Thời sự

Formosa bồi thường 500 triệu USD cho ai và khi nào?

01/07/2016, 08:22
image

Còn nhiều câu hỏi vụ Formosa như ai được nhận 500 triệu USD bồi thường, khi nào được chi trả, cách thức, tiêu chí?

Doan- kiem- tra- cua- Bo- NN&PTNT- tim- nguyen- nh

Cá chết ở biển miền Trung

 Tại cuộc họp báo chiều 30/6, Chính phủ chính thức công bố Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) là thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở vùng biển các tỉnh miền Trung. Formosa cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi trường biển với số tiền 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD.

Cam kết không tái diễn vi phạm

Chủ trì buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngay sau khi có thông tin về sự cố, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo bước đầu đánh giá thiệt hại về môi trường, đời sống người dân, điều tra làm rõ nguyên nhân sự cố để có hướng xử lý. Bộ KH&CN phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam huy động trên 100 nhà khoa học đầu ngành của 30 cơ quan trong và ngoài nước, tổ chức thu thập dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế và đã xác định có nguồn thải xuất phát từ khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh).

"Công ty xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam vì đã gây ra sự cố môi trường thời gian qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, việc làm của người dân và môi trường bốn tỉnh miền Trung. Chúng tôi cam kết khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, hoàn thiện công nghệ của nhà máy theo yêu cầu của các bộ, ngành Việt Nam và UBND Hà Tĩnh."

Ông Trần Nguyên Thành 
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh

Bộ TN&MT đã chủ trì, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các chuyên gia. Đoàn phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) vi phạm, xả thải độc tố ra biển với các chất hydroxit, phenol, xyanua,vượt quá mức cho phép. Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết bất thường.

Các cơ quan chức năng đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Formosa Đài Loan, Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28/6, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, đồng thời đưa ra 5 cam kết, trong đó có việc thực hiện bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; Bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển với tổng số tiền trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD); Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường để không tái diễn sự cố như đã xảy ra.

4

Lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vì gây ra vụ cá chết tại miền Trung - Ảnh: Cắt từ Clip

Đền bù 500 triệu USD dựa trên cơ sở nào?

Trả lời câu hỏi của một đại diện cơ quan báo chí nước ngoài: “Số tiền đền bù 500 triệu USD được tính toán thế nào? Dựa trên cơ sở nào?”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: “Con số 500 triệu USD ở đây chỉ là con số nhỏ, vì đó mới chỉ là những đền bù cho thiệt hại được tính toán sơ bộ. Bởi, sự cố do Formosa gây ra không chỉ làm thiệt hại về kinh tế, sinh thái môi trường biển, mà còn thiệt hại lớn về tâm lý của nhân dân, đây là cái không thể tính toán được. Chúng tôi không quan trọng việc đền bù là bao nhiêu, mà chúng tôi yêu cầu Formosa phải có trách nhiệm khắc phục, không để xảy ra sự cố tương tự”.

"Thực tế, các nhà máy của Formosa đang ở giai đoạn vận hành thử nghiệm nên chưa có cơ quan Nhà nước vào giám sát. Hệ thống giám sát tự động xả thải cũng chưa có cơ quan nào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng. Đây là lỗ hổng pháp luật."

Bộ trưởng TN&MT
Trần Hồng Hà 

Trả lời về việc vì sao quá trình xác định và công bố nguyên nhân lại kéo dài, ông Hà nhấn mạnh, việc xác định nguyên nhân đòi hỏi phải có chứng cứ khoa học chặt chẽ. “Đây là sự cố xảy ra trên diện rộng, rất nghiêm trọng, phức tạp nên phải làm cẩn trọng, khoa học, khách quan, chính xác. Trước yêu cầu của Thủ tướng và yêu cầu chính đáng của người dân, với sức ép rất lớn, chúng tôi xác định phải tiến hành việc này một cách bài bản, không chỉ để trả lời nguyên nhân vì sao mà phải tìm được ai là thủ phạm?”, ông Hà nói và thông tin, kể cả khi đã có kết quả, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải tổ chức Hội đồng khoa học của Nhà nước để đánh giá, xin ý kiến của nhà phản biện độc lập, sau đó mới công bố.

Trước băn khoăn của PV về việc liệu có khởi tố hình sự vụ việc này hay không, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: “Người Việt Nam xưa nay “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”, Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng, nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ đảm bảo để họ hoạt động hiệu quả. Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc”. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, việc khởi tố hay không thì cơ quan tố tụng sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp.

3

Người dân sầu não với xác cá chết tại biển ở Thừa Thiên-Huế hôm 21/4 - Ảnh: AFP

Còn nhiều câu hỏi

Trước câu hỏi cho rằng quá trình công bố nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết chậm khiến dư luận bức xúc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, công bố nguyên nhân là để giải quyết kịp thời hậu quả, công bố thủ phạm là để xử lý sai phạm. Điều tra nguyên nhân và thủ phạm là hai việc khác nhau. Điều tra nguyên nhân được tiến hành bởi các nhà khoa học, đối tượng là hiện tượng. Điều tra thủ phạm được tiến hành bởi cơ quan điều tra và nhà khoa học, đối tượng chủ thể là con người nên phức tạp hơn rất nhiều. Trong cả quá trình ấy, các cơ quan tham gia điều tra đã nỗ lực rất lớn, làm hết trách nhiệm của mình. “Dư luận phản ứng về việc chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết là điều dễ hiểu vì sự cố này liên quan đến đời sống của hàng vạn ngư dân, nhưng sự phản ứng thái quá và suy diễn nguyên nhân, kết quả có thể làm nhiễu loạn quá trình điều tra. Có một số thế lực thù địch đứng sau gây bất an trong nhân dân, đó là điều không thể chấp nhận. Đến giờ tôi khẳng định việc công bố nguyên nhân là kịp thời”, ông Tuấn khẳng định.

Liên quan đến câu hỏi liệu có việc giấu thông tin vụ cá chết, hay hạn chế báo chí đưa tin, ông Tuấn cho biết: “Đảng và Nhà nước không hề có chủ trương che giấu nhân dân, vì không chỉ người dân cần biết sự thật mà Đảng và Nhà nước cũng cần biết sự thật. Tuy nhiên, có một thời gian báo chí thông tin dày đặc về vụ việc để đảm bảo hoạt động điều tra, chúng tôi đã yêu cầu giảm tần suất đưa tin, không quy chụp, suy diễn làm ảnh hưởng đến hoạt động điều tra. Hoạt động điều tra của báo chí không thể thay thế hoạt động của cơ quan điều tra”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, trong phiên họp Chính phủ sáng cùng ngày, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát lại tất cả các quy hoạch liên quan đến môi trường, kiên quyết điều chỉnh lại tiêu chuẩn quy định về môi trường và chế tài. Đối với cán bộ liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới sự cố vừa qua, dù ở cấp độ nào cũng bị xử lý theo mức độ sai phạm.

Tuy nhiên, buổi họp báo kết thúc trong khi còn rất nhiều phóng viên chưa được đặt câu hỏi. Điều đó cũng đồng nghĩa với những thông tin mà người dân cả nước, đặc biệt là những ngư dân đã và đang phải gánh chịu thiệt hại rất quan tâm còn chưa được làm rõ như số tiền 500 triệu USD bồi thường sẽ được chi trả cho ai và bao giờ họ được nhận? Cách thức, tiêu chí để được bồi thường ra sao?...

Năm 2008, Tập đoàn Formosa (Đài Loan, Trung Quốc) công bố đầu tư dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng xây dựng Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (Formosa Hà Tĩnh). Với mô hình sản xuất - xuất khẩu liên hợp, dự án được lên kế hoạch với tổng đầu tư 28,5 tỷ USD (giai đoạn I trên 10,5 tỷ USD) trên diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương), thời gian thuê đất là 70 năm. Dự án tại Hà Tĩnh tập trung vào các hạng mục như nhà máy luyện gang thép, cảng nước sâu có năng lực cập tàu 30.000 tấn, nhà máy nhiệt điện công suất 2.100 MW… Trong đó, riêng quy mô nhà máy thép giai đoạn I đạt trên 7 triệu tấn phôi thép/năm.

Tuy nhiên, gần 6 năm trôi qua, đến nay dự án này chưa thể đưa vào hoạt động khai thác chính thức hạng mục nào. Năm 2014, công trình này từng khiến dư luận xôn xao khi sử dụng hơn 3.000 lao động “chui” người Trung Quốc. Còn cách đây hơn 1 năm, tại đây đã xảy ra là vụ sập giàn giáo công trường làm 13 người chết, 29 người bị thương.

Dân muốn gì khi “lật tẩy” thủ phạm?

 “Vợ chồng tôi có 5 người con, hai đứa con trai đầu làm nghề đi biển nhưng đánh cá mà không bán được nên 2 ghe cá nằm trên biển gần 3 tháng nay. Nhà hàng hải sản Thìn Hương của gia đình tôi gần 3 tháng nay vắng bóng khách do tâm lý lo sợ khiến gia đình thất thu mỗi ngày gần 1 triệu đồng so với trước đây. Tổng thất thu của gia đình đến nay là hơn 100 triệu đồng rồi”.

Chị Chu Thị Hương
(Thôn Hải Phong, phường Kỳ Lợi,thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh)

 “Ngay khi thấy cá biển bắt đầu chết ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh rồi lan sang Quảng Bình, chúng tôi đã nghi ngờ thủ phạm chính là nhà máy Formosa. Giờ họ đã công nhận chính họ là thủ phạm thì chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ cần có những biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức liên quan. Đồng thời, buộc họ phải bồi thường những thiệt hại mà ngư dân chúng tôi đã phải chịu đựng suốt thời gian qua”.

Ngư dân Nguyễn Tiến Dũng
(Thôn Nam Lãnh, Quảng Phú, Quảng Đông, Quảng Bình)

 “Chúng tôi không cần bồi thường mà chỉ cần biển, cần tôm cá như xưa thôi. Hơn 2 tháng qua, do chính quyền khuyến cáo không sử dụng cá chết ở gần bờ nên cá đánh lên bán không được. Tôi đã phải gác lưới về trồng lúa, trồng rau nhưng thỉnh thoảng vẫn rong thuyền ra biển cho đỡ nhớ. Giờ biển ít cá lắm. Trước đi mỗi đêm đánh được 30- 40kg, giờ may mắn mới được vài kg. Hiện nay ở các xã ven biển tỉnh Quảng Bình ngư dân hầu như vẫn gác lưới do hải sản gần bờ đánh bắt về không tiêu thụ được”.

Ngư dân Võ Phước Hồng
(Xã Quảng Phú, huyện Quảng Đông, Quảng Bình)

T.Lộc - V.Thanh - D.Lợi

Formosa từng bị xử phạt nhiều lần

Số tiền mà Tập đoàn Formosa phải bồi thường vì những động thái gây ô nhiễm môi trường ở khắp nơi trên thế giới là một con số khổng lồ, nhưng thực tế, con số này chẳng “thấm tháp” vào đâu so với những thiệt hại mà người dân phải nhận chịu.

Năm 2013, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đã phạt Formosa 1,5 triệu USD vì vi phạm các quy định bảo đảm môi trường. Trước đó, tháng 9/2009, Formosa bị Sở Tư pháp Mỹ và Cơ quan bảo vệ môi trường nước này phạt số tiền lên đến 13 triệu USD. Phần lớn số tiền được các nhà chức trách Mỹ dùng để cải thiện môi trường. Năm 2000, Formosa phải đóng phạt 150.000 USD vì vượt mức ô nhiễm không khí cho phép tại Texas, Mỹ.

Hương Mai

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.