhiều xe nên tui không đòi hỏi. Nhưng mấy anh cũng phải giải quyết sao cho hài hòa. Nếu trước đây tôi đóng ba tỷ thì nay cũng phải trả lại cho tôi một tỷ hoặc vài trăm triệu thì tôi mới ký cam kết. Đằng này không trả đồng bạc nào mà kêu tôi cam kết không thưa kiện là tôi không ký”, bà Út Thôi bức xúc nói.  


Bà Út Thôi cho biết thêm, khi nghe bà nói vậy, lãnh đạo CT CPBX Cần Thơ có hứa là sẽ giảm cho bà 5 tháng tiền thuê phòng vé (khoảng 70 triệu đồng) nhưng yêu cầu bà phải làm đơn trình bày hoàn cảnh là gặp khó khăn phải sửa chữa xe mới giải quyết. Nhưng bà không đồng ý. Khi bà không chịu ký cam kết, lãnh đạo CT CPBX Cần Thơ quay ra đe dọa rằng nếu không ký, sau này sẽ làm khó trong quá trình hoạt động tại bến xe. “Tôi kinh doanh đàng hoàng, đóng thuế đầy đủ nên tôi không sợ. CT CPBX Cần Thơ phải làm việc chung với các doanh nghiệp mới có thể giải quyết được”, bà Út Thôi cho biết.    


Còn ông Phạm Hữu Ý - đại diện Công ty TNHH MTV Vận tải Kim Yến cho biết, CT CPBX Cần Thơ có mời ông  làm việc với  đại diện công ty. Tại buổi làm việc, đại diện CT CPBX Cần Thơ cho biết đã khắc phục theo kết luận của Bộ GTVT, không đề cập gì đến vấn đề tiền thu sai. “Công ty của tôi chỉ có một xe nên cũng không ảnh hưởng gì lớn nên tôi cũng không yêu cầu gì”, ông Ý nói.     

Chưa đủ điều kiện công bố lại bến xe


Sáng 6/8, làm việc với PV Báo Giao thông về việc công bố lại bến xe của CT CPBX Cần Thơ theo kết luận Thanh tra của Bộ GTVT, ông Lê Thuận Bé - Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, CT CPBX Cần Thơ đã nộp hai bộ thủ tục đề nghị công bố đưa bến xe khách vào khai thác. Trong đó, Bến xe tại số 36 Nguyễn Văn Linh (BX 91B) CT CPBX Cần Thơ yêu cầu công bố bến xe loại 2 và Bến xe đường Hùng Vương - Nguyễn Trãi là bến xe loại 3.


Sau khi tiến hành kiểm tra, Sở GTVT xác định BX 91B đạt loại 2 nhưng đề nghị CT CPBX Cần Thơ phải sớm hoàn chỉnh những hồ sơ còn thiếu và các hạng mục đang thi công dang dở. Ông Bé cũng cho biết, đơn vị này đồng thời phải có văn bản chấp thuận đấu nối đường ra, vào bến xe khách với đường giao thông của cơ quan có thẩm quyền chờ ý kiến của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ VN. 


Đối với Bến xe Hùng Vương, qua kiểm tra đạt tiêu chuẩn loại 3 nhưng chỉ được hoạt động đến 31/12/2014 vì UBND TP Cần Thơ đã có chủ trương thu hồi đất. Đơn vị này cũng phải có văn bản chấp thuận đấu nối đường ra, vào bến xe khách với đường giao thông của cơ quan có thẩm quyền chờ ý kiến của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ VN. Như vậy, cả hai bến xe vẫn chưa đủ điều kiện để đưa vào khai thác. 


Được biết, theo chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, đến cuối năm 2014, CT CPBX Cần Thơ phải hoàn thành việc xây dựng bến xe ở Nam Cần Thơ (thuộc quận Cái Răng) để di chuyển cả hai bến xe 91B và Hùng Vương về bến xe mới. Hiện nay, bến xe này cũng đã được khởi công và đang trong quá trình xây dựng.

Doanh nghiệp băn khoăn khi công bố hai bến xe


Liên quan đến việc CT CPBX Cần Thơ yêu cầu công bố tách biệt hai bến xe, bà Nguyễn Thị Út Thôi cho biết, chắc chắn các nhà xe sẽ gặp khó khăn trong quá trình hoạt động. Hành khách cũng gặp khó khăn khi đi xe. Tuy nhiên, chưa biết cơ chế quản lý, hoạt động của hai bến xe này như thế nào nên chưa thể biết được những khó khăn đó là gì. Như xe của DNTN Quốc Việt, hiện đang đăng ký hoạt động ở cả hai điểm là Bến xe 91B và Bến xe Hùng Vương, nhưng chủ yếu nhận khách ở Bến xe Hùng Vương. Sau này, khi công bố lại bến xe, hoạt động ở đâu và trả đón khách như thế nào? Nếu xe hoạt động ở hai bến tính tiền ra sao? Nếu đưa vào hoạt động ở Bến xe 91B chắc chắn sẽ ít khách hơn vì khách đã quen đi ở Bến xe Hùng Vương rồi.  


Còn ông Phạm Hữu Ý cho rằng, do công ty xe ít, lượng khách nhỏ nên cần hoạt động ở cả hai bến để thuận tiện cho khách. Vì lý do đó nên trước đây, dù bến xe thu thêm 70%  công ty cũng phải chấp nhận. 


Hồng Thủy

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.