Thị trường

EPTC vẫn đòi một mình mua buôn, bán lẻ điện

26/03/2015, 09:51

Lý do mà Công ty Mua bán điện (EPTC) đưa ra là để hạn chế rủi ro cho các công ty của EVN....

42
Có ý kiến cần tách bạch đơn vị quản lý các công-tơ điện (có chi phí dịch vụ thấp) với đơn vị vận hành hệ thống điện để đảm bảo tính cạnh tranh - Ảnh: Trần Hải

Lý do mà Công ty Mua bán điện (EPTC), thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra là để hạn chế rủi ro cho các công ty của EVN, đồng thời đơn vị này được EVN giao quản lý công - tơ điện vì có nhiều... kinh nghiệm!

Muốn giữ giá bán buôn nội bộ

Ngày 25/3, Liên doanh tư vấn Intelligent Energy Systems và SW Advisory (Úc) giới thiệu dự thảo lần hai Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh, trong đó đề xuất ngay trong giai đoạn thí điểm (từ 2016) sẽ bỏ giá bán buôn nội bộ (BST) để hình thành giá cạnh tranh. Tuy nhiên, đại diện Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phản ứng và cho rằng, đề xuất trên của đơn vị tư vấn có thể ảnh hưởng tới tình hình tài chính của các đơn vị và có thể gặp rủi ro khi thực hiện.

"Năm 2015, việc triển khai giai đoạn 2 của thị trường điện - giai đoạn thí điểm thị trường bán buôn cạnh tranh phải được thực hiện, dù không dễ dàng. Khó nhất là đối với việc chuyển từ một đơn vị mua buôn duy nhất như hiện nay (Công ty Mua bán điện) sang nhiều đơn vị mua buôn. Do đó, các đơn vị mới tham gia mua buôn là các Tổng công ty Phân phối điện (hiện thuộc EVN), sẽ phải hoàn thiện tốt kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, cũng như cần đội ngũ làm công tác thị trường điện có đủ trình độ và kinh nghiệm”.

Ông Dương Quang Thành
Phó Tổng giám đốc EVN

Bởi theo đại diện EPTC, hiện đơn vị này là doanh nghiệp duy nhất mua toàn bộ sản lượng điện trên thị trường giao ngay với giá bán buôn nội bộ. Giá này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố chi phí đầu vào của đơn vị phát điện (giá nhiên liệu, tỷ giá). Các Tổng công ty Điện lực ký các hợp đồng mua điện với EPTC nhưng giá bán lẻ điện vẫn bị điều tiết bởi cơ quan Nhà nước. “Khi chúng ta bán buôn điện cạnh tranh, vẫn phải đảm bảo cân bằng tài chính của các Tổng công ty Điện lực, bởi nếu giá bán buôn được đẩy lên cao, giá bán lẻ điện chưa được cơ quan chức năng điều chỉnh, thì các Tổng công ty Điện lực sẽ gặp rủi ro”, đại diện EPTC đặt vấn đề.

Tuy nhiên, Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, hiện nay giá nội bộ trong EVN khác với bên ngoài, nhưng khi đi ra thị trường bán buôn cạnh tranh, thì cũng phải bán với giá cạnh tranh, bình đẳng với các đơn vị khác.

Ông Stuard Thorncraft, Liên doanh tư vấn Intelligent Energy Systems và SW Advisory (Úc) cũng cho rằng, khi bước vào thị trường bán buôn cạnh tranh, nếu khách hàng có đủ điều kiện tương tự (như EPTC) tham gia mua buôn điện thì các khách hàng và EPTC sẽ được định giá như nhau, cạnh tranh công bằng.

Đòi quản lý công-tơ

Trong dự thảo thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đơn vị tư vấn đề xuất trong số các đơn vị cung cấp dịch vụ, sẽ có một đơn vị riêng cung cấp dịch vụ quản lý số liệu đo đếm (quản lý các công-tơ điện). Nghĩa là đơn vị này sẽ hoàn toàn tách biệt với đơn vị vận hành hệ thống điện, thị trường điện và đơn vị cung cấp dịch vụ truyền tải điện để đảm bảo sự khách quan. Đơn vị này có thể là đơn vị con của EVN hay bộ phận phân phối của các công ty điện lực, với điều kiện phải cung cấp dịch vụ với chi phí nhỏ nhất.

Tuy nhiên, EPTC lại đề xuất vẫn được tiếp tục thực hiện chức năng quản lý kỹ thuật hệ thống đo đếm ranh giới trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh. EPTC cho biết, đây là chức năng của EPTC đã được EVN giao cho. Chức năng này gồm: Thỏa thuận thiết kế kỹ thuật hệ thống đo đếm điện năng, nghiệm thu, chốt chỉ số công-tơ hàng tháng, kiểm tra định kỳ, xử lý sự cố...

“Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý kỹ thuật hệ thống đo đếm ranh giới của EVN với gần 2 nghìn điểm đo thuộc các nhà máy điện, trạm truyền tải, trạm phân phối”, đại diện EPTC nói.

Về vấn đề này, ông Trần Đình Long cho rằng, muốn có thị trường bán buôn điện cạnh tranh, cũng cần phải có sự cạnh tranh trong khâu quản lý công - tơ điện. “Điều này được đánh giá là bước tiến mới của thị trường điện để hình thành thị trường bán lẻ trong tương lai với việc khách hàng (hộ tiêu dùng điện) có quyền được lựa chọn những nhà cung cấp với mức giá cạnh tranh nhất”, ông Long đề xuất.

Theo chuyên gia Stephen Wallace của đơn vị tư vấn, về dài hạn, nếu đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý dữ liệu đo đếm hoạt động theo cơ chế cạnh tranh thì thị trường sẽ xác định cách thức thực hiện với chi phí tối thiểu. Điều này có nghĩa là cơ chế thị trường sẽ lựa chọn ra đơn vị thực hiện một cách khách quan nhất theo tiêu chí giảm thiểu chi phí cho người tiêu dùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.