Tư vấn mùa dịch

F0 tại nhà dùng thuốc điều trị Covid-19 thế nào cho an toàn?

30/08/2021, 11:50

Bác sĩ cảnh báo, để điều trị hiệu quả, an toàn, tránh "lợi bất cập hại", bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà cần lưu ý cách sử dụng thuốc.

Theo cảnh báo của BS. Nguyễn Phương Thảo (Nhóm Bác sĩ hỗ trợ tư vấn F0-F1 cách ly tại nhà – TP.HCM), gần đây, khi các thông tư hướng dẫn của Bộ Y Tế, Sở Y tế TP. HCM được ban hành, nhiều người tìm mua tại các hiệu thuốc nhưng lại không biết cách để sử dụng và uống hết các loại thuốc cùng 1 lúc tại 1 thời điểm bất kỳ nào đó của bệnh. Đây là việc làm hoàn toàn sai.

img

F0 điều trị tại nhà ở TP. HCM (ảnh minh họa)

Dùng đúng thuốc theo từng giai đoạn bệnh Covid-19

BS. Thảo cho hay, đa số người bệnh sẽ điều trị tốt trong giai đoạn 1, 2. Tuy nhiên, bệnh nhân đặc biệt lưu ý không được bỏ lỡ qua 2 giai đoạn mà không có sự hỗ trợ thuốc. Vì đến giai đoạn 3, khi phổi bắt đầu đông đặc thì nguy cơ tử vong rất cao.

Cụ thể, 3 giai đoạn bao gồm:

Giai đoạn tăng sinh virus: (1-5 ngày) giai đoạn này virus xâm nhập và nhân lên nên cơ thể sẽ mệt mỏi, sốt... và khi virus tăng sinh thì rất dễ bị nhiễm thêm vi trùng (hay còn gọi là bội nhiễm)

Kháng sinh chỉ được dùng nếu cơ thể có dấu hiệu của nhiễm trùng bội nhiễm: Sốt lại sau 2h dùng thuốc, ho đàm, môi khô...

Nếu trong giai đoạn này cơ thể không có dấu hiệu của nhiễm trùng thì kháng sinh không cần dùng, và lúc này chỉ uống những loại vitamin liều cao để tăng đề kháng, liều cao: Vitamin C 500 mg 2 viên chia 2 lần/ ngày trong 7 ngày; Fazincol 10 mg 2 viên*2 lần/ ngày *7 ngày; Vitamin D3 2000 UI 1 viên* 2 lần/ ngày * 7 ngày; Oresol gói 1 gói * 2 lần/ ngày * 7 ngày.

"Với thuốc kháng viêm và kháng đông, nên được dùng khi suy hô hấp với chỉ số SPO2 thấp hơn 94, tuy nhiên cần có sự tư vấn trước khi sử dụng từ các bác sĩ mà người bệnh có thể liên lạc qua các đường dây nóng.

Trong đó, người trên 80 tuổi, cẩn thận với thuốc chống đông vì có thể gây chảy máu; còn với người viêm loét dạ dày cẩn trọng với thuốc kháng viêm, nên uống sau khi ăn no, và uống thuốc tráng dạ dày… Tuy nhiên như đã đề cập, người bệnh cần được tư vấn trước khi sử dụng, bởi các loại loại thuốc đều có tác động đến cơ thể nếu sử dụng không đúng.

Thuốc kháng viêm khi dùng liều cao, kéo dài có thể giảm sức đề kháng của cơ thể. Còn với thuốc kháng đông, dùng kéo dài có thể gây chảy máu, do vậy cần theo dõi kỹ xem xuất hiện tình trạng chảy máu hay không nếu có báo ngay y tế", BS. Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Giai đoạn 2 "ngã 3 đường": Cuối ngày thứ 5-7 lúc này cơ thể chúng ta đã hết sốt nhưng chúng ta sẽ đứng ở ngã 3 đường.

Nếu cơ thể chúng ta sau 5 ngày thấy khỏe hơn, ăn uống ngon miệng hơn, SPO2 duy trì ở mức 96% vậy thì chúng ta sẽ an tâm và theo dõi tiếp, vì có thể chúng ta sẽ hết bệnh mà chỉ cần dùng vitamin.

Nếu sau 5 ngày, cơ thể hết sốt nhưng chúng ta thấy mệt hơn, khó thở hơn, SPO2 bắt đầu có dấu hiệu tụt, bệnh nhân phải theo dõi thường xuyên vì SPO2 sẽ tụt từ từ và cơ thể không có biểu hiện mệt mỏi. Đây chính là điểm mấu chốt của bệnh lý này dẫn đến gây tử vong cao, suy hô hấp thầm lặng.

Nếu bệnh lý chuyển qua giai đoạn 2 thì bắt đầu dùng Corticoid và kháng đông (liều và loại theo hướng dẫn của Bộ Y Tế), đó là lúc bệnh nhân có SPO2 <96% hoặc nếu có nhiễm trùng thì sau 3 ngày kháng sinh mà triệu chứng không giảm, mệt hơn...

"Việc bệnh nhân dùng Corticoid không đúng thời điểm, nhất là dùng trong giai đoạn đầu virus đang tăng sinh sẽ làm cho tình trạng bệnh lý có thể nặng nề hơn vì trong giai đoạn virus đang tăng sinh, cơ thể sẽ tự sản sinh ra miễn dịch chống lại virus. Corticoid là 1 dạng thuốc ức chế miễn dịch, nên dùng trong giai đoạn này giống như chúng ta đang tự tước đoạt đi vũ khí của các chiến binh bảo vệ cơ thể", BS. Thảo khuyến cáo.

Lưu ý những loại thuốc không nên sử dụng

Vậy nên 1 toa thuốc sẽ cần chuẩn bị: Kháng sinh; Corticoid; Kháng đông; Vitamin và máy SPO2.

BS. Thảo lưu ý, những loại thuốc Terpin Codein, Dextro, Kháng histamin H1( cetirizin, Telfast..) sẽ làm giảm phản xạ ho, trong khi ho 1 phản xạ có lợi của phổi để tống vật lạ, làm khô dịch tiết trong đó có phế nang và bản chất Covid-19 là đông đặc phổi nên sẽ làm nặng hơn tình trạng bệnh.

Trong thuốc hạ sốt Tylenol có thành phần Dextro nên cũng không nên sử dụng, bệnh nhân có thể sử dụng Paracetamol đơn thuần.

Riêng với bệnh nhân tiểu đường cần theo dõi kĩ đường huyết vì bản chất bệnh Covid-19 sẽ gây tăng đường huyết, Corticoid liều cao cũng gây tăng đường huyết và việc bổ sung dinh dưỡng như nước yến, sữa... có khả năng gây tăng đường huyết nhiều hơn và nếu không theo dõi kỹ sẽ rất dễ dẫn đến hôn mê do tăng đường huyết. Do vậy, bệnh nhân Covid-19 cần phải có máy thử đường huyết tại nhà.

"Chỉ cần các bạn nắm rõ nguyên tắc dùng thuốc thì các bạn có thể giúp gia đình vượt qua bệnh lý này dễ dàng trong giai đoạn y tế đang quá tải", BS. Thảo cho biết.

img

Đơn thuốc điều trị Covid-19 tại nhà (Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.