Thị trường

EVN khó đáp ứng "lệnh" của Bộ trưởng về đàm phán giá điện gió, mặt trời

30/03/2023, 17:22

Trước yêu cầu đàm phán giá điện cho các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp trước 31/3, EVN kêu loạt khó khăn do chưa được hướng dẫn.

Liên quan đến những vướng mắc trong đàm phán giá điện các dự án nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Công thương nêu loạt vướng mắc cần gỡ khó do không có hướng dẫn từ Bộ này.

Theo đó, EVN cho biết, trong quá trình đàm phán, tập đoàn gặp hàng loạt các vướng mắc cần Bộ Công thương gỡ khó.

Cụ thể, về thời hạn hợp đồng, do Thông tư 01 đã bãi bỏ thời hạn hợp đồng mua bán điện (PPA) 20 năm trong hợp đồng của nhà máy điện mặt trời, nhưng vẫn giữ nguyên với nhà máy điện gió nên EVN và các chủ đầu tư rất khó có thể thống nhất thời hạn của nhà máy điện mặt trời.

Về phương pháp xác định giá đàm phán, bao gồm các thông số đầu vào và nguyên tắc xác định giá điện với các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công thương vẫn chưa có hướng dẫn như các dự án điện truyền thống nên tập đoàn không thực hiện được.

img

28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời tổng công suất gần 2.091MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm nhưng chưa bán được điện hơn 1 năm nay

Cụ thể, đối với dự án truyền thống, Bộ Công thương quy định đời sống kinh tế dự án thủy điện là 40 năm, nhiệt điện than là 30 năm, nhiệt điện khí là 25 năm. Trong khi đó, các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ chưa có hướng dẫn. Điều này khiến EVN và các chủ đầu tư chưa có cơ sở đàm phán.

Bên cạnh đó, sản lượng điện dùng để tính toán giá điện, mức giá trần, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, lãi vay, tỷ suất lợi nhuận trên vốn… cũng chưa có.

Ngoài ra, EVN còn gặp khó khi hiện tồn tại hai nguyên tắc xác định giá điện từ các thông số đầu vào, là hệ số chiết khấu tài chính bình quân được quy định tại Thông tư 15

và theo dòng tiền từng năm từ phân tích kinh tế, tài chính đầu tư của dự án, nhưng lại chỉ áp dụng cho các dự án nguồn điện truyền thống, chưa có hướng dẫn áp dụng cho các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp.

Về điều này, EVN cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công thương gỡ khó, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được Bộ này hướng dẫn.

Trước đó, ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất, đàm phán giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.

Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió và 6 dự án điện mặt trời, với tổng công suất lần lượt là hơn 1.638MW và hơn 452MWac) tổng công suất gần 2.091MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận ước tính: Nếu tính hệ số công suất bình quân của điện gió là 30%, sản lượng điện của các dự án điện gió trên khoảng 4,3 tỷ kWh/năm (1.638x1.000x365x24x0,3). Tương ứng với số tiền điện thu về theo giá FIT (1.928 đồng/kWh) khoảng 8.290,4 tỷ đồng mỗi năm.

Còn với điện mặt trời, hệ số công suất khoảng 16%, sản lượng điện của các dự án trên khoảng 0,633 tỷ kWh/năm (452x1.000x365x24x0,16). Tương ứng với tiền điện thu về theo giá FIT điện mặt trời (1.644 đồng/kWh) khoảng 1.040 tỷ đồng mỗi năm.

Như vậy, do không được huy động, mỗi năm các dự án đã hoàn thành thi công, thử nghiệm bị lãng phí hơn 9.330 tỷ đồng. Tất nhiên, đây là con số tương đối, song cũng đủ thấy nỗi xót xa của nhà đầu tư khi nhìn dự án hàng nghìn tỷ đồng phải nằm im.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.