Thị trường

FastGo vừa cung cấp app vừa cung cấp xe thì không phải kinh tế chia sẻ

10/10/2019, 16:22

Đây là ý kiến của ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

img
Ông Dương cho rằng, nếu FastGo vừa cung cấp app vừa cung cấp xe thì không phải kinh tế chia sẻ. Ảnh minh họa

Tại Hội thảo về kinh tế chia sẻ do Viện Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tổ chức ngày 10/10, ông Dương cho rằng, những hoạt động liên quan tới các app đi nhờ xe hiện nay đều thuộc mô hình kinh tế chia sẻ gắn với nền tảng công nghệ thông tin.

Trong mô hình kinh tế chia sẻ này, ông Dương cho rằng cần phải duy trì mối quan hệ “tay ba”. Có nghĩa là phải có sự tham gia của cả ba bên là người có xe muốn chia sẻ - nhà cung cấp dịch vụ công nghệ kết nối – người có nhu cầu sử dụng dịch vụ chia sẻ xe.

“Nếu quan hệ này biến thành tay đôi tức là chỉ có nhà cung cấp dịch vụ kết nối với người có nhu cầu sử dụng dịch vụ chia sẻ xe là không được”, ông Dương nói.

Liên hệ với trường hợp mới đây FastGo thông tin mua 1.500 xe của VinFast, ông Dương nói, nếu FastGo đứng ra mua xe giúp đối tác thì hoàn toàn bình thường. Song nếu FastGo mua xe cho chính doanh nghiệp này và dùng số xe này để chạy dịch vụ trên nền tảng gọi xe FastGo thì lại không được gọi là mô hình kinh tế chia sẻ.

“Anh vừa cung cấp app kết nối lại vừa trực tiếp kinh doanh thì không được gọi là kinh tế chia sẻ, ở đây thậm chí còn động chạm tới vấn đề cạnh tranh”, ông Dương nói.

Do đó, theo ông Dương, không chỉ FastGo mà nếu Grab hay bất kỳ đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ gọi xe nào tham gia cung cấp luôn cả xe cũng sẽ không được gọi là mô hình kinh tế chia sẻ.

Ông Dương phân tích, kinh tế chia sẻ được khuyến khích để tận dụng các lợi ích kinh tế bị lãng phí. Ví dụ, một người đàn ông sáng chở con đi học, sau đó tranh thủ tận dụng xe nhà rỗi của mình chạy dịch vụ một vài “cuốc” qua nền tảng kết nối Grab hay FastGo. Trưa lại dùng xe đó để đón vợ, chiều lại đón con. Đó mới là kinh tế chia sẻ khi ông này tận dụng chiếc xe nhàn rỗi để không lãng phí tài sản. Và khi tính nhãn rỗi chấm dứt thì việc chia sẻ cũng chấm dứt.

Trên cơ sở khuyến khích mô hình này, nhà nước cũng sẽ có những chính sách ưu đãi như ưu đãi về thuế thu nhập để người dân tích cực.

Còn nếu tham gia chia sẻ dịch vụ nhưng lại là doanh nghiệp cung cấp app dịch vụ thì “có vấn đề”, thậm chí trục lợi các ưu đãi chính sách, cạnh tranh không lành mạnh và gây méo mó thị trường.

Ông Dương cũng lưu ý, với mô hình này, không được phép sử dụng xe đi thuê để tham gia mô hình kinh tế chia sẻ. “Điều này là hoàn toàn bị cấm vì còn liên quan tới trách nhiệm dân sự”, Trưởng phòng Pháp luật kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp luật lưu ý.

Được biết, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019. Mục tiêu của Đề án là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển kinh tế số.

img

Giá vàng hôm nay ngày 10/10/2019: Vàng bật tăng cao nhất 3 tuần

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.